(Baonghean) - Quan điểm thế nào là xấu, là đẹp mang tính cảm quan cá nhân nhiều hơn là quy theo chuẩn mực, bởi chuẩn mực luôn thay đổi theo thời gian và không gian. Chúng ta hãy cứ yêu thích những gì chúng ta cho là đẹp, nhưng hà cớ gì phải ghét bỏ, miệt thị những người, những vật không vừa mắt mình?

Mình ít khi theo dõi các cuộc thi người đẹp ở Việt Nam, chủ yếu là vì số lượng những cuộc thi kiểu như vậy nhiều quá đâm ra… nhàm. Đến nỗi bây giờ đọc tin tức về các sự kiện có sự góp mặt của dàn người đẹp Việt, thấy cô nào cũng được gắn cái mác Hoa hậu cuộc thi A, Hoa khôi cuộc thi B. Nói chung mình có cảm giác đang sống trong thời đại phổ cập Hoa hậu. 

Ảnh minh hoạ - Nguồn Internet
Ảnh minh hoạ - Nguồn Internet

Cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam 2016 có thể là một trường hợp hy hữu, mình xem là vì có thí sinh đến từ Nghệ An quê mình tham gia. Nhưng người khiến mình phải băn khoăn, trăn trở nhiều nhất sau đêm chung kết không phải là thí sinh Nghệ An ấy mà là cô gái người Hà Nội vừa đăng quang ngôi vị Hoa hậu. Thực ra thì cá nhân mình thấy Đỗ Mỹ Linh không phải là một cô gái đẹp xuất chúng. Vẻ đẹp của Mỹ Linh chỉ có thể xếp vào hàng “xinh xinh”, ưa nhìn theo cách nhìn của giới trẻ bây giờ. Nhiều cư dân mạng sau đêm chung kết còn để lại những bình luận nặng nề kiểu: “Chưa năm nào Hoa hậu xấu như năm nay”, “Mắt to mắt bé, mũi tẹt răng hô mà cũng được làm Hoa hậu”, “Nghi án mua giải chứ nhan sắc của cô này mà được Hoa hậu thì vô lý”,… Chưa dừng lại ở đó, nhiều người còn nhanh tay “đào” lại các hình ảnh và dòng trạng thái mà Đỗ Mỹ Linh chia sẻ trên Facebook cá nhân từ thời điểm cách đây 5, 6 năm. Ngay trong đêm, Mỹ Linh đã khoá Facebook cá nhân nhưng quá muộn, làn sóng “phẫn nộ” của cư dân mạng đã kịp lan toả đi quá xa…

Chúng ta đang sống trong một xã hội ưa chuộng hình thức, đó là sự thật mặc dù chúng ta vẫn thường lảng tránh nói ra nguyên tắc ngầm đó. Mình tự hỏi phải chăng đó là hệ quả ít nhiều của cuộc cách mạng truyền thông và những nền văn hoá ngoại lai du nhập vào Việt Nam những năm qua. Đơn cử như sự “xâm chiếm” của văn hoá Hàn Quốc - cái mà người ta gọi là làn sóng Hallyu - đã thay đổi hoàn toàn quan niệm về thẩm mỹ của giới trẻ. Con gái thì phải cao gầy, cằm phải nhọn, da phải trắng sứ, con trai thì phải chăm chút đến từng sợi tóc, ăn mặc kiểu unisex và phảng phất vẻ lạnh lùng, trầm tư. Cách đây ít năm, phẫu thuật thẩm mỹ là một cái gì ghê gớm lắm. Bây giờ, việc cắt chỗ này, độn chỗ kia trở thành câu chuyện phiếm thường ngày của chị em. Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ chưa biết chỉnh sửa, mới hôm trước trên facebook còn thấy cô bạn đăng ảnh mũi tẹt mắt một mí, hôm sau đã thấy mũi dọc dừa mắt bồ câu long lanh là chuyện bình thường. 

Quan điểm thế nào là xấu, là đẹp mang tính cảm quan cá nhân nhiều hơn là quy theo chuẩn mực, bởi chuẩn mực luôn thay đổi theo thời gian và không gian. Chúng ta hãy cứ yêu thích những gì chúng ta cho là đẹp, nhưng hà cớ gì phải ghét bỏ, miệt thị những người, những vật không vừa mắt mình? Những cô hoa hậu Việt Nam qua các năm, mỗi người mỗi vẻ không ai giống ai, nhưng có lẽ điểm tương đồng lớn nhất ở họ chính là nghị lực và sự kiên cường ít ai có thể tưởng tượng nổi. Chiếc vương miện đại diện cho nhan sắc của một quốc gia, nhìn thì đẹp nhưng dễ phải nặng đến ngàn cân…

Hải Triều

TIN LIÊN QUAN