(Baonghean) - Từ lúc nào đó, những kỷ niệm gắn với sân thượng trở thành một trong những vệt sắc lung linh của tuổi thơ. Ở sân thượng, bố mẹ có thể gắn kết hơn với con, chẳng cần gì, chỉ cần thời gian dành cho chúng.
Vinh là một trong những phố sá bình yên. Bạn tôi nói điều ấy khi nhìn lên những sân thượng thoáng đãng. Ở đó, không giống như nhiều thành phố không bình yên lắm, phải rào bọc sân thượng lại bằng những lưới sắt chắc chắn. Thậm chí, có khi cần huy động luôn cả những hàng rào kẽm gai “đâm nát trời chiều”.
Vinh, dĩ nhiên không thế. Nắng sớm, nắng chiều vẫn lả lướt trên những bờ hoa giấy đẹp, hoa hoàng lan rực rỡ kiêu kì, rủ từ sân thượng xuống nhà, che bớt nắng và gió Lào khắc nghiệt. Đẹp tựa như bức tranh. Ở Vinh, người ta không vây những sân thượng bằng dây kẽm, rào sắt. Đám trẻ lớn lên vẫn gắn kết với nhau bởi những trò chơi vô vàn thú vị nơi sân thượng. Thậm chí có cả trò chơi đáng hãi hùng là làm spider man - người nhện, leo từ sân thượng nhà này qua sân thượng nhà khác, bằng những bước chân nhanh như sóc.
Đám trẻ con ở những khu phố nhỏ thành Vinh vì thế mà thân nhau hơn. Chúng thuộc sân thượng từng nhà một như chính sân nhà mình. Vài đứa bạn, vài cái sân thượng là đủ niềm vui kín mít suốt mùa hè. Chơi sân thượng sợ nhất là khi vô tình vấp ngã, toạc quần, rách đầu gối vì xi măng như chơi. Ngoài khó khăn ấy, sân thượng chẳng có trở ngại nào cản ngăn những đứa nhỏ lấy làm chốn đi lại, lên xuống của tuổi thơ mình. Ở đó không phải phiền hà lo quẹt xe, lo người lạ… Ở đó toàn những gương mặt bè bạn láng giềng thân quen.
Lũ trẻ thích nhất là trèo lên sân thượng nhà cô Ngọc. Một khoảng sân nho nhỏ được cô Ngọc lát gạch hoa lên, chỉ cần quét sơ qua là sạch bong bụi. Sẽ chẳng mấy ai nghĩ chuyện lát gạch hoa lên sân thượng và thậm chí nghĩ đó là khoảng không chỉ có chức năng phơi đồ. Nhưng những bà mẹ có con nhỏ như cô Ngọc thì khác. Cô nghĩ tới đám trẻ con ngồi hóng gió sân thượng mỗi đêm hè, cần có một nơi thật tinh tươm để đùa nghịch. Mảnh sân ấy được lũ trẻ bình chọn đẹp nhất trong cả khu phố.
* * *
Sân thượng thời… rau không sạch, dĩ nhiên là không gian hiếm quý để đặt những thùng xốp trồng cây. Nào thì rau muống, mồng tơi, tía tô lá lốt, rồi đến cả mướp đắng, mướp hương, bí bầu cũng theo nhau leo lên từ sân thượng. Khoảnh đất vui chơi của đám trẻ thu hẹp đi để trồng rau. Nhưng chẳng nề hà gì vì chuyện học theo người lớn trồng rau, chăm cây với những đứa trẻ thành phố cũng vui không kém những trò chơi.
Chúng hét toáng khi gặp con sâu xanh lè múp míp ngọ ngoạy trong đám lá. Chúng vượt qua sợ hãi những con sâu để “cứu” cây rau. Chúng băn khoăn khi phân biệt từng chiếc lá bầu lá bí hay mướp. Băn khoăn cả khi học tên từng loại từng vị rau thơm. Nhưng rồi, khi trở thành người làm vườn đắc lực cho mẹ trên sân thượng, được mẹ chỉ cho từng cái lá, cái hoa, quan sát từng quả non tròn xoe xoe, tí hin hin, hết thảy chuyện ấy trở thành chuyện nhỏ. Và những kĩ năng sống của chúng tăng lên từ mảnh vườn treo lơ lửng tí hon ấy.
