33 ca mới được ghi nhận từ số 5087-5119. Tổng số ca nhiễm tính từ ngày 27/4 đến nay lên 2.067 ca, ở 30 tỉnh, thành. 5 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới. Điểm nóng vẫn là Bắc Giang 851, địa bàn Hà Nội 276 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 89 ca, 41 ca ở Bệnh viện K), Đà Nẵng 150.
Số ca nhiễm mới đưa tổng số ca nhiễm ở Bắc Ninh lên 448, Ninh Bình 4.
Chiều 22/5, trên mạng xã hội xuất hiện các đoạn clip, ghi lại hình ảnh của bác sĩ Nguyễn Hồng Hải và một nữ bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đổ gục, ngồi bệt giữa sàn nhà vì kiệt sức. Sau đó, 2 bác sĩ trên phải nhờ tới sự sơ cứu của các y, bác sĩ đồng nghiệp, tiếp nước, cởi phanh đồ bảo hộ, dùng quạt tay mới tỉnh táo trở lại.
2 bác sĩ trên kiệt sức là bởi sau khi mặc đồ bảo hộ cấp độ 4 lấy mẫu xét nghiệm liên tục trong nhiều giờ cộng với thời tiết nắng nóng khiến cơ thể suy kiệt.
Đặc biệt, trong những ngày qua, các bác sĩ trên phải làm việc liên tục để truy vết thần tốc Covid-19. Riêng trong ngày 22/5, trên địa bàn huyện Quế Võ đặt ra mục tiêu lấy 28.000 mẫu test Covid-19 cho người dân tại đây. Sau khi được sơ cứu, sức khỏe của 2 bác sĩ trên đã tạm thời ổn định.
Ông Đàm Thận Hiển - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Võ, cho biết những ngày qua, không chỉ riêng 2 bác sĩ trên gặp phải tình trạng suy kiệt do làm việc quá tải, mà rất nhiều y, bác sĩ ở đây cũng đã gặp phải tình trạng tương tự.
"Mấy ngày gần đây chúng tôi tiến hành xét nghiệm thâu đêm, có hôm đến 4h sáng mới hoàn thành xong việc lấy mẫu. Chưa xong việc, các y, bác sĩ chưa được nghỉ. Khối lượng công việc quá nhiều khiến nhiều y, bác sĩ quá tải, quá sức, nhiều bác sĩ đổ gục tại nơi lấy mẫu xét nghiệm. Tôi rất xót xa khi nhìn thấy những đồng nghiệp, những người anh em, cấp dưới của mình bị kiệt sức, ngã gục như vậy. Vì công việc chung mà anh em đã không quản ngại khó khăn, tôi thực sự rất xúc động", ông Hiển nói.