(Baonghean.vn) - Chiến dịch mùa Xuân 1975 vinh dự được đặt tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến dịch được nhận thư khen của Quân ủy Trung ương, phổ biến tới từng CBCS mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng :"Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới giải phóng miền Nam...".

AHLLVT, Trung tướng đoàn Sinh Hưởng, lúc đó là Đại đội trưởng đại đội xe tăng 9, trong đội hình Lữ đoàn tăng 273, Quân đoàn 3 đã có những kỷ niệm không thể nào quên trong thời khắc “một ngày bằng mấy mươi năm” cùng đại quân thần tốc tiến về Sài Gòn, cùng nghẹn dâng nước mắt mà hòa chung nhịp hát “Sài Gòn ơi! Ta đã về đây, ta đã về đây”.

Tao ngộ chiến ở cầu Bông

Đêm 16/4/1975, Lữ đoàn xe tăng 273 được lệnh hành quân di chuyển đội hình rời Buôn Ma Thuột sau những tháng ngày nóng bỏng với chiến công thần tốc, qua trục đường 14 xuôi hướng Đắc Nông, Bình Phước...tiến về vị trí tập kết chiến dịch tại đồn điền cao su Dầu Tiếng (Thủ Dầu Một). Đại đội 9 của Đoàn Sinh Hưởng trong đội hình Trung đoàn với những chiếc xe M48, M41 chiến lợi phẩm đã hành tiến kịp về hội quân  đầu tiên an toàn, tuyệt đối. Qua những ngày hành quân thần tốc, băng qua bao chiến trường khét nồng thuốc súng, khuôn mặt của đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng đã sạm đen. Đến nỗi anh Trương Công Đạo còn đùa: "Bước vào chiến dịch, C trưởng là dân châu Á, mới nửa chiến dịch đã thành dân châu Phi. Phen này vào Sài Gòn là phải đánh phấn thôi".

Liên tục vừa đi, vừa đánh địch, tất cả mọi cánh quân trên toàn mặt trận đều hướng về một mục tiêu: Sài Gòn - Gia Định. Đó là những thời khắc mà anh em tự nhủ với nhau rằng: một ngày bằng một tháng. Đêm 27/4/1975, Đại đội 9 nhận nhiệm vụ tăng cường cho Trung đoàn 66 đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Một ngày sau, 10h đêm 28/4/1975, Trung đoàn trưởng Lê Ngọ gọi C trưởng Đoàn Sinh Hưởng lên giao nhiệm vụ cho Đại đội 9 dẫn đầu đội hình đánh vào thành phố Sài Gòn từ hướng Tây Bắc, chiếm giữ bằng được Cầu Bông để tạo thế cho đội hình toàn quân đoàn đánh chiếm những mục tiêu được phân công. Nhiệm vụ năng nề được Trung đoàn trưởng găm chặt lại một câu: "Bằng mọi giá, Đại đội 9 phải giữ được cầu. Mất cầu, gần như quân đoàn hết đường vào thành phố, không hoàn thành nhiệm vụ".

images968860_4.jpgXe tăng mang số hiệu 980 của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng lập công xuất sắc trong Chiến dịch Tây Nguyên, nay đang được dựng làm Tượng đài Chiến thắng ở Ngã 6 – TP Ban Mê Thuột.

Lúc này, Đại đội 9 còn 7 xe chiến đấu được, nhưng cơ số đạn pháo còn quá ít. Đúng 1h sáng đêm 29/4, Trung đoàn trưởng Lê Ngọ tiếp tục xác định nhiệm vụ cho đại đội: Bỏ qua căn cứ Đồng Dù và các mục tiêu dọc đường, chiếm giữ bằng được cầu Bông để đội hình Quân đoàn đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Cũng trong đêm 29/4, trong nhập nhoạng ánh đèn dầu, Đoàn Sinh Hưởng được gặp một nhóm nữ giao liên có nhiệm vụ dẫn đường cho tiểu đoàn Tăng 1 đánh vào Sài Gòn. Trong đó có cô Nguyễn Trung Kiên, đã được nhà báo Đậu Ngọc Đản chụp lại bức hình "Cô Nhíp" nổi tiếng với nụ cười tươi, vành mũ tai bèo bên cạnh chiếc xe tăng K63. Sau này được dựng thành bộ phim nổi tiếng cùng tên, trong đó, cô Nhíp (Nguyễn Trung Kiên) là nhân vật trung tâm.

