(Baonghean) - Khu rừng săng lẻ nằm dọc hai bên Quốc lộ 7, thuộc địa bàn bản Quang Thịnh, xã Tam Đình (Tương Dương) sẽ được đưa vào quản lý theo hệ thống rừng đặc dụng, có quy hoạch bảo vệ nghiêm ngặt và phát triển bền vững đến năm 2020.

Người dân đi qua, về lại trên Quốc lộ 7, đoạn qua huyện Tương Dương, hẳn không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của khu rừng săng lẻ tăm tắp tốt vượt, không khí trong lành, là một “thung lũng xanh” quyến rũ của miền Tây xứ Nghệ.
 
images1408807_3.jpgRừng săng lẻ nằm ngay cạnh đường Quốc lộ 7, tạo nên điểm nhấn sinh thái đầy hấp dẫn.
Không ai còn nhớ chính xác khu rừng có tự bao giờ, ngay như người dân bản Quang Thịnh (Tam Đình, Tương Dương) cũng chỉ đoán định rằng, dễ đã có hàng trăm năm.
 
Ông Vi Võ Tuấn - Trưởng bản Quang Thịnh chia sẻ: “Rừng săng lẻ đóng vai trò rất quan trọng với đời sống người dân. Không chỉ có giá trị về cảnh quan, tác dụng hạn chế lũ ống, lũ quét, mà còn là biểu tượng cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Thái vốn hài hòa, gần gũi với thiên nhiên”. 
 
Cán bộ kiểm lâm đo đạc, thống kê mức độ sinh trưởng của rừng săng lẻ ở Tương Dương.
Vì lẽ đó, từ những năm 1995, 1996, dân bản Quang Thịnh đã xây dựng hương ước giữ rừng săng lẻ này, với nội quy, chế tài xử phạt chặt chẽ. Rừng săng lẻ là rừng tự nhiên, cơ bản thuần loài, có diện tích hơn 53 ha vùng lõi. Ông Vi Võ Tuấn cho biết, phần lớn diện tích là những cây săng lẻ cao 30 - 40m, chu vi trọn vòng tay người ôm, nhiều phen đứng trước nguy cơ bị xâm hại từ ý đồ xấu của một bộ phận người dân, chủ yếu là người ngoại bản. 
 
Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng xâm hại rừng săng lẻ là do khu rừng được quy hoạch nằm trong hệ thống rừng sản xuất, nên cơ chế khoán bảo vệ dành cho các chủ rừng còn nhiều hạn chế.
 
Ông Vi Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Tam Đình cho biết: “Những năm về trước, công tác bảo vệ rừng săng lẻ chủ yếu dựa vào truyền thống, tâm huyết của người dân bản Quang Thịnh. Tuy nhiên, bản chỉ có 184 hộ dân, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, việc bảo vệ rừng vẫn chưa thể tập trung. 
 
Cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Tương Dương tuần tra bảo vệ rừng săng lẻ.
Để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, năm 1999, chính quyền xã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ kinh phí cho một cán bộ chuyên trách lâm nghiệp xã, tuy nhiên phụ cấp nhận được quá thấp, mỗi tháng chỉ có 150.000 đồng, nên việc toàn tâm, toàn ý cho công tác bảo vệ rừng là rất khó”. Tín hiệu vui là từ năm 2013 đến nay, kinh phí dành cho việc bảo vệ rừng săng lẻ được bố trí thêm; mỗi năm xã Tam Đình nhận được 48 triệu đồng.
 
Ông Vi Văn Thắng cho biết, số tiền đó dùng để chi trả phụ cấp cho hai người dân bản Quang Thịnh, được dân bản tín nhiệm bầu làm người bảo vệ rừng, có nhiệm vụ canh gác, bảo vệ và phát dọn thảm thực bì. 
 
Bất cập khác của việc quy hoạch rừng săng lẻ Tương Dương trong hệ thống rừng sản xuất là chế tài xử phạt đối với những đối tượng có hành vi lấn chiếm, khai thác trái phép rừng chưa đủ sức răn đe.
 
Chủ tịch UBND xã Tam Đình cho biết thêm, việc xử phạt được thực hiện theo Nghị định 157/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trên thực tế, trong những lần các cơ quan chức năng tiến hành xử phạt các đối tượng có hành vi xâm hại rừng, khung phạt tiền còn thấp, chưa đủ sức răn đe đối tượng và nguy cơ tái phạm còn cao. 
 
Trăn trở trước thực trạng công tác bảo vệ rừng săng lẻ còn nhiều bất cập, xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người dân địa phương, năm 2014, rừng săng lẻ Tương Dương đã được chuyển đổi quy hoạch từ rừng sản xuất sang rừng đặc dụng. Đồng thời, UBND huyện Tương Dương xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng săng lẻ đến năm 2020, giao cho Hạt Kiểm lâm huyện quản lý.
 
Ông Võ Sỹ Lâm - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tương Dương cho biết, khác với mục đích của rừng sản xuất, rừng đặc dụng được xác định nhằm mục đích bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng, nguồn gen thực vật, nghiên cứu khoa học, bảo vệ danh lam, thắng cảnh, phục vụ du lịch; vì vậy, công tác bảo vệ rừng được đặt lên hàng đầu, cùng với đó là việc phát triển diện tích rừng.
 
Cán bộ kiểm lâm và người dân bản Quang Thịnh (Tam Đình, Tương Dương) đang tiến hành khoanh vùng lõi rừng đặc dụng săng lẻ.
Hiện tại, tổng diện tích vùng quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng săng lẻ là hơn 1.300 ha, trong đó, diện tích rừng đặc dụng là 241,6 ha, bao gồm bảo vệ nghiêm ngặt đặc biệt hơn 53 ha rừng săng lẻ thuần loài và phục hồi sinh thái gần 188 ha. Toàn bộ diện tích này đều nằm trong ranh giới hành chính của xã Tam Đình. 
 
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương khẳng định, cơ sở để thực hiện thành công các mục tiêu quy hoạch bảo tồn nghiêm ngặt và phát triển bền vững rừng đặc dụng săng lẻ Tương Dương là việc đề ra các giải pháp cụ thể, quyết liệt và đồng bộ. Theo đó, cốt lõi của việc quy hoạch là giữ rừng từ gốc, nghĩa là dựa vào truyền thống, tâm huyết của người dân địa phương đối với việc bảo vệ rừng, từ đó, có những cơ chế hỗ trợ để lan tỏa tinh thần ấy trong toàn cộng đồng.
 
Khi rừng đặc dụng săng lẻ được quy hoạch bảo tồn và phát triển sẽ xóa đi những bất cập trong công tác bảo vệ rừng lâu nay, đó là khung chế tài xử phạt sẽ tăng lên, có tính nghiêm trị, răn đe cao hơn; cơ chế dành cho việc bảo vệ rừng có nhiều thay đổi tích cực; đặt trạng thái bảo vệ rừng vào diện nghiêm ngặt đặc biệt …
 
Hy vọng, với những giải pháp rốt ráo nêu trên, khu rừng săng lẻ Tương Dương sẽ được nhân thêm vẻ đẹp thiên nhiên, trở thành biểu tượng sinh thái và điểm đến du lịch đầy hấp dẫn của khu vực miền Tây Nghệ An.
 
Phương Chi