(Baonghean) - Ngày đầu tiên các thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi, theo ghi nhận, thí sinh “tăng” ở những trường thuộc các ngành Công nghiệp, Kỹ thuật và “giảm” ở những ngành Kinh tế tài chính, cho thấy kỳ thi năm nay sẽ có nhiều bất ngờ. Và cuộc cạnh tranh ở các trường nhóm giữa sẽ trở nên căng thẳng hơn…
Khó khăn tìm kiếm việc làm sau khi ra trường cũng đã ảnh hưởng phần nào việc lựa chọn trường của các thí sinh năm nay. Đánh giá chung của cụm thi Vinh cho thấy, trong đợt 1, số lượng thí sinh đến làm thủ tục đăng ký dự thi chỉ đạt tỷ lệ 67,55%; trong đó, Trường Đại học Mỏ địa chất đạt tỷ lệ cao nhất 87,04%. Tiếp đó là một số trường có nhiều cơ hội xin việc, những trường thiên về khối kỹ thuật, như: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (72,8%), Đại học Lâm nghiệp Hà Nội 74,19%, Đại học Tài nguyên môi trường (70%), Học viện Quản lý giáo dục (77,42%), Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (75,42%), Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (89,06%)…
Khá bất ngờ, nhiều trường nằm trong top đầu và là những trường nhiều năm nay vẫn được xem là có điểm đầu vào khá cao thì số lượng thí sinh đến đăng ký dự thi khá thấp, như: Đại học Ngoại thương Hà Nội 45,87%, Đại học Kinh tế Quốc dân 50%, Đại học Luật Hà Nội 52,85%, Học viện Ngân hàng 54,5%... Điều này phản ánh đúng xu thế hiện nay, bởi những trường thuộc ngành Kinh tế, tài chính là những trường có số lượng cử nhân thất nghiệp nhiều nhất và đang rơi vào “khủng hoảng thừa”.
Nhiều phụ huynh đã bắt đầu lo lắng khi cơ hội cho các cử nhân ra trường đang ngày càng thu hẹp lại và con số hơn 160.000 cử nhân thất nghiệp vẫn còn đeo nặng trong tâm trí mỗi người. Trường hợp của bố con ông Trần Song Thao ở xóm 11, xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) là một ví dụ, Năm ngoái, dù con đã thi đậu vào khoa Sư phạm của Trường Đại học Vinh nhưng quyết định không học. Năm nay, một lần nữa ông đưa con đi thi vào Trường Đại học Y khoa Vinh. Ông tâm sự: “Nhà tôi có bốn đứa con, hai đứa đầu học xong phải vào Sài Gòn mới xin được việc. Giờ được đứa con gái, chỉ mong cháu học ngành nào dễ xin việc. Nó thấy ngành Y hiện đang thiếu bác sỹ nên quyết tâm thi vào. Nhưng chẳng biết có đậu không vì trường này thường lấy điểm rất cao”.
Nỗi lo lắng cũng là điều mà chúng tôi đã cảm nhận được khi nói chuyện với chị Trương Thị Du (xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) khi chị đưa cháu thứ hai Nguyễn Xuân Hoàng ra Vinh thi vào Trường Đại học Lâm nghiệp. Năm ngoái, đang chuẩn bị đi thi thì Hoàng gặp tai nạn. Năm nay, một lần nữa đưa con đi thi, nỗi ám ảnh vẫn còn. Chị biết, so với nhiều thí sinh khác, cơ hội cho con mình ít hơn bởi sức khỏe của cháu hạn chế, ra trường cũng sẽ khó xin việc hơn bởi việc làm cho người tàn tật không nhiều. Nhưng dấu nỗi lo vào trong, chị vẫn cố gắng mạnh mẽ để cho con thêm nghị lực. Rất may, từ hôm mồng 2 bắt xe buýt từ Cẩm Xuyên ra Vinh chị được các tình nguyện viên hướng dẫn nhiệt tình. Đặc biệt, chị còn được tạo điều kiện cùng với 6 gia đình khác được ở trọ miễn phí tại Trạm Y tế phường Trường Thi, chỉ cách 10 mét so với điểm thi. Chị cho biết: “Gia đình làm nông nên hoàn cảnh rất khó khăn, trước khi đi thi còn phải vay tiền hàng xóm. Giờ được ở trọ miễn phí gần trường, mẹ con tiết kiệm được gần một triệu đồng tiền đi lại, tiền nhà trọ. Mọi người còn nhiệt tình cho mượn quạt, giường chiếu đầy đủ”.