Hình ảnh nữ chiến sĩ biệt động xinh xắn, đầu đội mũ tai bèo, vai khoác súng AK47 ngồi trên xe tăng quân giải phóng, dẫn đường cho chiến sĩ lái xe tiến vào thành phố; những trận đánh ác liệt; những ổ đề kháng tuyệt vọng của lính ngụy trên đường hành tiến của đoàn quân; những chiến sĩ giải phóng bất ngờ hy sinh trước giờ giải phóng và hình ảnh người chiến sĩ lái xe tăng, nụ cười của cô Nhíp, nữ biệt động Sài Gòn ra hiệu dừng xe, chỉ tay về phía khu nhà Bộ Tổng tham mưu quân ngụy, trước lúc chia tay đi nhận nhiệm vụ mới như còn lưu dấu trong ánh mắt người chiến sĩ lái xe tăng cũng như trong lòng mỗi khán giả đã xem bộ phim này.

Đại đội tăng đang hành tiến với tốc độ cao, chợt thấy một chiếc Gat 60 mui trần và người đầu hói trên xe (chính là Chính ủy Sư đoàn 10 - Lã Ngọc Châu) ra hiệu dừng xe. Ông nhảy lên xe chỉ huy của Đoàn Sinh Hưởng, hào hển hỏi: - Sao sư đoàn, Quân đoàn điện mãi mà không bắt được tín hiệu của C9?

- Báo cáo, có lẽ lúc này tất cả các phương tiện thông tin đều đang hoạtđộng nên bị nhiễu nặng.

Rồi bất ngờ, Chính ủy sư đoàn nhìn thẳng vào mắt Đoàn Sinh Hưởng nói:

- Cậu sợ chết không? 

- Không.

- Có dám đi đầu, dám - hứng - đạn - cho - đại quân không?

- Có

Tiếp đó, Chính ủy hỏi còn mấy xe, báo cáo còn 4 xe. Còn mấy người? còn 16 người. Nhiệm vụ Chính ủy Sư đoàn giao tiếp trên đường hành tiến khét nồng thuốc súng và căng vành xích tăng vẫn là " Quân đoàn giao cho Đại đội 9: Bằng mọi giá, hy sinh đến người cuối cùng cũng phải giữ cho được cầu Bông. Không được ham đánh mà hỏng việc lớn".

Chia tay Chính ủy, Đoàn Sinh Hưởng ra lệnh cho đội hình xe theo hướng đông, băng lên bằng tốc độ cao nhất. Đi đầu là xe C trưởng, tiếp đó là xe đồng chí Đạo, đồng chí Hổ, khóa đuôi là xe của chính trị viên Huỳnh Rịch. Hành tiến chừng 10 km, chợt phía bên trái đoàn xe, có một người cầm khăn hồng giơ ra vẫy (nên nhớ, lúc đó xe ta đang đi là xe chiến lợi phẩm M48 của địch).Nhớ lời anh Kỷ dặn, đại đội trưởng chắc mẩm là người mình, cho xe tiếp tục hành tiến. Đến gần, mới biết là người của phía bên kia khi một nhóm người trong sắc phục rằn ri nhào ra, hỏi rất to để át tiếng xe đang nổ: “Bọn mầy ở đơn dzị nào dzậy? Cho bọn tao quá dzang dìa Sài Gòn dzới?”. Chỉ kịp hô “ Nhầm rồi”, cùng lúc Đoàn Sinh Hưởng nạp đạn bi để bắn ngay. Xe anh Đạo và anh Hổ phía sau cũng góp lửa tưng bừng.

Khoảng hơn 8 h sáng ngày 29/4, đại đội 9 đã tới đầu cầu Bông. Nơi đây, bắt đầu xẩy ra trận tao ngộ chiến đã không chỉ găm mãi trong hồi tưởng trận mạc của vị trung tướng lẫy lừng, mà còn được ghi vào các cuốn giáo khoa về quân sự trong và ngoài nước. Lúc đó, một đoàn xe bọc thép M113 của địch gồm 24 chiếc từ phía Hậu Nghĩa theo đường số 8 rút về Sài Gòn. Tương quan lực lượng là 1 ta, 6 địch. Phán đoán tình thế trong khoảnh khắc, Đoàn Sinh Hưởng hạ lệnh triển khai phương án phòng ngự gấp. Qua điện đàm, C trưởng C9 ra lệnh: “ Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ cầu Bông, bảo vệ đường hành quân cho quân đoàn tiến vào Sài Gòn”.