Thích nhất là những lứa rau, lứa cây trên sân thượng đến mùa thu hoạch. Chỉ vài quả dưa chuột thôi cũng phải huy động 5, 7 đứa bạn hàng xóm qua cùng thu hoạch, cùng tranh giành, chia nhau từng việc rửa dưa, gọt vỏ, dằm muối ớt. Cắn miếng dưa chuột chấm muối ớt mát lịm ngập chân răng, nghe vị cay và ngọt mát lan nhanh đầu lưỡi, trôi tuột xuống họng, thấy hả hê như cảm nhận được cả bao công lênh người làm vườn đổ vào đó. Cảm giác ấy khác biệt với những trái dưa mua về từ chợ Vinh, từ cô, từ chị quảy gánh bán dạo trước nhà.
“Vườn treo babilon” của chúng tôi có những cây ớt chỉ thiên trái chỉ thẳng lên trời, như ngón tay út ít tí hon đỏ tươi trong vòm lá. Cây ớt ấy cả xóm ăn hoài không hết. Mỗi lần có hàng xóm ghé nhà xin là mẹ lại sai con gái chạy lên hái ớt. Có những lúc ớt sai tới mức mẹ hái sẵn để dưới nhà, hàng xóm đi ngang lại mời nhau lấy ớt về nấu. Kỉ niệm về những trái ớt nhỏ xíu chia cho hàng xóm ăn bớt ngọt tình làng nghĩa xóm nơi con phố nhỏ chứ không hề… cay như vị ớt.
* * *
Vườn treo Babylon buổi tối lại như thể vườn sao băng. Có một khoảng trống hai, ba chục mét vuông trên sân thượng, mỗi tối đám trẻ con lại vác chiếu ra rải, nằm ngồi ngóc cổ đếm sao. Ông Chương - hàng xóm tuổi ngoài 70, mỗi tối lại tìm đến chơi chung với đám nhỏ. Ông kể cho chúng tôi câu chuyện về những vì sao băng xẹt qua bầu trời, có khi đếm được hàng chục cái, lầm rầm trong miệng hàng chục điều ước.
Ông kể cho chúng tôi nghe chuyện sao Đại Hùng (Gấu lớn), Bắc Đẩu, về những câu chuyện cổ hư hư thực thực đong đầy những ước mơ bé con. Mẹ vui vẻ rang cho mấy ông cháu một mẻ lạc, cầm thêm ca nước sôi để nguội. Thi thoảng sang hơn, ông Chương mang theo túi vải, trong đó đựng ca nước dừa, vài phong kẹo cu đơ dẻo dẻo bùi bùi. Chỉ chừng đó mà những buổi sinh hoạt trên sân thượng trở thành kí ức đáng nhớ.
Thế giới thiên văn với hàng trăm điều thú vị, hàng trăm câu chuyện mang theo sức tưởng tượng lớn mà ông Chương tặng chúng tôi, từ một khoảng sân thượng mùa hè thời nhỏ. Đám trẻ ngày ấy không đứa nào theo thiên văn, nhưng đều là những đứa nhỏ ít nhiều mơ mộng, lãng mạn, biết tưởng tượng. Ngày kia nói chuyện với nhau, hỏi mình, hỏi người, có phải những điều ấy cũng cần biết bao trong những tháng ngày thơ ấu.
Sân thượng khiến tôi nhớ tới bà nội, mỗi khi bà xuống Vinh. Nhà bà ở Ngọc Sơn, Đô Lương, một vùng núi đồi cao cao. Bà có thói quen bắc ghế cao ngồi ngay trước nhà, nhìn mọi người đi lại thấp hơn tầm mắt một tí, hoặc thích được đám cháu rủ lên sân thượng hóng gió. Lưng bà hơi còng, tỉ mẩn leo từng bước cầu thang thật chậm thật chậm lên sân thượng.
