(Baonghean) - Ở xã vùng cao Tri Lễ, huyện Quế Phong, dân bản luôn gặp chị Lầu Y Phay, dân tộc Mông, người tích cực tư vấn kiến thức, nhận thức cho các gia đình, bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ về kế hoạch hóa gia đình và nuôi con khỏe mạnh. 

Lầu Y Phay sinh năm 1985, quê ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Nơi vùng cao, biên giới vốn dĩ còn nhiều khó khăn nên cuộc sống của người dân, nhất là phụ nữ còn lắm gian truân, vất vả. Thấu hiểu điều đó, nên sau khi tốt nghiệp THPT, Lầu Y Phay quyết tâm theo học nghề y để quay trở lại miền biên giới chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An (nay là ĐH Y khoa Vinh), chị về công tác ở xã miền cao Tri Lễ, huyện Quế Phong. “Thuyền theo lái, gái theo chồng. Mình lấy chồng ở Tri Lễ nên về đây công tác”, chị Phay bộc bạch giải thích. 

Chị Lầu Y Phay tư vấn sức khỏe cho người dân.

Làm việc ở Trạm xá xã Tri Lễ từ năm 2007 và chuyên trách về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, chương trình dinh dưỡng, Lầu Y Phay luôn cố gắng hết mình để tư vấn cho các gia đình, bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ không sinh con thứ 3, có kiến thức về chăm sóc bản thân trong thời kỳ thai sản, đảm bảo an toàn trong quá trình sinh đẻ cho cả mẹ và con…

Trên khắp 33 bản làng của xã vùng cao biên ải, đều in dấu chân của Lầu Y Phay. Đặc biệt, với lợi thế là người dân tộc Mông, chị có nhiều thuận lợi trong giao tiếp, tuyên truyền, vận động về kế hoạch hóa gia đình với đồng bào ở 8 bản Mông thuộc xã Tri Lễ. Đồng bào các bản xa ngái như Nậm Tột, Mường Lống… đã quen với hình ảnh nữ hộ sinh Lầu Y Phay lặn lội đường xa, lỉnh kỉnh đồ đạc, túi thuốc, đi lại trên những con đường nhỏ chênh vênh giữa một bên núi, một bên vực, rồi vượt dốc cao đến với bà con. “Nếu trời nắng thì đi xe máy cũng 2 giờ đồng hồ, đi bộ thì mất hơn nửa ngày mới vào được bản. Nhưng nếu trời mưa thì đi lại còn khó khăn hơn nhiều. Do đó, một lần vào bản chúng tôi phải đi ít nhất 2 - 3 ngày, cùng ăn, cùng ở với bà con dân bản”, chị Lầu Y Phay chia sẻ.

Tuy nhiên, theo chị Phay, thách thức nhất vẫn là cách thức tuyên truyền làm sao để thay đổi tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn “án ngữ” rất lớn trong suy nghĩ của nhiều người. “Trước hết mình phải vào làm quen, nói chuyện thân tình với gia đình. Từ đó, mọi người mới thổ lộ và tin tưởng chia sẻ, tâm sự với mình. Thực tế cho thấy, tư tưởng muốn có con trai vẫn còn rất nặng nề trong suy nghĩ nhiều người. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động kế hoạch hóa gia đình phải có phương pháp, thực hiện liên tục mới mang lại hiệu quả”, chị Phay cho biết.

Nhận xét về chị Phay, Phó Trạm trưởng trạm Y tế xã Tri Lễ, Hà Minh Sơn cho biết: “Trong quá trình công tác, đồng chí Lầu Y Phay có nhiều sáng kiến để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt, địa bàn Tri Lễ rộng, địa hình phức tạp, dân số lại đông nhưng chị không hề nề hà trong công việc, mà rất sâu sát, bám cơ sở, góp phần cùng tập thể cán bộ, y bác sỹ của trạm hoàn thành nhiệm vụ.” 

Với những phấn đấu và cống hiến không ngừng của Lầu Y Phay và các đồng nghiệp, công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn xã Tri Lễ ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, hết năm 2014, tỷ lệ bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ sinh con thứ 3 giảm, chỉ còn 11,7% so với năm 2009 là 17%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 21,3% so với năm 2009 là 33%. Sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh được đảm bảo hơn. Với những thành tích đó, năm 2014, chị Lầu Y Phay được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chương trình hành động và Quyết tâm thư tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cùng cấp lần thứ I, năm 2009.

Nhật Lệ