Nhìn đội hình C9 quá ít xe, địch hùng hổ lao vào. Xe của Đoàn Sinh Hưởng nhả đạn vào chiếc đi đầu đồng thời lệnh cho xe Rịch bắn xe khóa đuôi. Bị tấn công vỗ mặt, địch dồn lại rối loạn đội hình và tổn thất ngay. Đoàn xe địch tản ra 2 bên ruộng lúa. Trận tao ngộ chiến đã diễn ra trong tích tắc. Nhờ xe đồng đội che chắn, xe của đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng đã liên tục bắn cháy thêm 4 chiếc, xe đồng chí Hổ hạ 5 chiếc, xe chính trị viên Huỳnh Rịch hạ 2 chiếc, xe Đạo hạ 1 chiếc. Số xe còn lại của địch lao thẳng vào đội hình mỏng manh của C9, bắn như vãi đạn. Đoàn Sinh Hưởng lại thêm một lần quyết định táo bạo, cho các xe dàn trận trên mặt đường, sẵn sàng đối đầu với phương án dùng đạn bi tiêu diệt thành viên các kíp lái. Lúc đang theo dõi, bất ngờ C trưởng phát hiện nòng pháo của một chiếc M113 dần quay về phía mình. Cùng lúc hạ lệnh cho nòng pháo xe mình quay sang nghênh chiến là ông cũng phát hiện xe mình trúng đạn, bay mất khẩu 12,8 ly. Tuy nhiên, đường đạn thẳng căng, chính xác của xe ông đã làm nổ tung xe địch.

Khi diệt gọn tổng cộng 12 xe địch, Đoàn Sinh Hưởng tiếp tục chỉ huy đội hình xung phong, dùng đạn bi, đạn nổ, đạn con tiêu diệt số địch nhảy khỏi xe và thu 12 xe còn lại, giao cho bộ đội địa phương. Về tới cầu Bông, phát hiện 2 chiến sỹ đặc công bị thương, họ xúc động nói: Lực lượng quá chênh lệch, mặc dầu chúng tôi đã cố hết sức. Nếu xe tăng ta không tới kịp, chắc chắn anh em sẽ chấp nhận hy sinh đến người cuối cùng để giữ đường hành tiến của Đại đoàn quân tiên phong. Xúc động và hào sảng, đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng điện về báo cáo Bộ Tư lệnh quân đoàn: Đại đội 9 đã chiếm giữ cầu Bông. Thoáng nheo mắt để hồi nhớ, vị trung tướng thêm 1 chi tiết, lúc này tôi thấy cô Nhíp Trần Trung Kiên đang kẹp khẩu AK47, bám thành xe tăng hướng dẫn cho Tiểu đoàn tăng 1 cơ động lên.   

Trong truyện ngắn “Cầu An Hạ” của nhà văn Khuất Quang Thụy đăng trong tập Truyện ngắn chọn lọc của Chi hội nhà văn quân đội (NXB Quân đội nhân dân), năm 2002 có đoạn “...cầu An Hạ từng là nơi mà những chiếc xe tăng của Anh hùng quân đội Đoàn Sinh Hưởng và đồng đội quần nhau với một bầy xe tăng địch. Người ta nói rằng đó là một trong những trận tao ngộ chiến xe tăng oanh liệt nhất trong lịch sử quân đội ta...”.

Đường về đô thành

Trên đường hành tiến hướng Hóc Môn, các xe của Đại đội 9 phát hiện địch từ phía Hậu Nghĩa và một số nơi khác chạy về co cụm khá đông. Lúc đó, đơn vị phải dùng pháo lẫn lựu đạn, đạn con để đánh. Địch liều lĩnh nhảy cả lên xe ta, kíp xe phải quay nòng pháo bằng hệ thống điều khiển điện để gạt chúng xuống. Lúc đó, dẫu chỉ còn 4 xe nhưng đại đội 9 đã gần như tung hoành trên đường, dẹp thông đường chờ đón đại quân. Khi các cánh quân vượt cầu Bông an toàn, Đại đội 9 tiếp tục đánh thẳng vào nội đô, đánh chiếm thành Quan Năm (Hóc Môn), tiến về ngã ba Bà Quẹo, xốc thẳng và đánh chiếm trại huấn luyện Quang Trung. Tại đây, địch dùng nhiều loại vũ khí hạng nặng lẫn vũ khí cá nhân chống trả quyết liệt.

