(Baonghean) - Từ năm 2010 đến nay, xã Hưng Hoà (TP. Vinh) có 3 dự án đã triển khai lập hồ sơ giải phóng mặt bằng với tổng diện tích quy hoạch khoảng 310 ha, gồm: Trường cao đẳng nghề Hàng Hải Vinalines của Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam; Dự án Khu đô thị và nhà ở xã hội do Tổng công ty hợp tác kinh tế Việt Lào đầu tư; Dự án Khu đô thị hỗn hợp sinh thái ven Sông Lam do Công ty TNHH Hà Thành-Thanh Hoá làm chủ đầu tư. Như vậy, toàn bộ đất vùng nuôi trồng thuỷ sản, đất màu, đất trồng cói ở Hưng Hòa đều thuộc diện thu hồi, trong đó riêng vùng nuôi tôm 132 ha và gần 1.000 hộ dân của HTX Hưng Hoà 2 trong diện thu hồi.

Đến nay, mặc dù đã có quyết định thu hồi đất của tỉnh, xã Hưng Hoà đã làm xong phương án quy chủ và lập hồ sơ giải phóng mặt bằng, nhưng nhà đầu tư không có kinh phí để đền bù cho dân. Người dân thì tâm lý trông chờ dự án, sản xuất cầm chừng, không mặn mà đầu tư. Hiện các dự án gần như đình trệ. Xã đã có công văn gửi UBND Thành phố Vinh đề nghị làm rõ nội dung tiến độ của các dự án đến đâu để người dân yên tâm sản xuất.

Ông Lê Văn Thành, xóm Phong Yên xã Hưng Hoà bộc bạch: “Gia đình tôi có hơn 8.000 m2  thuộc diện thu hồi đất (đã quy chủ). Trước nay chuyên nuôi tôm, trồng cói và sản xuất lúa. Năm 2011 có chủ trương thu hồi đất, song đến nay vẫn chưa triển khai thu hồi, chúng tôi vẫn tiếp tục nuôi tôm, trồng cói, lúa để đảm bảo cuộc sống. Thế nhưng, trong tình trạng phấp phỏng chờ dự án tiến hành bồi thường thu hồi đất, nên nhà tôi cũng như nhiều hộ trong xóm  đầu tư ít, dẫn đến hiệu quả sản xuất kém. Năm 2011, 2012, gia đình tôi nuôi tôm đều thất bại, lỗ 70 triệu đồng. Diện tích trồng cói, lúa năng suất giảm 20% so với các năm trước”.

787357_small_88125.jpg

Diện tích đã quy hoạch, người dân không mặn mà đầu tư sản xuất.

Anh Trần Ngọc Hà, xóm Phong Hảo cho hay: “Nhà tôi có 1.500m2 đất nông nghiệp, trong đó 750m2 nuôi tôm (đã cho người khác mượn), còn lại 750m2 sản xuất cói. Song 3 năm nay không có cói để thu hoạch, toàn bộ diện tích cói đang bỏ hoang không dám đầu tư vì đất đã quy chủ, chưa biết dự án lấy đất vào thời điểm nào. Nhiều hộ trong xóm cũng để hoang diện tích cói như gia đình tôi. Diện tích đã quy hoạch, người dân mong chủ đầu tư tiến hành thu hồi sớm, bồi thường cho dân để người dân sớm ổn định và có hướng chuyển đổi phương án làm ăn. Hiện người dân với tâm trạng mong chờ dự án, không tích cực đầu tư sản xuất như trước đây, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Việc làm và thu nhập của người dân địa phương thiếu ổn định, bấp bênh”.

Hộ ông Lê Văn Mão, xóm Phong Yên có tổng diện tích thu hồi khoảng 9.000m2 cũng đang mong dự án sớm thu hồi đất để có hướng chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống. Người dân Hưng Hòa nói chung hiện đang sản xuất được chăng hay chớ, không có chủ trương nạo vét kênh mương, dịch bệnh trong nuôi tôm ngày càng diễn biến phức tạp. Trước đây, cứ 1 m2 ao nuôi thả 100 con tôm giống, nay cũng diện tích ấy chỉ thả 50 con. Lượng thức ăn và thuốc phòng, trị bệnh cho tôm… cũng cắt giảm tối đa. Hiệu quả sản xuất giảm 50%. Năm 2010, gia đình ông Mão nuôi 2 ao tôm, có mức lãi 130 triệu đồng. Năm 2011 cũng thả nuôi 2 ao tôm nhưng lỗ 50 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Thắng - Chủ nhiệm HTX Hưng Hoà 2 cho biết: Theo quy hoạch, diện tích thu hồi của HTX Hưng Hoà 2 khoảng 300 ha, chiếm 90% tổng diện tích thu hồi của xã Hưng Hoà. Trong đó diện tích trồng cói 65 ha, còn lại thuộc diện tích nuôi tôm. Đến nay, các dự án vẫn chưa triển khai. HTX tiếp tục chỉ đạo người dân sản xuất bình thường để ổn định cuộc sống. Song một bộ phận không nhỏ người dân với tâm trạng mong chờ dự án, không tâm huyết đầu tư sản xuất như trước đây, đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Năm 2011, tỷ lệ thất thu, mất mùa trong nuôi tôm ở Hưng Hoà lên tới 70% (trong đó còn do nhiều nguyên nhân khác). Nhìn lại quá trình nuôi tôm ở Hưng Hoà, những năm đầu nuôi trồng thuỷ sản, tỷ lệ hộ nuôi tôm cũng chỉ thiệt hại 15% - 17%. Nếu như trước đây thu nhập bình quân của các hộ nuôi tôm có lãi từ 30 - 40 triệu đồng/hộ/vụ. Đến thời điểm này, người nuôi tôm gần như thất bại chiếm 70%, còn 30% hoà vốn và lãi.

“Đề nghị các cơ quan chức năng cấp trên làm rõ thời gian của các dự án tại xã Hưng Hoà, tiến độ đến đâu để người dân ổn định tư tưởng sản xuất”, ông Thắng kiến nghị.

Hiện HTX Hưng Hoà 2 đang tích cực tuyên truyền, chỉ đạo nhân dân tiếp tục sản xuất bình thường trên diện tích của các dự án. HTX tập huấn thâm canh lúa chất lượng cao cho bà con. Trước khi sản xuất vụ đông xuân, HTX tự bỏ kinh phí để mở 4 lớp tập huấn nhằm củng cố kiến thức khoa học kỹ thuật cho bà con trong sản xuất nông nghiệp và để động viên bà con nơi đây khôi phục sản xuất trở lại, không trông chờ vào dự án. Ngoài chính sách của thành phố, HTX Hưng Hoà 2 hỗ trợ cho người dân vay giống 6 tháng không tính lãi, hỗ trợ kinh phí tập huấn và bơm phòng thuốc bảo vệ thực vật ban đầu… Đó là những gì HTX có thể làm để hối thúc bà con tích cực sản xuất trở lại nhằm ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.


Quỳnh Lan