(Baonghean) - Việc Trung Quốc công bố “Sách trắng quốc phòng Trung Quốc 2015” đang gây ra sự phản ứng dữ dội của dư luận thế giới. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an để cùng tìm hiểu một số vấn đề dư luận đang quan tâm.
Phóng viên: Thưa Thiếu tướng Lê Văn Cương, ông có thể cho biết những điểm mới của “Sách trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2015”?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Ngày 26/5, Văn phòng Thông tin Quốc vụ Viện nước CHND Trung Hoa công bố Sách trắng quốc phòng Trung Quốc có tên là Chiến lược quân sự Trung Quốc. Ngoài phần mở đầu, Chiến lược quốc phòng Trung Quốc có 6 phần: Tình hình an ninh quốc gia; Sứ mệnh nhiệm vụ chiến lược của quân đội Trung Quốc; Phương châm phòng thủ chủ động; Xây dựng phát triển lưc lượng quân đội; Chuẩn bị đấu tranh quân sự; Hợp tác an ninh quân sự. Năm nào Trung Quốc cũng có sách trắng quốc phòng, qua nghiên cứu tôi thấy năm nay Sách trắng quốc phòng Trung Quốc có 4 điểm mới:
1. Về nhận định tình hình an ninh quốc gia, ngoài những vấn đề cũ, lần này đưa vào 3 vấn đề mới: Việc Mỹ xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương ảnh hưởng đến Trung Quốc; Những thay đổi trong chính quyền Nhật Bản, cụ thể là Nhật sửa đổi điều 9 Hiến pháp Hòa Bình cho phép Nhật Bản quyền phòng vệ tập thể; Vấn đề Biển Đông, Trung Quốc nói rằng một số nước chiếm trái phép đảo của Trung Quốc ở Biển Đông.
2. Về xây dựng lực lượng quân sự, trong phần 4, về lục quân Trung Quốc xác định rõ “Từ mô hình phòng thủ khu vực sang mô hình cơ động toàn cầu”, “Xây dựng lực lương hải quân từ phòng thủ ven biển sang biển gần hộ vệ biển xa”. Riêng về hải quân thì Chiến lược quốc phòng Trung Quốc 2015 xác định xây dựng hệ thống hải quân hiện đại, đem lại điểm tựa chiến lược cho xây dựng cường quốc biển của Trung Quốc. Có thể thấy lực lượng hải quân được Trung Quốc quan tâm hàng đầu, chiếm 30% dung lượng của Sách trắng. Chứng tỏ lần này, thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc đặc biệt quan tâm lực lượng quân sự với mục đích trở thành một cường quốc biển.
3. Xây dựng lực lượng quân sự nhấn mạnh 3 vấn đề: Xây dựng lòng trung thành của quân đội Trung Quốc với Đảng Cộng sản Trung Quốc; Siết chặt kỷ luật nghiêm minh trong quân đội; Coi trọng đào tạo và sử dụng nhân tài quân sự. Sách trắng quốc phòng Trung Quốc đưa 2 mục tiêu mà Đảng Cộng sản Trung Quốc phấn đấu là đến lúc kỷ niệm 100 năm Đảng cộng sản Trung Quốc thành lập thì Trung Quốc xây dựng xong xã hội khá giả toàn diện, đến lúc kỷ niệm 100 năm nước Cộng hòa Trung Quốc (năm 2049) thì Trung Quốc có nước XHCN hiện đại, thịnh vượng, dân chủ, văn minh... Điều này cho thấy Trung Quốc đề ra giấc mơ cường quốc số 1 thế giới một cách rất rõ ràng.