Cùng với 1 trung đội bộ đội địa phương, đại đội 9 cơ bản đã làm chủ trận địa, buộc địch lũ lượt ra hàng. Lúc đó, đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng xông vào hầm chỉ huy sở địch bắt được 2 đại tá (trong đó có 1 tên là hiệu phó trại huấn luyện). Trước hàng  ngàn tên địch được đưa ra tập trung tại sân, ông đã giải thích chế độ khoan hồng của Quân giải phóng và cho họ về với gia đình sau khi trút bỏ toàn bộ quân phục. (Nhắc đến chi tiết này, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nhớ lại rằng, sau này ông đã được một số quân cán của trại Quang Trung ngày đó tìm gặp và cảm ơn việc anh em đại đội 9 đã mở lượng khoan hồng mà cho họ ra về ngay trong ngày 29/4. Bởi nếu không, với thế lũ, triều dâng của các cánh quân giải phóng đổ về trong những thời khắc rực lửa đó, họ sẽ rất khó bảo toàn tính mạng)

11h trưa ngày 29/4, Đại đội 9 còn cách ngã Tư Bảy Hiền chừng 5 km. Được một cụ già hướng dẫn đường vào Dinh Độc Lập, Đoàn Sinh Hưởng tập hợp anh em và hạ quyết tâm : “ Đây là trận cuối cùng. Đánh vào dinh Độc Lập lúc này rất dễ thương vong. Anh em suy nghĩ, ai đi được thì đi, không bắt buộc…”. Tất nhiên, toàn bộ anh em đều hăng hái đi tiếp chặng đường của những thời khắc hào hùng này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là lúc đó đạn pháo mỗi xe chỉ còn 3 – 4 viên, xăng dầu thì đã cạn kiệt. Tìm kiếm mãi, nhờ cả dân hỗ trợ, đơn vị mới tìm được 4 phuy xăng và 3 phuy dầu cho xe M48.

Lúc này, Đoàn Sinh Hưởng mở máy liên lạc về Bộ Tư lệnh Quân đoàn, gặp Chính ủy Đặng Vũ Hiệp nói mà như quát: “ Các cậu ở đâu? Sao 2 ngày nay không liên lạc? Tưởng các cậu bị “nướng” cả rồi”. “ Báo cáo, Xê 9 đang ở ngã ba Bà Quẹo, 2 ngày nay không liên lạc được là do thông tin bị tắc” (thực chất là mải đánh địch nên quên mất). Khi được biết C 9 đang chuẩn bị tiến vào dinh Độc Lập, Chính ủy Đặng Vũ Hiệp hạ lệnh: “ Dừng lại ngay. Nhiệm vụ của các cậu là đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. Đừng có liều”. Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể lại rằng, sau đó ông gặp Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, thượng tướng nói rằng tiếc là không cho C 9 đánh vào dinh Độc Lập, bởi biết đâu C 9 sẽ làm nên chuyện. Bởi, lúc đó (trưa 29/4) các cánh quân của ta mới chỉ mấp mé ngoại ô đô thành Sài Gòn.

Sau khi nhận lệnh từ Chính ủy Quân đoàn, C trưởng Đoàn Sinh Hưởng dừng lại củng cố lực lượng để chốt giữ ngã 3 Bà Quẹo và chuyển sang làm lực lượng dự bị cho Tiểu đoàn tăng 1 phối hợp cùng bộ binh đánh vào ngã tư Bảy Hiền, sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Những giờ phút cuối cùng

