(Baonghean.vn) - Sau bão số 2, nhiều cánh rừng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh bị đổ gãy, gây thiệt hại nặng nề.
Thời điểm này tại xóm Lâm Nghiệp, xã Hòa Sơn, Đô Lương bà con đang tích cực thu dọn cây keo gãy để bán cho các thương lái. Anh Nguyễn Xuân Lâm ở xóm Lâm Nghiệp chia sẻ: Rừng keo 10 ha của gia đình được trồng liên kết với Công ty lâm nghiệp Đô Lương có tuổi đời 7 năm, khoảng 3 năm nữa bán có giá trị kinh tế cao. Ai ngờ bị trận bão làm gãy đổ gần như 100% diện tích. Nếu đủ tuổi khai thác sẽ đạt 120 triệu đồng/ha, tương đương 1,2 tỷ đồng. Nay cây gãy tư thương ép giá chỉ bán 300 triệu đồng/10 ha.
Ông Phan Hồng Tiến, Giám đốc Công ty lâm nghiệp Đô Lương cho biết: Cơn bão số 2 gây thiệt hại nặng nề, làm đổ gãy 886,4 ha rừng nguyên liệu, thiệt hại khoảng 22 tỷ đồng tập trung ở các xã Hòa Sơn, Mỹ Sơn, Bài Sơn… Công ty bỏ vốn trồng, nhân dân bảo vệ chăm sóc. Sau bão đơn vị đã huy động lực lượng thu dọn cây đổ gãy nhưng khó khăn hiện nay là nhiều cánh rừng nguyên liệu không có đường giao thông, việc thu dọn để bán keo cho tư thương rất khó. Chưa kể là bán keo non bị đổ gãy giá rất rẻ mạt, thông thường 1,1 triệu đồng /tấn keo, nay chỉ bán được 600.000 đồng/tấn keo.
Còn tại Nghi Lộc có hơn 200 ha rừng thuần keo từ 3-5 năm tuổi bị đổ gãy, thiệt hại trên 7 tỷ đồng (chủ yếu keo trồng liên kết giữa Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc và nhân dân), chủ yếu ở các xã Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Lâm… Đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc cho biết: Chúng tôi đã xin ý kiến ngành chức năng cho tận thu và thanh lý rừng bị thiệt hại có trữ lượng để giảm phần nào thiệt hại cho người trồng rừng. Chúng tôi mong muốn các cấp xem xét hỗ trợ những diện tích rừng bị thiệt hại chưa có trữ lượng mà lâu nay đơn vị và người lao động đã bỏ công sức trồng, chăm sóc.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Trưởng phòng sử dụng và phát triển rừng, Chi cục kiểm lâm cho biết: Bão số 2 đã làm đổ gãy trên 7.000 ha keo có tuổi đời từ 3-7 năm tuổi, thiệt hại ước tính 50 triệu đồng/ha, tổng thiệt hại trên 350 tỷ đồng. Các huyện bị thiệt hại nặng gồm Đô Lương, Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Chúng tôi đang tiến hành lập hồ sơ thanh lý, lập hồ sơ khai thác cho các đơn vị lâm nghiệp và người dân trồng rừng. Đồng thời, tạo điều kiện người dân thu dọn các diện tích đổ gãy, vì thu dọn không kịp các cành cây rơi vãi dễ gây cháy rừng.
Khó khăn đặt ra hiện nay là khâu tiêu thụ, một số nơi bị tư thương ép giá mua với giá rẻ, nhiều nơi không có đường lâm nghiệp vận chuyển keo đổ gãy. Sau bão thiệt hại đối với lâm nghiệp là không nhỏ, nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ người trồng rừng.
Văn Trường