(Baonghean) - Hàng xóm nhà tôi có một cô con gái đi du học về khoảng nửa năm nay. Theo lời bà mẹ thì cô bé tốt nghiệp khoa kinh tế một trường đại học cũng khá có tên tuổi. Nhưng suốt từ khi về nước đến giờ, theo quan sát của tôi thì công việc chính của cô bé là ngày hai lần dắt chó đi dạo, ở nhà nhận thư từ và các loại hoá đơn cho bố mẹ.
Có lần tôi thắc mắc với bà mẹ sao không thấy cô con gái đi làm thì nhận được câu trả lời cùng cái lắc đầu ngán ngẩm: “Vợ chồng tôi cũng động viên nó đi làm đấy chứ, nhưng con bé bảo chưa thấy có công việc nào ưng ý và đáp ứng được tiêu chuẩn của nó.
Nó bảo: Đi du học như con chẳng lẽ lại vào làm nhân viên bình thường, ít nhất cũng phải được làm phó, trưởng phòng. Lương tháng phải từ 10, 15 triệu đồng trở lên. Làm những việc vớ vẩn vừa mất thời gian, vừa làm thui chột khả năng của mình.
Cơ mà cậu xem, bây giờ thời buổi công ăn việc làm khó khăn, mới ra trường xin được việc có lương ổn định cỡ dăm bảy triệu là tốt rồi. Kinh nghiệm thì chưa có thì ai cho nó làm trưởng, phó phòng? Vợ chồng tôi khuyên giải mãi không được, đành kệ nó thêm một thời gian nữa chắc nó cũng chán mà phải đi làm…”.
Tôi im lặng nhún vai không nói gì, vì ngay hôm trước tôi vừa phỏng vấn tuyển dụng một loạt hồ sơ cho công ty, cũng gặp không ít trường hợp như cô con gái nhà hàng xóm. Anh bạn đồng nghiệp cùng ngồi phỏng vấn phải thốt lên lúc nghỉ giải lao giữa giờ: “Thói đời thật lạ, những người có kinh nghiệm làm việc rồi, có năng lực đã được minh chứng thì không thấy đề cập đến vấn đề lương lậu mà chỉ quan tâm đến tiêu chuẩn, yêu cầu công việc của công ty.
Còn mấy cô cậu mới chân ướt chân ráo ra trường, có tấm bằng trong tay cứ nghĩ là mình ở trên trời. Chưa gì đã đòi hỏi: em muốn mức lương như thế này, em muốn môi trường làm việc của mình phải như thế kia. Tuyển các em vào chỉ tổ mất thời gian đào tạo lại, còn phải đặt các em lên bàn thờ để mà khấn vái như ông bà tổ nữa. Thôi mời các em đi chỗ khác!”.
Thực tế có một mâu thuẫn là sinh viên ra trường không tìm được việc, nhưng cũng có rất nhiều công việc không tìm được người. Nguyên nhân là vì mong muốn và yêu cầu của người tuyển dụng và người lao động chưa tìm được tiếng nói chung.
Qua quan sát của tôi thì cán cân đang lệch về phía sự đòi hỏi của người lao động nhiều hơn. Rất nhiều đàn em khoá dưới từng hỏi tôi: “Làm thế nào để khi ra trường tìm được công việc cho thu nhập nghìn đô một tháng?”. Tôi trả lời: “Trước khi nghĩ đến thu nhập thì các em hãy nghĩ xem làm thế nào để có việc làm và làm thế nào để đáp ứng được yêu cầu của công việc, sau đó hẵng nghĩ đến thu nhập”.
Ai cũng thích công việc tốt, môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp, thu nhập cao ngất ngưởng. Nhưng có bao giờ các em tự hỏi liệu mình đã trang bị đủ kiến thức, kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu của công việc hay chưa?
Có bao nhiêu em sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, nghĩ đến việc đi thi để có thêm chứng chỉ ngoại ngữ, học thêm một ngôn ngữ lập trình, trang bị kỹ năng sử dụng các phần mềm thiết kế,… hay các em còn đang mải tính toán nên đòi hỏi mức lương đầu tiên là bao nhiêu?
Có bao nhiêu em sau khi được tuyển vào làm việc có thể ngay lập tức đáp ứng yêu cầu của công ty, hay còn phải mất một thời gian đào tạo lại? Có bao nhiêu em cảm thấy những đồng lương mình được nhận là quá nhiều so với năng suất lao động của mình?
Nhiều nhà tuyển dụng ngại làm việc với sinh viên mới ra trường. Thiếu kinh nghiệm là một trong số những lý do nhưng chắc chắn đó không phải là lý do quyết định. Lý do chính là ở thái độ, trách nhiệm cũng như khả năng nhìn nhận và tự nhìn nhận của các em. Người thành công nhất thế giới hoàn toàn có thể khởi đầu sự nghiệp từ những điều vô cùng nhỏ bé. Hay nói đúng hơn thì, chẳng có công việc nào là nhỏ bé, chỉ có những người lao động với cái đầu và tư duy hẹp hòi mà thôi.
Hải Triều