Trên đồng ruộng những ngày này, bà con nông dân huyện Đô Lương đang khẩn trương thu hoạch lúa vụ xuân. Ngoài gặt bằng tay, nhiều máy gặt đập liên hoàn được huy động tối đa để đẩy nhanh tiến độ.
Thửa ruộng đã gặt xong, bà con không đốt rơm như các nơi khác mà phơi ngay trên mặt ruộng. Trên thửa ruộng gặt sát gốc được trừ lại những vồng còn thân lúa cao độ 2 gang tay, rộng gần 3 gang tay, vồng cách vồng 1,2 m, bà con xúc rơm phơi lên mặt vồng của ruộng.
Riêng những vồng thân lúa còn lại sẽ được cày bừa lẫn vào đất, tạo nguồn phân xanh bổ sung dinh dưỡng cho đất.
Đang xúc rơm phơi trên ruộng, chị Trương Thị Hạnh ở xã Văn Sơn cho biết, chị phơi rơm để làm nguồn thức ăn chăn nuôi, chứ đốt rơm như nơi khác thì rất lãng phí.
Rơm sau khi thu hoạch được bà con chặt nhỏ che phủ luống các luống rau cải, rau cúc, mùi… khi đã gieo hạt. Việc làm này có tác dụng giữ ẩm, ngăn nước mưa tác động trực tiếp vào cây mầm, vừa che mát giúp cho hạt giống nảy mầm nhanh trong điều kiện nắng nóng. Bên cạnh đó, rơm giúp đất luôn tơi xốp, bổ sung nguồn phân hữu cơ làm tăng năng suất cây trồng.
Cùng với sử dụng rơm để trồng rau, bà con nông dân còn dùng rơm để trồng hành tăm. Muốn đạt năng suất cao thì rơm và bổi là 2 vật liệu không thể thiếu được khi trồng hành tăm. Việc phủ rơm lên bề mặt luống sẽ giúp đất không bị trôi khi trời mưa, cây hành phát triển xanh tốt, củ to và nhiều; thu hoạch cũng dễ dàng hơn.
Bên cạnh sử dụng rơm cho sản xuất rau, nhiều trang trại trồng nấm cũng sử dụng rơm để đóng thành các bịch làm giá thể cho nấm mọc. Từ việc trồng nấm bằng rơm đã giúp cho rất nhiều hộ gia đình ở các xã Đặng Sơn, Thái Sơn, Xuân Sơn…thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ những lợi ích trên cho thấy tận thu nguồn rơm là một việc làm cần thiết. Phơi rơm ngay trên mặt ruộng của bà con nông dân Đô Lương là một cách làm cần được nhân rộng; tránh được tình trạng phơi rơm trên trục đường, đốt rơm lãng phí như hiện nay ở một số địa phương./.