(Baonghean) - Hội nghị Quốc gia về Thái học với chủ đề 'Phát huy vai trò, bản sắc của cộng đồng các dân tộc Thái - Kadai trong hội nhập và phát triển bền vững' được tổ chức tại huyện Con Cuông từ 24 - 25/6.

Đây là hội nghị lần thứ VIII, năm 2017 được Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội (VVNH&KHPT) phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức.

Hội nghị đã thu hút được hơn 100 tác giả tham gia trong 86 báo cáo khoa học, là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà quản lý cùng trao đổi, luận bàn, tiếp tục làm sáng tỏ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của cộng đồng Thái - Kadai ở Việt Nam gồm nhóm Tày - Thái (8 dân tộc: Tày, Thái,  Nùng, Sán Chay (Cao Lan – Sán Chỉ), Giáy, Lào, Lự, Bố Y) và nhóm Kadai (4 dân tộc: La Chí, La Ha, Cơ Lao,  Pu Péo), đồng thời đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của các cộng đồng dân tộc này trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Vui mua sạp trong Ngày văn hóa các dân tộc. Ảnh: Cao Duy Thái
Vui múa sạp trong Ngày văn hóa các dân tộc. Ảnh: Cao Duy Thái

Hội nghị góp phần làm sáng tỏ vai trò, vị trí của cộng đồng Thái - Kadai Việt Nam trong cộng đồng dân tộc Việt Nam và cộng đồng Thái - Kadai trên thế giới, trong lịch sử và hiện tại và đề xuất các giải pháp nâng cao vai trò, vị trí của cộng đồng Thái - Kadai ở Việt Nam và trên thế giới. Đề xuất các chính sách và cơ chế đặc thù phục vụ cho mục tiêu phát triển đối với cộng đồng Thái - Kadai Việt Nam, trên quan điểm phát triển bền vững vùng Tây Bắc và cả nước, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong mục tiêu chung phát triển ngành Thái học Việt Nam trong hội nhập khu vực, quốc tế trong thời gian tới.

Một trong các dân tộc ngữ hệ Thái - Kadai của cả nước nói chung, ở Nghệ An nói riêng, người Thái cũng là dân tộc ít người có dân số đông nhất trong cộng đồng các dân tộc ít người của tỉnh (có trên 324.000 người), có mặt ở 12 huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Người Thái có những nét văn hóa đặc sắc, phong phú và đa dạng.

Người Thái là một trong những dân tộc có khả năng thổi vào tự nhiên một sức sống mới, khả năng ấy chính là chiều dày của văn hóa phát triển thành truyền thống. Trong giai đoạn hiện nay, việc bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hoá dân tộc có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển và hội nhập của đất nước. Hội nghị Thái học được tổ chức tại Nghệ An - vùng đất còn lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa của người Thái ở Việt Nam, tại mảnh đất này cách đây 6 thế kỷ đã làm nên lịch sử “miền Trà Lân trúc chẻ, tro bay”.

Cuộc hội tụ này là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc giữ gìn những giá trị lịch sử và phát huy văn hóa truyền thống của cộng đồng Thái - Kadai Việt Nam, nhằm thể hiện sự tôn vinh văn hóa của một cộng đồng người giàu truyền thống, góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Nghệ An là một tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 16.490,25  km2, vùng dân tộc miền núi 13.745 km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; dân số hơn 3,2 triệu người, vùng dân tộc miền núi có 1.197.628, người (chiếm 41%), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số: 466.137 người, chiếm 15,2% dân số toàn tỉnh. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu ở 12 huyện, thị; gồm 252 xã, 1.339 thôn, bản; 27 xã của 6 huyện biên giới tiếp giáp 419,5 km đường biên giới với nước bạn Lào. Là tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, quốc gia.

Đồng bào Thái vùng cao Nghệ An vui hội khắc luống. Ảnh tư liệu

Nói đến Nghệ An là nói đến vùng đất hào kiệt; có núi, có sông, cảnh quan tươi đẹp, con người thân thiện, chan hòa với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đồ sộ, độc đáo và phong phú, đó là những giá trị vật chất cũng như tinh thần do bàn tay và khối óc. Sự đoàn kết của 6 dân tộc cùng chung sống sáng tạo nên và gìn giữ trong dòng chảy cuộc sống, là cái nôi của các điệu múa cồng, chiêng, lăm vông, xăng khan; nơi có các điệu hát lăm, xuối, khắp, nhuôn, tiếng sáo, tiếng đàn môi, thổ lộ tâm tình làm xao xuyến lòng người.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Nghệ An đã nỗ lực, khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội và quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị là: Xây dựng Nghệ An trở thành một tỉnh giàu của cả nước.

Kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, các nguồn lực cho phát triển được thu hút và tăng cường nhiều hơn. GDP của tỉnh tăng bình quân 8%/năm, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt trên 28,54 triệu đồng, vùng miền núi hơn 23,0 triệu đồng; thu ngân sách năm 2016 đạt trên 11.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng với tốc độ nhanh, nhất là: Hệ thống giao thông, điện, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện và các công trình phục vụ công cộng. Tỉnh đã tập trung đầu tư một số tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn, đến nay đã có 100% các xã của các huyện miền núi có đường ô tô đến trung tâm; có 100% các xã miền núi có điện lưới quốc gia với 95% hộ gia đình được sử dụng điện. Bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc và ngày càng phát triển.

Hy vọng Hội nghị toàn quốc về Thái học lần này là điểm nhấn quan trọng, điểm mốc đánh dấu bước chuyển hết sức quan trọng về chuyên môn, về khoa học của CTTHVN: Bước chuyển từ việc nghiên cứu, thảo luận về các vấn đề lịch sử, kinh tế, văn hóa trong xã hội truyền thống sang nghiên cứu, thảo luận các vấn đề của cuộc sống đương đại phục vụ cho sự nghiệp phát triển và phát triển bền vững từng cộng đồng, từng dân tộc, khu vực và đất nước. 

Việc Hội nghị Quốc gia về Thái học được phối hợp tổ chức tại các tỉnh, địa phương nói chung và Nghệ An nói riêng, là một chủ trương đúng và hiệu quả, thiết thực góp phần vào việc tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị, di sản văn hóa của các tộc người ngữ hệ Thái - Kadai nói riêng và các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường ở các địa phương, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Lương Thanh Hải

(Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An)

TIN LIÊN QUAN