(Baonghean) - Hồi mình sang Pháp học cấp 3, hành trang gối đầu là trọn bộ sách giáo khoa Toán, Lý, Hoá, Tiếng Việt lớp 10, 11, 12, ngót nghét chục quyển. Rốt cuộc chỉ để dọa lũ bạn Pháp sợ xanh mang vì có những cái trong sách lớp 10 của mình dạy, mãi lên chương trình đại học Pháp mới đề cập đến. Duy có điều bọn nó nói khiến mình lăn tăn mãi đến bây giờ: "Sao sách giáo khoa Việt Nam in giấy mỏng lét, xấu mù thế?".

Ảnh minh họa

Ấn tượng đầu tiên về sách giáo khoa Pháp là... to và nặng. Quyển nào cũng in khổ A4, giấy dày, trơn và in màu đẹp cực kỳ. Hôm được trường phát sách giáo khoa mình sướng rơn. Hồi ở nhà mình là chúa vẽ bậy vào sách giáo khoa, kiểu như vẽ râu cho nhân vật này, vẽ chân cho con vật nọ hoặc cái trò giết thời gian mà không đứa học trò nào không làm là tô đen chữ "a", "o",... Rồi hết năm học là nhặt nhạnh sách đi... bán cho tiệm sách cũ. Sách giáo khoa của mình hầu như quyển nào cũng quăn mép, bên trong thì chẳng khác gì truyện tranh hoạt hoạ, mà như thế còn đẹp chán! Bạn mình nhiều đứa sách rách tả tơi, long bìa, mất trang. Nói chung, những đứa mà sách giáo khoa còn đẹp nguyên như mới thì hoặc là cực kỳ có ý thức hoặc chẳng bao giờ mó đến sách vở. Ấy thế mà sang bên này, mình nâng niu sách giáo khoa như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Phần vì sách đẹp và trông có vẻ đắt tiền (mà quả là đắt thật), phần vì cuối năm phải trả lại sách cho trường nên không dám phá hoại.

Thật ra hôm nay đọc bài báo nói về dự án làm bộ sách giáo khoa phổ thông mới, có ý kiến rằng nước mình còn nghèo không nên lãng phí tiền vào một bộ sách giáo khoa chỉ có tuổi đời 5, 6 năm, mình lại nghĩ ngay đến bộ sách giáo khoa Pháp. Vấn đề người ta đang bàn là về nội dung nhiều hơn là hình thức. Tuy nhiên, mình nghĩ đấy cũng là một cái lãng phí của nền giáo dục mình, một vấn đề tồn đọng từ trước và có vẻ như bây giờ vẫn chưa ai đả động đến. Hồi hè đưa đứa cháu đi mua sách giáo khoa, mới biết tiền sách giáo khoa không phải là một khoản tiền nhỏ. Mỗi học sinh học 12 năm, mỗi năm chi từng ấy tiền vào một bộ sách chỉ dùng một lần, không lãng phí thì là gì? Đằng này, nếu người ta đầu tư in những bộ sách có hình thức và chất lượng in ấn tốt hơn, các trường học lập một thư viện sách giáo khoa cho học sinh "thuê" rồi thu lại vào cuối năm, sẽ kinh tế và tiết kiệm hơn nhiều. Đấy là chưa kể, học sinh sẽ có ý thức giữ gìn sách vì không phải là sách của mình mà là sách của trường. Như vậy, chưa nói đến tuổi thọ về nội dung mà thời gian sử dụng của sách giáo khoa cũng đã được kéo dài đáng kể.

Còn nói về cải cách nội dung sách giáo khoa, đồng ý rằng một bộ sách có tuổi thọ 5, 6 năm trong khi một "chu kỳ" phổ thông là 12 năm thì phi lý thật. Nhưng liệu nền giáo dục của chúng ta có đang hơi cứng nhắc và phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa? Nói thật là mình hiếm khi sờ tới sách giáo khoa cấp 3 Pháp, trừ lúc làm bài tập giáo viên ra. Tại sao? Bởi vì sách giáo khoa hầu như chỉ in những tài liệu, thông tin bổ sung như con số, ví dụ, hình ảnh minh hoạ còn bài giảng trên lớp là do giáo viên chủ động soạn một cách linh hoạt. Như vậy cái một nền giáo dục cần khi có ý định cải cách chưa hẳn đã là sách giáo khoa mà là mối quan hệ tương tác giữa sách giáo khoa và giáo viên, học sinh. Kim chỉ nam cho một chương trình dạy và học là khung quy định những nội dung, giới hạn kiến thức.

Sách giáo khoa sẽ là công cụ hỗ trợ, bổ sung, giáo viên dùng sách giáo khoa làm giá đỡ cho bài giảng còn học sinh dùng sách giáo khoa giúp cho việc ghi nhớ và mở rộng kiến thức, nếu có ý thức tự học. Tất nhiên ý kiến của mình chỉ để tham khảo thêm thôi, chứ áp dụng trăm phần trăm vào nền giáo dục Việt Nam ở thời điểm hiện tại thì nói thật là, điệp vụ bất khả thi! Bởi tư duy dạy và học của người Việt mình vẫn đang theo một định hướng, khuôn mẫu chung, khác với tư duy mở và tự do của phương Tây. Nói thế không phải để đả kích ta hay Tây, mà để thấy mỗi xã hội có những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Vì thế khi muốn thay đổi, học hỏi những cái mới cũng phải nhìn lại nền móng mà ta đang đứng.

Nói rông nói dài, tóm lại mình nghĩ rằng cải cách sách giáo khoa là tư duy đáng hoan nghênh. Nhưng làm gì cũng nên làm đến nơi đến chốn, làm triệt để, thay đổi nội dung sách giáo khoa cũng có nghĩa là thay đổi tư duy dạy và học, chứ đừng “râu ông nọ chắp cằm bà kia”, hôm nay sửa chỗ này một tí, mai sửa chỗ kia một tí, tủn mủn chắp vá chẳng ra hình hài gì thì buồn cười lắm! Và nguyện vọng nho nhỏ cuối cùng của mình là: hãy in sách giáo khoa đẹp!

Hải Triều

(Email từ Paris)