S-500 Prometey có thể đe dọa các máy bay tiêm kích, máy bay ném bom chiến lược, máy bay cảnh báo sớm, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, thậm chí cả vệ tinh quân sự của Mỹ.
Đó là lời thừa nhận từ các chuyên gia quân sự Mỹ trước sức mạnh của hệ thống tên lửa phòng không tầm xa dự kiến sẽ vào biên chế Quân đội Nga trong năm 2020.
Đối tượng tác chiến của S-500 Prometey
Tạp chí National Interest (NI) ngày 5/11/2016 cho biết, trong hệ thống S-500 Prometey của Nga cũng như THAAD của Mỹ, công nghệ đánh chặn bằng động năng đã được áp dụng. Vận tốc của các tên lửa 77N6-N và 77N6-N1 thuộc tổ hợp S-500 dao động từ 5 - 7 km/giây, giúp chúng tiêu diệt được tên lửa đối phương một cách rất hiệu quả.
Theo phỏng đoán, Prometey sẽ phát huy tác dụng tốt khi chống lại máy bay tàng hình, tuy nhiên qua những mô tả về tính năng của hệ thống này, nhiệm vụ chính của tổ hợp S-500 không phải là để chống lại đối tượng trên.
Theo ý kiến của National Interest, tầm bắn xa của S-500 biến nó thành thứ vũ khí tuyệt vời nhằm chống lại những mục tiêu lớn và khó phát hiện nhất.
Để xác định và tiêu diệt máy bay ném bom từ xa là không hề dễ, tuy nhiên các máy bay cảnh báo sớm (AWACS) hoặc tác chiến điện tử sẽ gặp nguy hiểm, khiến chúng nhiều khả năng sẽ phải hoạt động ngoài bán kính tác chiến của S-500, hoặc chúng bắt buộc phải hoàn thiện hệ thống điện tử của mình.
Các chuyên gia tạp chí NI nhấn mạnh rằng, tổ hợp S-500 của Nga được chế tạo trước tiên nhằm thực hiện vai trò hệ thống phòng thủ chống tên lửa, nhưng ngoài ra, "nó có thể được sử dụng như loại vũ khí chống vệ tinh".
Chuyên gia Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ (Nga), ông Sergei Denisentzev chia sẻ, tạp chí của Mỹ đã đánh giá chính xác về Prometey.
"Nhiệm vụ của tổ hợp tên lửa phòng không đó là đánh chặn các tên lửa hành trình và đạn đạo, chống lại không quân của đối phương. Đó là điều hoàn toàn logic. Tuy nhiên, chúng ta còn chưa biết đến nhiều chỉ số và tính năng chiến đấu của S-500 mà chỉ có thể đánh giá trên cơ sở những dữ liệu mở và được công khai trên mặt báo", chuyên gia này cho biết.
Theo lời ông, S-500 hoàn toàn có thể chống lại máy bay AWACS nhờ tầm bắn xa, còn liên quan tới nhiệm vụ bắn hạ vệ tinh, ông Denisentzev lý giải rằng để thực hiện được thì cần chế tạo loại tên lửa đặc biệt, tối thiểu phải 2 tầng.
Chuyên gia này cho rằng so sánh S-500 với THAAD là hoàn toàn bình thường, nhưng hệ thống của Mỹ ra đời sớm hơn và đã được quân đội sử dụng. Còn hệ thống của Nga vẫn chưa công bố thời gian bàn giao cho quân đội để trực chiến.
Tuy nhiên hãng thông tấn TASS đã đưa tin, nửa năm trước đây, những mẫu Prometey đầu tiên sẽ được bàn giao cho quân đội trong tương lai gần, công tác thiết kế - thử nghiệm gần như đã hoàn thành. Bình luận về bài viết của TASS, các đại diện ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ lấy làm ngạc nhiên khi Nga đã thiết kế thành công S-500 sau khi Liên Xô tan rã.
Về phần mình, đại diện Lầu Năm Góc khi đó đã cảnh báo rằng S-500 sẽ là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với các máy bay tàng hình như F-22, F-35 và B-2. Tóm lại, từ kinh nghiệm của cuộc chiến tranh tại Nam Tư thì tổ hợp phòng không cũ S-125 từ thời Liên Xô vẫn bắn hạ được thiết bị bay khó phát hiện.
Sự thay thế hoàn hảo cho S-300 và S-400
Được biết, Prometey là tổ hợp tên lửa đất đối không đa năng tầm xa và tầm cao với tiềm năng phòng thủ chống tên lửa nâng cao và có khả năng đánh chặn được tên lửa đạn đạo, các loại mục tiêu khí động học (máy bay, trực thăng và phương tiện bay khác).
S-500 có thể phát hiện và cùng lúc bắn hạ 10 mục tiêu siêu thanh cách xa 500 km, nó được kỳ vọng sẽ thay thế cho S-300 và S-400.
Hồi tháng 11/2013, Tư lệnh các đơn vị phòng không Nga, Thiếu tướng Alexandr Golovko thông báo rằng Tập đoàn Almaz-Antey đã bắt đầu thử nghiệm Prometey. Theo lời ông, các đơn vị phòng không Nga sẽ mua 5 tổ hợp này trong khuôn khổ chương trình trang bị vũ khí đến năm 2020.
Cựu chỉ huy Lực lượng Tên lửa phòng không thuộc Bộ tư lệnh Không quân đặc biệt Nga, Đại tá Sergei Khatylev cũng nói tới thời hạn bàn giao tương tự.
"Nga đang sở hữu các tổ hợp S-300 và S-400. Cần phải chế tạo hệ thống theo phân khúc sâu. Công tác thiết kế đang được triển khai một cách tích cực. Đó là chế tạo tổ hợp tên lửa phòng không S-350 Vityaz, hoàn thiện tổ hợp S-300 tới mức độ S-300PM-2, hoàn thiện tổ hợp S-400... Hệ thống tự động thống nhất này sẽ xuất hiện vào năm 2020", ông Khatylev nói.
Theo chuyên gia này, Nga không quá cần S-500, hiện nay S-300 Favorit cùng với S-400 Triumf là đủ.
"Tuy nhiên, những tổ hợp này, giống như các khí tài và vũ khí cùng chủng loại khác, hoạt động trong một hệ thống điều khiển tự động thống nhất. S-500 sẽ là sự bổ sung chất lượng cho chúng", Đại tá Khatylev chia sẻ với báo Politexpert và bổ sung thêm rằng, một trong những quả tên lửa của hệ thống S-500 có thể tiêu diệt được các mục tiêu ở tầm cao 186 km cách mặt đất.
Theo Tri thức trẻ