Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 khai mạc ngày 18/10 là sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân Trung Quốc và dư luận quốc tế.
Đại hội diễn ra trong bối cảnh tình hình bên trong Trung Quốc cũng như tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều thay đổi, tác động không nhỏ tới đường hướng chính sách của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trên toàn quốc, tổng cộng có 2.287 đại biểu, thay mặt cho hơn 89 triệu đảng viên và 4,5 triệu tổ chức đảng cơ sở, đã được bầu chọn để tham dự Đại hội 19, có nhiệm vụ xem xét và thảo luận về Báo cáo công tác của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, Báo cáo công tác của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, và Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc (sửa đổi). So với 5 năm trước, kỳ đại hội này sẽ có sự góp mặt nhiều hơn của các đại biểu cơ sở thuộc các địa bàn “tiền tuyến.”
Đại hội 19 diễn ra vào thời điểm then chốt khi Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc đã gặt hái được không ít thành quả trong công cuộc thực hiện mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào năm 2020, tiếp tục cải cách mở cửa theo hướng sâu rộng, đẩy nhanh việc chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế.
Trong giai đoạn 2012-2016, trung bình mỗi năm đã có khoảng 13,9 triệu người dân nước này thoát khỏi đói nghèo và thu nhập bình quân đầu người tại các khu vực nông thôn nghèo khó đã tăng 10,7%/năm.
Bất chấp tình hình kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh với hàng loạt thách thức mới nổi trong 5 năm qua, kinh tế Trung Quốc tiếp tục duy trì vị trí nền kinh tế thứ hai thế giới với tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định ở mức cao. Đặc biệt, Trung Quốc đã vượt qua năm 2015 đầy bất ổn của thị trường chứng khoán và đưa thị trường này trở lại trạng thái ổn định, một số cuộc cải cách thị trường đã được thực hiện với những bước tiến khả quan.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi phát triển kinh tế cũng thu được những kết quả nhất định với việc coi trọng phát triển về chất lượng, từ đó đặt trọng tâm vào tiêu thụ nội địa và một số lĩnh vực đầu tư - đặc biệt là năng lượng xanh - thay vì tập trung vào xuất khẩu. Sự chuyển biến từng bước của nền kinh tế Trung Quốc đã mang lại triển vọng cho tương lai đất nước, sức mạnh tổng thể của quốc gia cũng như sức cạnh tranh và ảnh hưởng trên trường quốc tế không ngừng được nâng lên.
Đóng góp ngày càng tăng của Trung Quốc đối với sản lượng hàng năm trên toàn thế giới đang từng bước tạo đà cho những thay đổi đối với sự điều hành ở cấp độ thế giới, trong khi việc thực thi Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đưa Trung Quốc trở thành nhà đầu tư xúc tác đối với các khu vực địa lý khác nhau và trở thành động lực thúc đẩy kết nối giữa các nước, qua đó giúp Trung Quốc nâng cao được vị thế trên trường quốc tế.
Một thành quả nổi bật nữa trong 5 năm qua phải kể tới cuộc chiến chống tham nhũng sâu rộng, kiên quyết và toàn diện được phát động theo nghị quyết Đại hội XVIII năm 2012. Trong 5 năm, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) đã tiến hành điều tra hơn 70.000 quan chức từ cấp quận/huyện trở lên bị cáo buộc tham nhũng; xử lý, kỷ luật nhiều trường hợp sai phạm là các quan chức cấp cao, như cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, 2 cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng cùng 2 cựu phó chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) là Lệnh Kế Hoạch và Tô Vinh.
Ngoài ra, có tới 1,34 triệu đảng viên và quan chức ở các thành phố nhỏ cùng với 648.000 đảng viên và cán bộ ở các khu vực nông thôn cũng đã bị xem xét kỷ luật trong giai đoạn này. Hoạt động phối hợp của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế để truy lùng những nghi phạm tham nhũng chạy trốn ra nước ngoài, thông qua các chiến dịch như “Lưới trời” (Sky Net)... cũng đạt hiệu quả cao, khi tính tới cuối tháng 8/2017, 3.339 nghi phạm đã bị bắt giữ tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 628 cựu quan chức, tịch thu được gần 9,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,4 tỷ USD).
Quyết tâm chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm làm trong sạch đảng và trong sạch bộ máy Nhà nước nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Có tới hơn 93% người dân nước này hài lòng với các chiến dịch chống tham nhũng trong năm 2016.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu và cơ hội trên, Trung Quốc cũng đang đứng trước những thách thức mới cả ở trong và ngoài nước. Dân số quá đông khiến khoảng cách giàu-nghèo ngày càng tăng giữa các vùng, miền và giữa đô thị với nông thôn. Ở 7 thành phố lớn, GDP bình quân đầu người là 10.000 USD/người/năm, song ở miền Tây, GDP bình quân chỉ là 2.000 USD/người/năm.
Theo thống kê chính thức, hiện còn hàng chục triệu người Trung Quốc vẫn đang vật lộn kiếm sống và có mức sinh hoạt chưa đến 1 USD/ngày, nên mục tiêu hoàn thành xã hội khá giả vào năm 2020 là nhiệm vụ rất khó khăn.
Cùng với đó, do phát triển quá nóng, những mâu thuẫn trong cấu trúc kinh tế Trung Quốc đang ngày càng lộ rõ. Phần lớn chương trình cải cách kinh tế được công bố hồi cuối năm 2013, vẫn bị đình trệ. Trong khi đó, sáng tạo công nghệ mới, kết cấu ngành nghề không hợp lý. Nông nghiệp phổ biến vẫn trong tình trạng lạc hậu. Môi trường tài nguyên sinh thái bị sức ép lớn.
Nhiều mâu thuẫn xã hội phát sinh, an ninh trật tự, an toàn xã hội và chấp hành pháp luật, tham nhũng còn nghiêm trọng... Đặc biệt, một trong những vấn đề cấp bách cần giải quyết hiện nay là vấn đề nợ công, đã lên tới gần 260% GDP tính tới giữa năm nay.
Bên cạnh đó, công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc cũng đang đòi hỏi phải hướng đến giai đoạn phát triển mới, nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, duy trì ổn định xã hội và bảo tồn các giá trị văn hóa tiên tiến dựa trên hệ thống giá trị chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc.
Với nhiệm vụ đề ra các quyết sách quan trọng gắn với các mục tiêu cụ thể, Đại hội 19 được nhân dân Trung Quốc kỳ vọng giúp đẩy nhanh hơn tiến trình cải cách chính trị sâu rộng và từng bước cải thiện cuộc sống dân sinh./.
Theo Vietnam+