(Baonghean) - Sản phẩm lưu niệm là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, giữ chân du khách, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch. Tuy nhiên, trong bức tranh du lịch của Nghệ An, thị trường quà tặng lưu niệm vẫn còn đơn điệu; các doanh nghiệp chưa khai thác hiệu quả...
Nghệ An có quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, có bãi biển Cửa Lò nổi tiếng, có Vườn Quốc gia Pù Mát, khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên Pù Hoạt, Pù Huống; có các danh thắng tự nhiên như thác Xao Va, thác Khe Kèm, đập Phà Lài - sông Giăng… Tuy nhiên, sau những ngày nghỉ dưỡng, tham quan, khám phá giá trị thiên nhiên ban tặng và các giá trị nhân văn của vùng đất này, du khách rất khó tìm mua được đồ lưu niệm ý nghĩa.
Sản phẩm du lịch hoàn chỉnh bao gồm nhiều yếu tố cấu thành, điều đó đồng nghĩa với việc thiếu đi một yếu tố là làm giảm đi sức hấp dẫn của sản phẩm ấy. Đối với du lịch Nghệ An, sự "thiếu thốn" dễ nhận thấy đó là các sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn văn hóa đặc trưng tại các vùng miền nói riêng và xứ Nghệ nói chung. Đến thăm khu di tích Kim Liên - Nam Đàn, ngoài bánh cu đơ, trên kệ các gian hàng lưu niệm ngày này qua năm khác vẫn là tranh, tượng Bác Hồ, dép cao su, mũ vải... Còn tại Cửa Lò, trước đây Xí nghiệp SX&DV Thanh niên Cửa Hội cũng có chế tác hàng thủ công mỹ nghệ sò ốc làm quà lưu niệm, nhưng đến nay hầu như không còn, vì sản phẩm làm ra không cạnh tranh được với hàng của Thanh Hóa, Đà Nẵng, Phú Quốc. Tại các đền, chùa vào dịp lễ hội có không ít hàng quán bày bán các sản phẩm lưu niệm, trông có tính dân tộc và khá bắt mắt. Nhưng hàng chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc.
Tạo ra những sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn và đặc trưng của Nghệ An đang là vấn đề được các ngành, các cấp, nhất là các nhà làm du lịch quan tâm. Bởi, làm tốt việc này sẽ góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh đất và người xứ Nghệ đến với du khách. Hơn nữa, sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển du lịch của tỉnh nhà trong tương lai. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch Sở VH - TT&DL bày tỏ: Trên thực tế, thị trường sản phẩm lưu niệm chưa phát triển tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có. Trên địa bàn tỉnh có hàng trăm di tích lịch sử văn hóa cùng vô vàn những lễ hội, phong tục tập quán độc đáo. Tất cả đều là những tài nguyên quý giá để phát triển thị trường đồ lưu niệm. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là làm sao tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn đặc trưng để quảng bá, khắc sâu hình ảnh du lịch xứ Nghệ trong lòng du khách.
Từ năm 2005, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Nghệ An đã manh nha hình thành một số làng nghề ở Nam Đàn, phối hợp với một số sở, ngành mời các nghệ nhân làng nghề dệt Vạn Phúc - Hà Tây về truyền nghề dệt lụa nhưng không thành công. Hiện tỉnh ta vẫn chưa xây dựng được sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng vùng miền, mang nét độc đáo như tranh Đông Hồ (Bắc Ninh); đá Non Nước, tranh cát (Đà Nẵng), nón bài thơ (Huế), tháp Rùa (Hà Nội)... Có thể nói, sản phẩm lưu niệm thiếu vắng một phần do các nghệ nhân làng nghề, chủ các cơ sở sản xuất chưa nghiên cứu, đầu tư cho chuyển đổi sản xuất kinh doanh, phát triển các sản phẩm của nghề truyền thống với những sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, nhằm thu hút du khách khi đến với tỉnh nhà. Một phần, các điểm du lịch chưa quan tâm, ưu tiên đến việc xây dựng các quầy bán đồ lưu niệm.
Khi món quà lưu niệm ai đó trao tặng đến tay bạn bè, người thân, là hình thức gián tiếp chúng ta đã giới thiệu về hình ảnh và văn hóa của con người, vùng đất mà họ đã đặt chân đến. Mỗi sản phẩm không chỉ là dấu ấn, khơi gợi trí tò mò của du khách mà còn là mong muốn được đặt chân đến để khám phá, thưởng ngoạn. Theo anh Nguyễn Thế Quân - hướng dẫn viên du lịch Công ty lữ hành Quốc tế Thái Sơn: "Đối với ngành du lịch, sản phẩm lưu niệm không chỉ là chút "gia vị" trong hàng loạt sản phẩm du lịch mà còn là thứ để khách "gói mang về" và lưu luyến về một kỷ niệm. Thứ "gói mang về" đó sẽ góp phần không nhỏ vào việc mời gọi những du khách khác cũng như chính họ đến thăm vùng đất và con người xứ Nghệ. Vì vậy sản phẩm phải chứa đựng nét đặc trưng của địa phương - nét văn hóa bản địa, sản phẩm mà du khách không thể mua ở bất cứ nơi đâu. Ngoài ra sản phẩm lưu niệm cũng cần có các yếu tố như tính thẩm mỹ phải đạt một trình độ nhất định, đa dạng kích cỡ, kiểu dáng, chất liệu giá cả phù hợp, tinh tế và dễ vận chuyển trong quá trình du lịch… Và để trở thành sản phẩm du lịch đích thực, nó phải là những hàng hóa được chế biến, thiết kế gắn với hệ thống tour tuyến, các dịch vụ du lịch đã và đang có tại địa phương"...
Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về di tích, danh thắng và văn hóa con người xứ Nghệ thông qua các sản phẩm quà tặng, lưu niệm được làm từ các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Sở VH - TT&DL phối hợp với Sở Công thương, Liên minh HTX tỉnh, Sở TT&TT, Hội VHNT tỉnh đã tổ chức cuộc thi "Sáng tạo sản phẩm lưu niệm đặc trưng Nghệ An" năm 2013. Nhưng cho đến thời điểm hết hạn nhận sản phẩm, Ban tổ chức chỉ nhận được sản phẩm dự thi của một doanh nghiệp và một cá nhân. Đó là Công ty TNHH Đức Phong gửi 24 sản phẩm mây tre đan và ông Phạm Công Lý (ở Thị trấn Hưng Nguyên) gửi 6 sản phẩm gồm tranh ảnh điêu khắc, mặc dù trước đó ban tổ chức đã chủ động liên hệ với một số doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cuộc thi ít thu hút được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, theo bà Lê Thị Thanh Thuỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Nghệ An: Cuộc thi được tổ chức lần đầu, nên các cá nhân, doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm tham gia, yêu cầu về sản phẩm dự thi rất cao, đòi hỏi đầu tư lớn về chất xám, kỹ thuật, vật liệu… trong khi mức giải thưởng còn thấp, chưa đủ sức hấp dẫn người tham gia. Việc tổ chức cuộc thi để tìm kiếm sản phẩm lưu niệm đặc trưng Nghệ An là cần thiết. Tuy nhiên, để có được sản phẩm hội đủ các phẩm chất, tiêu chí mà Ban tổ chức đề ra (mang bản sắc văn hóa của Nghệ An; thuận lợi trong sử dụng, tinh, gọn, dễ tháo ráp, đóng gói, vận chuyển; dễ sản xuất với số lượng lớn, dễ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; thân thiện môi trường…) là điều không hề đơn giản. Muốn có sản phẩm có chất lượng cao, đòi hỏi người dự thi phải hội đủ các điều kiện như am hiểu sâu sắc về văn hoá xứ Nghệ, có ý tưởng độc đáo, khả năng thiết kế tinh tế và kỹ thuật thủ công tinh xảo, có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất hàng lưu niệm.
Vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch tỉnh ta hiện nay là làm sao để tạo ra những sản phẩm quà lưu niệm mang dấu ấn đặc trưng, có thương hiệu riêng để không chỉ kích thích tiêu dùng, tăng trưởng thương mại mà còn quảng bá và khắc sâu hình ảnh du lịch xứ Nghệ trong lòng du khách. Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã, tính đến nay toàn tỉnh đã công nhận 277 làng có nghề cấp huyện, 119 làng nghề cấp tỉnh. Có thể kể đến rất nhiều những làng nghề truyền thống như làng nghề mây tre đan, làng nghề giấy dó của Nghi Phong, Nghi Thái (Nghi Lộc), làng mộc mỹ nghệ Quỳnh Hưng, Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu), làng trống Diễn Hoàng (Diễn Châu) làng rèn Ba Ba (Thanh Chương), nghề dệt thổ cẩm của các đồng bào dân tộc Thái… Các làng nghề truyền thống đã tạo ra nhiều loại sản phẩm thủ công độc đáo nhưng vẫn chưa có chỗ đứng tại các điểm du lịch.
Mặt khác, các nghệ nhân làng nghề chưa nghiên cứu, đầu tư cho sản xuất kinh doanh những sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, nhằm thu hút du khách khi đến với tỉnh nhà... Để có những sản phẩm lưu niệm từ những làng nghề này, cần có sự nghiên cứu, đầu tư hợp lý, nâng cao nhận thức trong bảo tồn, phát huy giá trị của nghề, duy trì và truyền dạy nghề. Bên cạnh đó, cần quy hoạch, hỗ trợ về vốn, mặt bằng sản xuất và có sự hướng dẫn, tư vấn về mẫu mã, kiểu dáng, thương hiệu sản phẩm để phù hợp với thị hiếu khách du lịch; khuyến khích sản xuất các sản phẩm sử dụng nguyên liệu thiên nhiên thân thiện với môi trường hoặc sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Giữa các cơ sở sản xuất và đơn vị lữ hành du lịch cần tăng cường liên kết trong khâu giới thiệu và bán sản phẩm lưu niệm. Đầu ra cho sản phẩm cũng cần những chiến lược quảng bá rộng rãi đến tận tay khách du lịch, xây dựng các cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ đăng ký sở hữu nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp đối với các sản phẩm đặc trưng có thương hiệu…
Sản phẩm lưu niệm không chỉ làm gia tăng giá trị cho ngành du lịch mà còn là một trong những giải pháp quảng bá hình ảnh tỉnh nhà trên toàn quốc và ra thế giới. Thiếu những hàng lưu niệm đã khiến Nghệ An bớt đi sự hấp dẫn nhất định, dấu ấn đặc trưng của một vùng đất non nước hữu tình.
Ngọc Anh