Áp lực của kỳ thi năm nay chắc chắn sẽ nặng nề hơn bởi theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo đây có thể là năm cuối cùng sau 13 năm thực hiện kỳ thi “ba chung” (chung đề, chung đợt thi, ngày thi và sử dụng chung kết quả). Trên thực tế, theo yêu cầu của Bộ, đến tháng 9 năm nay tất cả các trường phải công bố đề án thi riêng của mình và một vài năm tới các trường phải chủ động trong việc tuyển sinh. Như năm 2014 này, ngay đợt 1 đã có nhiều trường sử dụng phương án thi riêng như: Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Vinh. Qua đó, cho thấy, những trường ở top trên thường có xu hướng xiết chặt đầu vào. Ngược lại những trường khó tuyển sinh lại “mở” ra nhiều cơ hội. Tuy vậy, từ thực tế số lượng hồ sơ học sinh đăng ký vào những trường xét tuyển không đông. Bởi đa phần đó là những ngành kém hấp dẫn, khó xin việc và tỷ lệ học sinh sau khi ra trường thất nghiệp nhiều. Kinh nghiệm cũng cho thấy, nếu có sự thay đổi trong phương án thi, những thí sinh thi trượt trong năm nay sẽ gặp nhiều bị động ở năm tới trong việc chọn trường, chọn khối thi bởi các môn thi sẽ có thể thay đổi không theo như phương án “ba chung” và tùy thuộc vào đặc trưng riêng, yêu cầu riêng của từng trường, từng ngành.
Về công tác chuẩn bị cho kỳ thi năm nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, Chủ tịch Hội đồng coi thi cụm thi Vinh cho biết: “Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 tại cụm thi Vinh đã hoàn tất. Trường Đại học Vinh với tư cách là Trưởng cụm thi đã liên hệ, thuê mượn cơ sở vật chất phục vụ cho thí sinh. Điều đặc biệt năm nay là các thí sinh không phải thi tại các trường tiểu học mà được thi tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và các trường chuyên nghiệp tại địa bàn Thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc”. Trao đổi trước kỳ thi, ông Lê Viết Thủy, cán bộ Trường Đại học Kinh tế quốc dân bày tỏ: “Dù lượng thí sinh của trường lên đến gần 1.000 em nhưng trường rất yên tâm ủy quyền cho Trường Đại học Vinh. Điểm thi Trường THPT Nghi Lộc 3 dù có xa trung tâm nhưng chúng tôi được chuẩn bị đầy đủ”.
Cũng trong ngày đầu tiên làm thủ tục dự thi, các Hội đồng thi ở cụm thi Vinh đã phát hiện ra nhiều sai sót hoặc nhầm lẫn về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng, khu vực ưu tiên, khối thi, trường và ngành học của nhiều thí sinh. Một số trường hợp bị mất hoặc quên mang theo Thẻ dự thi hoặc các giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên, tất cả đã được cán bộ coi thi hướng dẫn viết giấy cam đoan để Uỷ viên phụ trách điểm thi xem xét, xử lý hoặc cán bộ tuyển sinh của trường ghi xác nhận vào phiếu đăng ký dự thi số 2 và cập nhật vào máy vi tính.
Dự báo thời tiết ngày hôm nay và ngày mai (5/7) nhiệt độ ở Thành phố Vinh và khu vực lân cận vẫn duy trì ở 36 - 37 độ. Vậy nên các thí sinh và người nhà cần chú ý sức khỏe, quan tâm đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cho thí sinh.
Mỹ Hà
Sáng 4/7, gần 20.000 thí sinh của cụm thi Vinh sẽ bước vào đợt 1, Kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2014 với hai khối là A, A1. Theo thống kê, sau ngày đầu tiên làm thủ tục đã có 19.047 thí sinh đến đăng ký tại 68 trường đại học, trong đó có 40 trường ở Hà Nội, Vinh và 28 trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thị năm nay không cao hơn so với năm ngoái với 67,55%. Cá biệt có 2 trường đạt tỷ lệ 100% nhưng chỉ có 1 thí sinh dự thi như Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Nguyễn Tất Thành. Trong đợt 1 này, các thí sinh sẽ thi tại 835 phòng thi ở 41 điểm thi của Thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc. Hội đồng thi đã huy động 2346 cán bộ, sinh viên tham gia công tác tuyển sinh và gần 1.700 tình nguyện viên tham dự vào chương trình “Tiếp sức mùa thi”. Ngày đầu tiên, buổi sáng thí sinh thi môn Toán với hình thức tự luận và buổi chiều thí sinh thi môn Vật lý với hình thức trắc nghiệm. |