Trong những ngày gần đây, thu hút sự quan tâm nhiều nhất về tình hình chiến trường Syria vẫn là màn đối đầu có thể xảy ra ở tương lai không xa giữa tiêm kích tàng hình F-35I Adir của Không quân Israel và tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 mà Nga cung cấp cho đồng minh Damascus.
Đối với các bên liên quan, Không quân Israel được nhận định là đang ráo riết lên kế hoạch tấn công phủ đầu nhằm tiêu diệt hệ thống S-300 trong tay Quân đội chính phủ Syria, đồng thời tích cực trinh sát để nắm rõ vị trí triển khai của vũ khí này.
Ở chiều ngược lại, lực lượng phòng không Syria đang tích cực huấn luyện để làm phương tiện tác chiến tối tân trên dưới sự hướng dẫn trực tiếp từ chuyên gia quân sự Nga nhằm nhanh chóng đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Mới đây, Bộ Quốc phòng Israel đã cung cấp những bức ảnh do vệ tinh quân sự của nước này chụp lại, trong đó họ đã xác định được địa điểm mà lực lượng phòng không Syria bố trí các tổ hợp S-300PM (đã được nâng cấp lên chuẩn S-300PM-2).
Căn cứ kết quả trinh sát, phía Israel đã phát hiện ra 1 tổ hợp S-300PM-2 của Quân đội Syria được triển khai gần Masyaf thuộc tỉnh Hama với đầy đủ 4 xe mang phóng tự hành cùng trạm chỉ huy và các đài radar chức năng.
Tuy nhiên điều khiến Không quân Do Thái "tá hỏa" đó là vị trí đóng quân của S-300PM-2 Syria có thể nói là ngay bên cạnh tổ hợp S-400 của Nga, khoảng cách ước chừng chỉ vỏn vẹn 1,5 - 2 km.
Việc Quân đội Syria triển khai các hệ thống S-300 của mình theo kiểu "dính chặt" lấy S-400 của Nga được nhận xét là nhằm tận dụng sự bảo vệ của đồng minh trong khi mình chưa nắm vững khí tài để có thể độc lập tác chiến.
Không quân Israel nếu muốn oanh tạc phá hủy S-300PM-2 "ngay từ trong trứng nước" đúng như tuyên bố của họ thì sẽ phải cho tiêm kích tiếp cận địa điểm rồi phóng một cơ số lớn đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm vào vị trí trên.
Nhưng do cự ly bố trí S-300 và S-400 quá sát nhau, chắc chắn người Nga có lý do để phóng đạn đánh chặn trong trường hợp này, bởi vì theo lập luận của họ thì chẳng có gì đảm bảo rằng số bom đạn mà Không quân Israel trút xuống sẽ nhận biết được đâu là mục tiêu của Nga còn đâu là của Syria.
Về phía Israel, họ cũng phải dè chừng khi mở một cuộc tấn công như vậy vì nguy cơ gây thương vong cho lính Nga là rất cao, khi đó sẽ lại thổi bùng lên một cuộc khủng hoảng ngoại giao mới trong khi sự kiện liên quan đến chiếc máy bay trinh sát điện tử Il-20 vẫn chưa được dàn xếp ổn thỏa.
Đặt S-300PM-2 cạnh S-400 có thể coi như giải pháp tạm thời của Quân đội Syria nhưng về lâu về dài thì chúng vẫn phải tách khỏi chiếc ô của S-400 để triển khai bảo vệ các cơ sở trọng yếu, đây là lúc mà tiêm kích Israel có thể hành động.