(Baonghean) - Sinh ra từ biển và lớn lên cũng nhờ biển; rồi sau khi tham gia quân ngũ, hoàn thành nghĩa vụ người lính, họ lại trở về can trường bám biển mưu sinh, vừa là những “cột mốc” sống ở giữa biển khơi góp phần giữ vững chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Kỷ luật thép trên những con tàu của các cựu lính
Trong lần tác nghiệp gần đây, chúng tôi gặp lại ông Đặng Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, người đã kết nối giúp chúng tôi lên tàu ra khơi cùng ngư dân cách đây một năm trước. Trong lần gặp này, ông Bình hồ hởi cho hay chủ chiếc tàu năm trước nay đã đóng tàu mới to hơn. Rồi ông cho biết thêm cả 7 xã vùng biển của huyện Quỳnh Lưu nay đều có đội dân quân tự vệ biển. Không những thế huyện còn thành lập được một trung đội dân quân tự vệ biển tại xã Sơn Hải toàn là các cựu binh vốn lính nghĩa vụ lính hải quân.
Khi ông Bình nhắc đến lính hải quân, gợi chúng tôi nhớ lại trên chiếc tàu cá NA 90567 TS của ngư dân xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) mà chúng tôi ra khơi cùng họ năm trước. Trong chuyến ra biển lần đó có 17 thuyền viên thì cả tàu có đến 4 người từng là bộ đội xuất ngũ. Họ đều đã phục vụ trong lực lượng hải quân trở về.
Thuyền trưởng con tàu Nguyễn Văn Định cũng từng thực hiện nghĩa vụ quân sự trong lực lượng hải quân từ năm 1992 đến năm 1995 thuộc quân số tàu HQ 683, Lữ đoàn 161, Vùng 3 Hải quân.
Trên tàu còn có thuyền viên Trần Ngọc Thành cũng có 3 năm phục vụ tại Tiểu đoàn 355, Vùng 3 Hải quân. Tiếp bước đàn anh, thuyền viên Trần Đạt (SN 1989) và Trần Hải Long (SN 1986) cũng đã có 3 năm phục vụ trong lực lượng hải quân và vừa xuất ngũ trở về quê năm 2014.
Rời lực lượng quân đội về quê, họ lại bám biển để làm những cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
“Hầu hết trai vùng biển chúng tôi từ 11, 12 tuổi đã theo cha, theo anh ra biển kiếm kế sinh nhai. Nên sóng gió với chúng tôi là chuyện thường tình, vì vậy hàng năm trai tráng quê tôi đều được tuyển chọn tham gia vào lực lượng hải quân bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Sinh ra đã ngấm vị mặn của biển, lớn lên cũng nhờ biển nên rời quân ngũ chúng tôi lại về bám biển. Nhưng cũng sau khi rời quân ngũ chúng tôi hiểu hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm của một người ngư dân từng là người lính phải bảo vệ biển, đảo đất nước chính là bảo vệ chủ quyền mà cha ông đã gây dựng nên” - thuyền viên Trần Ngọc Thành của tàu NA 90567 TS nói.
Có một điều chúng tôi được thấy trong những ngày ở trên tàu cùng các ngư dân, đó là tính kỷ luật. Được lãnh đạo bởi một người từng là cựu lính hải quân trở về nên kỷ luật trên tàu rất chặt chẽ, nhưng lại không cứng nhắc.
Các thuyền viên làm việc trên tàu theo đúng nhiệm vụ mình được giao mà không cần phải nhắc nhở. Nơi ăn, nơi ngủ của các thuyền viên được giao cụ thể và cấm người khác xâm phạm đến. Trên con tàu có những ngăn đựng đồ riêng của các thuyền viên, cũng được xem là góc riêng tư nên không ai được phép xâm phạm nếu chưa có ý kiến. Mọi hoạt động đều nhất nhất tuân theo người chỉ huy trên tàu là thuyền trưởng.
“Những ngày trong quân ngũ rèn cho tôi tính kỷ luật. Cuộc sống giữa biển cả mênh mông sóng nước nhiều bất trắc nên cần tính kỷ luật, tinh thần tập thể cao. Tôi áp dụng để mọi người noi theo nhưng không quá cứng nhắc để các thuyền viên có được tâm lý thoải mái sau những giờ lao động mệt nhọc. Chỉ để mọi người trên tàu hiểu hơn tính kỷ cương, đoàn kết để giúp đỡ nhau trong công việc, cuộc sống cũng như hoạn nạn” - thuyền trưởng tàu NA 90567 TS Trần Văn Định chia sẻ.
Do người dân chủ yếu theo nghề ngư nghiệp quen với cuộc sống trên biển từ nhỏ, nên hàng năm xã Quỳnh Long có hàng chục trai tráng nhập ngũ phục vụ trong lực lượng hải quân. Trong số đó có không ít người đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Điển hình như trường hợp liệt sỹ Trần Văn Minh hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 tại quần đảo Trường Sa.
Đoàn kết giữa biển khơi
Hiện hầu hết các tàu ngư dân tại huyện Quỳnh Lưu đều có người tham gia quân đội trở về, và nhiều người là đảng viên, nên tạo được sự đoàn kết, gắn bó cao giữa những con tàu vươn khơi.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Định cho biết, ông còn có 4 tàu khác nằm trong tổ hợp đánh bắt. Mỗi khi các tàu đánh bắt ở ngư trường nào nhiều cá sẽ thông báo cho nhau để cùng phối hợp khai thác.
Hay mỗi lúc hoạn nạn có tín hiệu cấp cứu các tàu cùng tổ hợp sẽ nhanh chóng đến ứng cứu. “Hầu hết tàu nào cũng có những người từng tham gia nghĩa vụ quân sự trở về nên điều đó càng gắn kết hơn. Có lần tàu bạn mới ra khơi được vài ngày thì một thuyền viên đau ruột thừa đúng lúc tàu tôi trên đường trở về bến nên chúng tôi đã chạy qua đón đưa thuyền viên đó vào bờ cấp cứu để những người trên tàu tiếp tục ở lại đánh bắt” - thuyền trưởng Định nói.
Ông Đặng Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Hầu như tất cả tàu đều tự thành lập các tổ hợp tàu từ 4 - 6 chiếc để hỗ trợ nhau trên biển. Trong tình cảnh có nhiều biến động trên biển nên sự gắn kết của những cựu binh cũng giúp họ vững tin hơn để bám biển. Cũng từ mục đích đó mà cả 7 xã vùng biển huyện Quỳnh Lưu đều có các tiểu đội dân quân tự vệ.
Năm 2014, huyện Quỳnh Lưu còn thành lập được một Trung đội dân quân tự vệ xã Sơn Hải. Trung đội này được huấn luyện, diễn tập bài bản theo định kỳ để sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu, giúp đỡ các tàu ngư dân khi gặp nạn trên biển”.
Tinh thần đó của các cựu chiến binh là sự nâng đỡ cho thế hệ trẻ tiếp bước. Như trên một chuyến tàu cá vươn khơi, chúng tôi gặp em Hồ Văn Toàn (SN 1998, học sinh Trường THPT Nguyễn Đức Mậu, Quỳnh Lưu) bố mất từ khi em 11 tuổi. Tranh thủ những ngày nghỉ em xin theo các anh, các chú ra biển đánh bắt cá để có tiền ăn học nuôi ước mơ trở thành sỹ quan hải quân.
Ấy là cách em đến với biển, gắn bó với biển quê hương, thể hiện trách nhiệm một công dân nhỏ tuổi…
Xuân Hòa