Phóng viên: Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc 2015 đề ra phương châm phòng thủ chủ động, điều này có phải là quân đội Trung Quốc chỉ làm nhiệm vụ tự vệ phòng thủ, đối phó khi có sự đe dọa xâm lược từ bên ngoài chứ không đe dọa ai cả, không tấn công? Xin cho biết ý kiến của Thiếu tướng về vấn đề này như thế nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong phần thứ 3 của Sách trắng quốc phòng Trung Quốc 2015, phần mở đầu Trung Quốc cam kết rằng kiên định theo con đường phát triển hòa bình, chính sách phòng thủ, không bao giờ xưng bá, không bao giờ bành trướng, mãi mãi là lực lượng trung thành bảo vệ hòa bình thế giới, kiên trì phương châm “Ngươi không đụng đến ta thì ta không đụng đến ngươi. Ngươi mà đụng đến ta thì ta nhất định đụng đến ngươi”. Điều này thực ra không có gì mới, 5 thế hệ lãnh đạo Trung Quốc hàng trăm hằng ngàn lần nhắc luận điệu này. Phương châm của họ là nhắc đi nhắc lại nhiều lần thì người ta sẽ nghĩ đó là sự thật.
Lịch sử nhắc chúng ta năm 1962 Trung Quốc phát động chiến tranh Ấn Độ, đến nay Trung Quốc chiếm của Ấn Độ một phần diện tích bằng 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; năm 1969 Trung Quốc phát động quân sự tấn công Liên Xô trên đảo sông A Mua; tháng 1/1974 Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam; ngày 17/2/1979 có đến 60 vạn quân Trung Quốc xâm lược bờ cõi Việt Nam trên toàn biên giới 6 tỉnh phía Bắc; ngày 14/3/1988, Trung Quốc đánh chiếm 7 đảo của Việt Nam ở Trường Sa. Từ năm 1990 đến nay hơn 100 lần Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, gây hấn với Việt Nam ở Biển Đông. 60 năm qua, từ khi lập quốc, Trung Quốc đã phát động 5 cuộc chiến tranh với những quốc gia không hề gây hấn với Trung Quốc. Do đó, cho dù sách trắng Trung Quốc có nhắc bao nhiêu lần về phương châm “phòng thủ tự vệ” cũng không ai tin. Xin nhắc lại lời của ông Khơ – Rút – Sốp, Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô cách đây 53 năm, khi phóng viên nước ngoài hỏi “Thưa ngài, ngài nghĩ gì về những điều lãnh đạo Trung Quốc nói”, ông Khơ - Rút - Sốp đã nói “Chỉ những người ngu mới tin lãnh đạo Trung Quốc nói”.
Hơn nữa, ở phần 4, Sách trắng lại xác định lực lượng lục quân Trung Quốc “chuyển từ mô hình phòng thủ sang xây dựng lục quân cơ động toàn cầu”, điều này vô cùng phi lý. Phần 5, khi nói về chuẩn bị đấu tranh quân sự, họ khẳng định “Phải dựa vào yêu cầu có thể đánh và đánh thắng”, như vậy là chủ động phát động chiến tranh, chứ không còn là phòng thủ hay tự vệ nữa. Vì vậy, nói phòng thủ hay tự vệ là hoàn toàn dối trá và bịa đặt, mâu thuẫn ngay trong văn bản của họ.
Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, trong phần 3 khi nói về phương châm chiến lược phòng thủ chủ động, Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc 2015 có nêu vấn đề “kiên trì tư duy ranh giới tận cùng”. Thiếu tướng có thể giải thích về điều này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng là trong phần nói về phương châm chiến lược phòng thủ, Trung Quốc có đặt vấn đề kiên trì tư duy ranh giới tận cùng. Khi nghiên cứu Trung Quốc, từ năm 1972 đến nay, tất cả những điều Trung Quốc đã viết, đã nói và hành động, tôi xin giải thích tư duy “ranh giới tận cùng” như sau. Năm 1992, một công trình của một học giả Trung Quốc, mà thực chất là quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nguyên văn có đoạn “Lợi dụng ưu thế kinh tế, khoa học kỹ thuật, nhằm vào lúc đối phương gặp khó khăn mà “nhẹ nhàng” thâm nhập “biên giới mềm” của đối phương rồi theo phương thức vết dầu loang mở rộng biên giới của mình. Dần dần làm cho đối phương thay đổi, bắt đối phương phải dựa vào mình, lặng lẽ biến nước người thành thuộc địa kinh tế, thuộc địa tin tức, thuộc địa môi trường, thực sự đạt được mục đích không đánh mà đạt được”. Quan niệm của lãnh đạo Trung Quốc là không có ranh giới hành chính nào cả. Hàng hóa, văn hóa Trung Quốc đến đâu, Trung Quốc chi phối đến đâu, thì biên giới Trung Quốc đến đó. Biên giới hành chính chỉ là tương đối. Điều này họ viết cách đây 23 năm, đến bây giờ vẫn hoàn toàn đúng. Đây là cuộc chiến tranh không cần súng đạn vẫn khuất phục đối phương. Thực chất đây là chiến lược không đánh mà thắng của “Quản Trọng”, người giúp Tề Công Hằng thu phục 6 nước xung quanh mà không phải đánh, thời trước Công nguyên 500 năm.
