Rơm rạ không nên đốt cháy mà có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh để có thể phân hủy nhanh và trở thành phân hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường, một chuyên gia sinh học đưa ra lời khuyên.
Theo tiến sĩ Trần Đình Mấn, Viện phó Viện Công nghệ Sinh học, với khoảng 4 triệu hecta đất trồng lúa, hàng năm lượng rơm rạ thải ra lên tới 76 triệu tấn. Con số này tương đương 20 triệu tấn dầu, nếu đốt bỏ sẽ gây lãng phí nguồn chất hữu cơ có thể sử dụng làm phân bón.
Do đó, việc sử dụng rơm rạ đúng mục đích, không chỉ giúp cải tạo đất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp mà còn hạn chế ô nhiễm môi trường. Phân bón hữu cơ từ rơm rạ góp phần gia tăng độ mùn, bổ sung chất dinh dưỡng, nâng cao chất lượng cây trồng.
Tiến sĩ Mẫn cho rằng, nên sử dụng chế phẩm sinh học để biến rơm rạ thành phân bón tốt cho đồng ruộng. "Chế phẩm vi sinh học dạng bột có chứa 12 đến 15 loại vi sinh vật được phân lập tại Việt Nam, trong đó chủ yếu là các xạ khuẩn, chủng men có khả năng sinh ra các enzyme khác nhau để phân hủy chất hữu cơ trong rác và rơm rạ", tiến sĩ cho hay.
Trong chế phẩm vi sinh học còn có các vi sinh vật có thể chống chọi với một số bệnh cây trồng, và các vi sinh vật giúp cây trồng tăng trưởng tốt.
Về cách thức thực hiện, theo tiến sĩ Mấn, sau vụ gặt, nông dân thu gom rơm rạ vào góc ruộng, hoà chế phẩm cùng với nước và phân NPK rồi tưới lên rơm rạ. Cứ 1kg chế phẩm trộn lẫn với 1kg phân NPK, hòa tan trong nước rồi tưới vào rơm rạ. 1 tấn rơm rạ cần khoảng 5 -10 cân chế phẩm, tuỳ thuộc vào thời gian nông dân muốn rơm mủn nhanh hay chậm.
Sau đó, phủ túi ni-lông bình thường lên đống rơm để giữ nhiệt hoặc trát bùn phủ kín ngay trên mặt ruộng. 20 ngày sau, rơm, rạ sẽ được phân hủy tạo ra phân hữu cơ có thể bón ngay cho cây trồng. "Khi sử dụng phân hữu cơ này thì lượng phân bón hóa học sẽ giảm trên 30%, năng suất lúa tăng 10-15% so với ruộng không sử dụng, giá thành chế phẩm rất rẻ, 13.000đ-15.000đ/kg", ông Mẫn nói.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Mẫn đưa ra lời khuyên, nên tận dụng rơm trồng nấm, làm vật liệu xây dựng hay đệm lót vận chuyển hàng hóa dễ vỡ. Rơm rạ còn được dùng để sản xuất bột giấy và nhiên liệu sinh học.
Trong khi đó, tình trạng người dân đốt rơm rạ đang diễn ra ngày càng phổ biến sau mùa gặt. Ở Hà Nội, đầu tuần này, nhiều người chứng kiến khói bụi bao phủ. Hiện tượng này gây tranh cãi trong giới khoa học, có người cho rằng, nguyên nhân khói mù là do người nông dân đốt rơm rạ, nhóm khác lại nói rằng, đó là mù quang hóa.
Tình trạng đốt rơm rạ diễn ra phổ biến sau mùa gặt gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khỏe người dân. Theo các chuyên gia, khói bụi khi đốt rơm rạ làm ô nhiễm không khí, gây tác hại lớn đối với sức khỏe con người. Trẻ em, người già, và người có bệnh hô hấp, bệnh mạn tính, dễ bị ảnh hưởng nhất.
Sản xuất phân bón từ rơm rạ
Theo VnExpress