Cách đây 7 mùa bóng, Vicem Hải Phòng được treo thưởng 10 tỷ đồng cho 4 trận cuối cùng, chống xuống hạng và họ đã thoát nạn. Giờ đây, XSKT.Cần Thơ được “ông chủ lạ” treo thưởng 3 tỷ đồng, đúng bằng phần thưởng đội vô địch nếu họ làm được điều tương tự.
Trụ hạng thưởng bằng vô địch
Phải nói đây là chuyện lạ, bởi bầu Hiển là ông chủ của Hà Nội FC nhưng lại hứa vung tiền thưởng cho XSKT.Cần Thơ, một đội bóng chả liên quan. Hơn nữa, Hà Nội FC còn có trận đối đầu với chính đối thủ này vòng 25 V-League 2018, trận đấu mà dự kiến họ sẽ làm lễ đăng quang. Lạ nữa là nếu trụ hạng, XSKT Cần Thơ sẽ được thưởng đúng bằng tiền thưởng của nhà vô địch Hà Nội FC. Lạ quá còn gì!
Nhưng những ai am hiểu những dích dắc sân cỏ Việt Nam thì thấy đây không phải là lần đầu tiên có những chuyện thưởng lạ như thế. Năm ngoái, ông Hiển đã khen thưởng cho đội bóng miền Trung tổng số tiền 8 tỷ đồng, bao gồm 4,5 tỷ đồng thưởng cho chức vô địch quốc gia 2017 và 3,5 tỷ đồng cho danh hiệu Siêu cúp Quốc gia 2018.
Đây cũng là chuyện lạ bởi về lý, bầu Hiển cũng không liên quan đến đội Quảng Nam. Các đây 5 năm, dư luận đồn thổi 5 CLB đó gồm Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, QNK Quảng Nam, Sài Gòn và một dấu chấm hỏi dành cho Than Quảng Ninh liên quan đến ông chủ họ Đỗ này.
Sở dĩ có dấu hỏi này vì liên quan đến việc Ngân hàng SHB của bầu Hiển tài trợ cho đội bóng đất mỏ Than Quảng Ninh. Tổng cục Thể dục thể thao, VFF từng cử đoàn thanh tra tư cách pháp nhân đối với các đội bóng này của bầu Hiển và kết luận ông không có chức danh gì trong CLB.
Về lý thì việc bầu Hiển móc túi thưởng cho Quảng Nam, XSKT.Cần Thơ hay bất cứ đội bóng nào đều không vi phạm Điều lệ giải, nó đơn thuần là chuyện cá nhân. Có thể tạm hiểu, là bầu Hiển thưởng với vai trò đối tác làm ăn bên ngoài chuyện bóng đá. Hay dễ hiểu hơn là, từ Hà Nội ông thấy tình cảnh đội bóng Tây Đô khó khăn quá nên treo thưởng với tư cách… Mạnh Thường Quân.
Thực tế về chuyên môn nó chẳng ảnh hưởng đến trận đấu Hà Nội FC gặp XSKT.Cần Thơ, chắc chắn đội khách sẽ thua. Chưa kể, có tý tiền thưởng anh em cầu thủ Cần Thơ vốn lâu nay bị nợ nần tiền chuyển nhượng sẽ hăng hái tập luyện hơn, giúp họ không buông tay trước trận chung kết ngược.
Ngẫm lại chuyện xưa
Nhưng điều đó về lâu dài có thúc đẩy sự phát triển của CLB và bóng đá Việt Nam hay không lại là câu chuyện khác. Nhớ lại, cách đây hơn chục năm, lãnh đội Hải Phòng từng treo thưởng cho các cầu thủ đá không rớt hạng trong bốn trận cuối mùa giải để chia nhau 10 tỷ đồng.
Số tiền đó đã cứu sống đội bóng Vicem Hải Phòng khỏi xuống hạng nhưng lại đủ “bức tử” Hòa Phát và để lại “vết nhơ” mang tên trọng tài Trần Công Trọng cuối mùa giải V-League 2011. Chỉ có các cầu thủ và BHL Vicem Hải Phòng mới hiểu thực chất số tiền đó có đến tay cầu thủ hay không?
Thực chất, trong quá khứ bóng đá Việt Nam cũng từng có chuyện CLB này "vãi" tiền thưởng cho đội bóng khác với một giao kèo cụ thể có lợi cho mình. Hữu Thắng của SLNA từng ôm 170 triệu đồng bay vào TP HCM… gặp các cầu thủ Cảng Sài Gòn (cũ) để chủ nhà quyết thắng Nam Định, để gián tiếp giúp bóng đá xứ Nghệ đăng quang mùa 2001.
Kết quả, mùa đó SLNA vô địch còn Hữu Thắng sau đó khi vỡ lở nhận vài tháng tạm giam. Một chức vô địch mà bản thân fan xứ Nghệ sau này không hào hứng nhắc lại.
Ngay như bầu Đức cũng “lì xì” trọng tài trên Plei-ku bởi cách suy nghĩ khá đơn giản: “Có ai đi đút lót cho trọng tài để đội nhà nhận thua hay không? Tôi xác nhận có cho trọng tài, giám sát, bảo vệ đúng 27 Tết Nguyên đán năm đó mỗi người 100 USD. Đó là quà tặng lì xì chứ không phải đút lót. Lúc đó cơ quan chức năng đòi truy tố tôi nhưng không có bằng chứng nên thôi”, bầu Đức chia sẻ.
Xem ra, với cung cách như hiện nay, sân cỏ Việt Nam còn rất nhiều chuyện lạ, cuối tuần khán giả đến sân “ta nghe trong đó bao nhiêu là chuyện lạ…”. Bóng đá Việt Nam nó thế!