(Baonghean)-Mỗi tháng, sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (số 201, Phong Định Cảng, TP. Vinh) đều đặn mở 2 phiên giao dịch việc làm vào các ngày 10 và 25 để kết nối người lao động và doanh nghiệp. Quan sát các cuộc tuyển dụng này, phần nào nhận diện được những bất cập của thị trường lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay…
 
 
Thiếu hấp dẫn
 
Tháng 10/2010, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai Sàn giao dịch việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh trực tiếp quản lý, điều hành. Đến nay, sau hơn 5 năm hoạt động, đã có 98 phiên giao dịch việc làm được tổ chức với hơn 900 lượt doanh nghiệp và gần 26.000 lượt lao động tham gia. 
 
Tuy nhiên, so với mục tiêu ban đầu là ở mỗi phiên giao dịch số lao động tìm được việc làm từ 50 - 70 người thì có thể nói Sàn giao dịch việc làm đang hoạt động thiếu hiệu quả. Năm 2015, đã có 23 phiên giao dịch việc làm được tổ chức; từ đầu năm 2016 đến nay có 4 phiên; nhưng số lao động tìm được việc làm ở mỗi phiên giao dịch khá thấp (cao nhất cũng chỉ có 37 người, còn lại xấp xỉ từ 15 - 25 người). 
images1474373_123456.jpgPhỏng vấn người lao động tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh.
Theo quy định, mỗi tháng Sàn giao dịch việc làm sẽ tổ chức 2 phiên giao dịch, các hoạt động của phiên giao dịch sẽ diễn ra cả ngày. Nhưng theo các cán bộ Phòng Thông tin thị trường của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thì những năm gần đây, các hoạt động ở mỗi phiên chủ yếu diễn ra vào buổi sáng, từ 8 - 10h, với khoảng hơn chục doanh nghiệp và từ 200 - 300 lao động tham gia. Còn buổi chiều thì hầu như không có ai đến giao dịch.

Nguyên nhân của tình trạng này, trước hết là do các phiên giao dịch việc làm chưa thực sự là cầu nối giữa người lao động và đơn vị tuyển dụng. Minh chứng là dù đã đi vào hoạt động hơn 5 năm, nhưng Sàn giao dịch việc làm vẫn chưa được nhiều lao động và các doanh nghiệp biết đến. Để tuyên truyền về sàn giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm mới chỉ  liên hệ với các khu công nghiệp, Tỉnh đoàn, các trường, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh… chứ chưa tăng cường quảng bá qua chính quyền các địa phương, thiếu các đợt tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng… để lao động các địa phương trong tỉnh nắm bắt được thông tin về sàn giao dịch.

 
Mặt khác, hiện nay, các hoạt động của Sàn giao dịch việc làm chỉ diễn ra trong một căn phòng rộng chừng 70m2 với khoảng 10 máy vi tính để tra cứu thông tin, khu vực phỏng vấn chật hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp. Ông Hồ Xuân Hùng – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Vấn đề là phải quảng bá mạnh và đầu tư cơ sở vật chất cho Sàn giao dịch việc làm. Nhưng mỗi năm cấp trên chỉ cấp kinh phí hoạt động cho Sàn giao dịch việc làm 50 triệu đồng, nên đang khó thực hiện”. 
 
Cung không khớp cầu
 
Tại phiên giao dịch việc làm vào sáng 25/2/2016, theo bản danh sách đăng ký, ở mục “trình độ văn hóa”, có rất nhiều lao động có trình độ đại học, cao đẳng. Anh Dương Xuân Phúc – phụ trách phòng Thông tin thị trường cho biết: “Trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, các lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng lớn là bán hàng, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn, công nhân cơ khí, điện dân dụng, may mặc, chế biến gỗ... Những lĩnh vực này chỉ đòi hỏi lao động có trình độ trung cấp, sơ cấp nghề, thậm chí là lao động phổ thông. Tuy nhiên, những năm vừa qua, theo ước tính của chúng tôi, có từ 65 – 70% lao động tham gia các phiên giao dịch việc làm là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, cao đẳng, phổ biến ở các ngành kế toán, quản trị kinh doanh, luật, sư phạm…”.
 
Gần 1 năm tốt nghiệp đại học ngành kế toán, Nguyễn Thị Thúy (SN 1993, trú ở xã Nam Tân, huyện Nam Đàn) vẫn chưa tìm được việc làm đúng với ngành đã học. Thúy tìm đến Sàn giao dịch việc làm và đăng ký ứng tuyển vào vị trí nhân viên tiếp thị cho một nhãn hàng thực phẩm. Thúy cho biết: “Đây là lần thứ 2 trong tháng này em tìm đến Sàn giao dịch việc làm. Em nhận thấy ngành kế toán có số lượng sinh viên ra trường rất đông. Trong khi đó, hầu hết, các đơn vị cần tuyển nhân viên kế toán đều tuyển nhân viên từ “người quen” nên sinh viên mới ra trường như chúng em rất khó xin việc”. 
Công nhân tìm hiểu việc làm qua băng rôn, thông báo của các nhà máy Ảnh minh họa
 
Mặt khác, qua các phiên giao dịch việc làm, điều dễ nhận thấy là ý thức và kỹ năng của người lao động còn nhiều hạn chế. Từng nhiều lần tham gia Sàn giao dịch việc làm, ông Trần Kim Thành – Giám đốc Công ty CP xây dựng và cơ khí Hà Thành cho biết: “Lực lượng lao động đến tìm việc tại các phiên giao dịch thường là những người trẻ, định hướng nghề nghiệp không rõ ràng. Họ thường hay “nhảy việc” và ít gắn bó với công việc. Nhiều người chuẩn bị hồ sơ rất sơ sài, nhiều khi nộp để thăm dò, tìm hiểu cách thức phỏng vấn xin việc lấy kinh nghiệm chứ không thật sự có nhu cầu tìm việc. Do đó, dù lao động đến tìm việc đông, nhưng các doanh nghiệp như chúng tôi vẫn khó tuyển dụng được lao động đáp ứng yêu cầu, và vì thế các doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà với Sàn giao dịch việc làm”. 
 
 
Theo báo cáo của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 22.940 người chưa có việc làm, trong đó, có 12.587 lao động đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, khoảng 1.400 lao động đã qua đào tạo và hơn 9.000 lao động phổ phông. Theo mục tiêu Đề án giải quyết việc làm giai đoạn 2015 - 2020, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 223.350 lao động. .

 Minh Quân

TIN LIÊN QUAN