(Baonghean) - Sẵn sàng cảm tử, biết chết vẫn đi, thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh - những lời hiệu triệu bừng bừng nhiệt huyết đã từng trở thành chân lý, lý tưởng sống cho hàng triệu triệu người dân Việt Nam. Ông Bùi Ngọc Kế - người đàn ông mặn đằm của  vùng biển Quỳnh Lưu là một trong những chàng trai trẻ đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng ấy, cống hiến cả tuổi thanh xuân trên những con tàu không số.Sinh năm 1945 tại xóm Thọ Ông, nay là thôn Nghĩa Bắc, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, năm 1963, ông Bùi Ngọc Kế đăng ký lên đường nhập ngũ, đến tháng 7 năm 1964 ông được biên chế vào đội quân điều khiển Đoàn tàu không số, vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là những chiếc tàu hoạt động theo tuyến đường trên biển, chỉ có thuyền với những con sóng, gió và hành trình hoạt động chủ yếu vào ban đêm. Với những chiếc tàu không số cập vào những “bến cảng” không tên, ông đã cùng đồng đội trải qua 10 chuyến vận chuyển vũ khí, đạn dược và đưa đón những cán bộ cấp cao của Nhà nước để tiếp sức cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.Mỗi chuyến đi là là một trận chiến, một trải nghiệm với tinh thần “sẵn sàng quyết tử”. Có chuyến đi suôn sẻ thuận buồm, xuôi gió vào được tận chiến trường miền Nam, đó chính là những trận đánh thắng lợi lớn của những người lính vận tải biển. Có những chuyến đi kéo dài đến hàng tháng trời, Khi gần đến đích phải quay trở lại do bị địch phát hiện. Có những chuyến đi, tàu phải liên tục “thay hình đổi dạng” để ngụy trang, đánh lừa quân địch, nhiều lần đã sẵn sàng “cảm tử” – tiêu hủy toàn bộ tàu cùng vũ khí, đạn dược, nhưng cuối cùng lại thoát ra được khỏi vùng nguy hiểm. “Biết chết vẫn đi”  - đó là khẩu hiệu, phương châm hành động của ông Kế và đồng đội. Bởi họ biết mình đang được giao trọng trách thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả vì miền Nam ruột thịt, vì Tổ quốc thân yêu. Chưa một lần ông Kế và đồng đội lung lay ý chí, đù đã từng có lần sẵn sàng “Chìm” cùng với tàu và hàng để đảm bảo bí mật cho con đường Hồ Chí Minh trên biển. Ông Bùi Ngọc Kế tâm sự: “Tôi gia nhập quân đội và tham gia Đoàn tàu không số vào năm 1964, rời khỏi đoàn năm 1975. Trong thời gian 11 năm chúng tôi đã được huấn luyện và giáo dục về ý chí, kỷ cương, cho nên ý thức của người lính về chấp hành và tuân thủ đã ngấm sâu, trở thành máu thịt của chúng tôi. Đó chính là điều cốt lõi để chúng tôi bám tàu, thực hiện được 10 chuyến vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược, trong đó có 6 chuyến thành công, những thành công với bao vất vả, gian khó, phải đổi bằng máu, xương và tính mạng của đồng đội. Sau những lần kề cận giữa sống và chết, đối mặt với hiểm nguy của bão táp biển cả, làn mưa bom, bão đạn quân thù, tình anh em, đồng đội của chúng tôi lại càng được kết chặt, không hề nao núng”.Đến tháng 9 năm 1975, Đoàn tàu không số hoàn thành nhiệm vụ. Ông Bùi Ngọc Kế được chuyển về Đoàn 125 ở tỉnh Quảng Ninh với quân hàm Thiếu úy trấn ải vùng biển biên giới Việt Trung, tiếp tục gắn cuộc đời với nhiệm vụ bảo vệ vùng lãnh hải của Tổ quốc cho đến năm 1986. Về nghỉ hưu tại quê nhà, ông Bùi Ngọc Kế còn tham gia vào các hoạt động công tác xã hội tại địa phương và ông luôn được bà con cũng như cán bộ tin yêu.Những thời gian rãnh rỗi ông lại bồi hồi kể cho con cháu và lớp lớp thế hệ trẻ nghe về những chuyến tàu không số hoạt động kiên cường trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, những câu chuyện cảm động về tấm gương đồng đội xả thân, quên mình, hy sinh một phần thân thể và cả tính mạng để con cháu luôn nhớ tới thế hệ cha ông đã một thời vào sinh ra tử mới bảo vệ và giành lại được Tổ quốc thống nhất vẹn toàn hôm nay.

Thúy Nga (Đài Quỳnh Lưu)