Ở trên ấy bà nhìn xuống con đường chạy qua nhà, người ta đi lại dưới mình nhiều tí. Những vị trí ấy khiến bà dễ chịu, không chóng mặt khi thấy người và xe ngờm ngợp đi lại qua mắt mình như mắc cửi. Nói tưởng như vô lí nhưng quả thực, những vị trí ấy không khiến bà chóng mặt, vì có lẽ chúng gần giống với vị trí nhà bà nằm trên đồi cao cao. Mỗi sáng mỗi chiều vẫn nhìn người ta đi lại dưới chân đồi. Bà tôi thường nhai trầu bỏm bẻm, ngồi một góc nhìn mây nhìn trăng, gió mang cả hơi trầu nhắc sự có mặt của bà mà đám cháu rất thường xuyên vô tình quên lãng.
* * *
Nhưng sân thượng đáng nhớ nhất có lẽ là với những đứa trẻ ở chung cư Quang Trung. Khi chiều về, nắng tắt, đám trẻ từ tầng một lên tầng năm í ới rủ nhau lên chơi trên mảnh sân chung. Khoảng sân trung ấy nhìn bốn bề bao la, nhìn được cả dãy núi Quyết xa xa. Đứa cao kều nhất còn quả quyết nhìn thấy được cả khúc sông Lam chảy ra Cửa Hội đẹp mê khiến những đứa còn lại vừa ngờ vực vừa ganh tị, thèm thuồng.
Góc này đám trẻ chơi đánh chuyền, góc kia có đám ngồi ôm đàn guitar đứa bé nghe đứa lớn hát vang bài hát “Mặt trời bé con” của Trần Tiến. Góc nọ lại có cả cô bé mắt ngây thơ tròn xoe ngồi xe đẩy, miệng ngậm chặt muống cơm bé xíu mẹ đút. Bà mẹ thở than, con bé tí mà ham vui, nhất định không chịu ăn nếu không được bê cả người cả xe đẩy trên sân thượng, xem các anh chị nhảy múa. Ở giữa sân thượng nhà tầng lại có vài cô cậu tụ đầu cùng bố làm diều, thả diều trên sân thượng với suy nghĩ chỉ chút xíu dây nữa, con diều của mình chắc cú chạm vào mây xanh.
Đứng từ những sân thượng nhà tầng nhìn xuống xung quanh là một trải nghiệm rộng mở và rực rỡ với bất cứ cô cậu nhóc nào. Tôi tin thế, như chính tuổi thơ tôi được nhiều lần cảm nhận. Ngóng nhìn xuống đường Quang Trung là những lùm phượng đỏ rực dưới nắng chiều, hai hàng cây mát mắt nối dài nối dài tới tưởng như vô tận trong mắt trẻ nhỏ. Đẹp hơn nữa là con đường lúc lên đèn, những vệt đèn vệt xe lấp lánh, sáng lòa nhìn từ trên xuống đẹp như thế giới kì ảo.
Vinh, rồi những dãy nhà tầng cũ màu mật ong sẽ biến mất, những cao ốc mọc lên. Đám trẻ chẳng bấm thang máy từ tầng một vèo lên tầng hai mươi mấy để cùng nhau chơi trò xưa cũ. Đám trẻ bận cắm mắt vào ipad iphone những buổi học thêm về mà không hề biết có một thế giới đáng yêu nhường ấy trên sân thượng nhà mình.
* * *
Đôi khi tôi vẫn vô tình nhìn lên sân thượng nhà tầng quanh khu nhà tôi ở. Những sân thượng vây kín bởi kẽm gai, rào chắn. Những sân thượng chen chúc cao thấp không đồng đều như nơi phố nhỏ tuổi thơ. Và ánh đèn cao áp đã khiến trăng nhạt màu, còn những vì sao rủ nhau đi trốn. Dĩ nhiên, tôi thấy buồn. Chẳng biết những mảng sân thượng có buồn không?
Và sân thượng, khi ấy có buồn không?
Võ Thu Hương