Phóng viên: Theo ông có vấn đề gì trong Sách trắng quốc phòng Trung Quốc 2015 liên quan đến Việt Nam?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Trong phần nói về tình hình quốc gia, có một đoạn họ viết “cá biệt có nước láng giềng trên biển đã có hành động khiêu khích trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc, tăng cường hiện diện trên các đảo của Trung Quốc mà họ xâm chiếm bất hợp pháp”. Đây là lời lẽ xuyên tạc bỉ ổi. Việc Trung Quốc huy động đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, xâm chiếm 7 đảo Trường Sa năm 1988 là vi phạm Khoản 3, Khoản 4 của Điều 2 Hiến chương Liên Hợp quốc. Vi phạm Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc ghi rằng “Những vùng lãnh thổ bị chiếm bằng vũ lực thì không tạo ra cơ sở pháp lý cho nước đi chiếm”. Tinh thần Khoản 2, Khoản 3 Hiến Chương Liên Hợp quốc cấm chỉ các quốc gia đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong tranh chấp quốc tế. Việc Trung Quốc trước đây đánh chiếm đảo Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế và không được ghi nhận. Việc xây dựng đảo chiếm đóng thành các căn cứ quân sự càng cho thấy Trung Quốc vi phạm nhiều lần ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường cam kết với thế giới. Họ cam kết 12 lần nguyện hợp tác đảm bảo hòa bình, thực hiện DOC, tuy nhiên, tự họ đã bỏ cam kết. Có phần họ xuyên tạc, vu cáo Việt Nam để che lấp hành động.
Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, liệu Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc 2015 có tác động đến an ninh khu vực, có châm ngòi nổ cho cuộc chạy đua vũ trang hay không?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Mọi động thái, mọi thay đổi của Trung Quốc đều đáng quan tâm đối với các nước trong khu vực ASEAN, kể cả Mỹ và Nhật Bản. Cả thế giới đang dõi theo chiến lược quân sự của Trung Quốc, dõi theo hành động của Trung Quốc xem thử liệu họ có hiện thực hóa chiến lược này. Thực tế cho thấy dư luận và công luận cả thế giới đang phê phán Trung Quốc trong việc cải tạo Trường Sa và Hoàng Sa thành căn cứ quân sự. Trên diễn đàn an ninh Shangri La (khai mạc chính thức lúc 19h ngày 29/5) đã bắt đầu nêu vấn đề phê phán Trung Quốc. Bởi việc bất chấp luật pháp của Trung Quốc buộc các nước phải suy nghĩ.
Trước hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc, chắc chắn nước nào cũng phải trang bị thêm vũ khí để phòng vệ. Tùy theo điều kiện cụ thể để mua sắm thêm phương tiện vũ khí. Chính hành động hung hăng hiếu chiến của Trung Quốc đã thúc đẩy các nước trong khu vực và trên thế giới mua sắm thêm vũ khí chiến tranh nhiều hơn. Còn có phải cuộc chạy đua hay không, về khoa học còn phải xem xét. Tuy nhiên, việc phải tăng cường quân sự để chủ động đối phó với hành động của Trung Quốc là hoàn toàn dễ hiểu.
Phóng viên:Xin cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trao đổi này!
Chí Linh Sơn