Sáng ngày 30/4, Đại đội 9 cùng Tiểu đoàn tăng 1 triển khai đội hình, thẳng hướng phi trường Tân Sơn Nhất. Những ụ súng, lô cốt, các ổ đề kháng của địch lần lượt bị phá tung trên đường hành tiến của quân ta. Mục tiêu bây giờ là Bộ Tổng tham mưu ngụy. Tuy nhiên, trận chiến giữa 2 bên tại cổng số 5 phi trường vẫn đang tiếp diễn khốc liệt. Xe tăng ta bi địch bắn cháy ngay trên đoạn đường từ Lăng Cha Cả sang Bộ Tổng tham mưu gây  ùn tắc. Các xe của C 9 phải rẽ sang đường Trương Minh Ký để hướng về mục tiêu với sự trợ giúp của một chàng thanh niên Sài Gòn, lúc đó leo lên xe tăng 819 của Đại đội phó Đại đội tăng 5 Đỗ Hồng Kỳ để chỉ đường. Lực lượng của ta lúc bấy giờ còn có Đại đội bộ binh 10, 2 đại đội công binh, trinh sát và tiểu đoàn cao xạ 37 ly, vừa đi vừa đánh trả, vừa hướng về mục tiêu.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chăm sóc hoa cảnh vườn nhà khi trở về với đời thường.

Tại Bộ Tổng tham mưu địch, chúng đã cho xe tăng và bộ binh ra bịt cổng chính, kết hợp thêm 2 mũi phản kích từ hướng đông nam tới. Ta phải hình thành các mũi tiến công chia cắt địch ra từng cụm để tiêu diệt. Bị tấn công cả trước lẫn sau, 1 đại đội địch buộc phải hạ vũ khí đầu hàng. Ta diệt 1 xe tăng M48 và 1 xe có gắn súng máy 4 nòng, 1 ô tô GMC. Số địch còn lại vội vã tháo chạy. Thừa thắng, quân ta tiếp tục truy kích vào phía trong, 3 xe M41 cuối cùng tiến ra phản kích đều bị ta bắn cháy. Vượt qua cổng chính, xe tăng số 982 do Nguyễn Hữu Thìn- Chính trị viên Đại đội tăng 5 chỉ huy tiến thẳng 1 mạch, bò chồm lên mặt thềm cao ngôi nhà chính của trụ sở Bộ Tổng tham mưu ngụy, yểm hộ cho bộ binh ta leo lên tầng gác hạ lá cờ 3 sọc xuống, kéo cờ Giải phóng lên. Lá cờ nửa đỏ, nửa sanh quy tụ khát vọng nối liền một giải non sông và ngôi sao vàng 5 cánh rực rỡ, kiêu hãnh tung bay trên sào huyệt cuối của tổng hành dinh quân đội ngụy, đánh dấu sự tan vỡ hoàn toàn của chúng, báo tin vui chiến thắng.

Đúng 11h30 ngày 30/4 lịch sử, 4 xe tăng lấm lem trận mạc của Đại đội tăng 9 có mặt đầy đủ trước sân của Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Đoàn Sinh Hưởng tiếp tục chỉ huy đơn vị yểm hộ cho các chiến sỹ bộ binh Trung đoàn 28 chia nhau kiểm soát  các tòa nhà còn lại, đồng thời chiếm trụ sở của Đại tướng Cao Văn Viên – Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, thu toàn bộ con dấu, kiếm và gậy chỉ huy. Giờ phút này cũng là lúc cờ Gải phóng đã tung bay trên tầng cao Dinh Độc Lập. Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn cùng toàn bộ nội các đầu hàng quân Giải phóng vô điều kiện. Chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu toàn thắng, non sông thu về một dải.

Cũng khó có thể mô tả không khí và cảm xúc của những người lính Cụ Hồ, người dân đô thành Sài Gòn trong lúc này. Chỉ biết, dường như tất cả đã vỡ òa trong niềm vui “Qua 30 năm nay mới gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào…”. Nhắc lại thời khắc này, vị trung tướng lẫy lừng trận mạc ưu tư :“ Đêm đầu tiên của ngày toàn thắng, sau cái ồn ào, hừng hực ngất trời của niềm vui, chúng tôi dành một khoảng lặng không cùng để nghĩ về những đồng chí, đồng đội thân yêu của mình đã ngã xuống trong từng trận đánh, trên những nẻo đường tiến về thành phố mang tên Bác kính yêu. Khi nhẩm lại tên những anh em đã ngã xuống trước ngày toàn thắng, nước mắt người còn sống tuôn trào không gì ngăn được. Xuân Trường, Hồng Tư ơi, giá mà các bạn còn có mặt đầy đủ trong giờ phút rất đỗi thiêng liêng này?”.

12 tháng 9 năm 1975, đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng được phong Anh hùng LLVTND lúc mới 26 tuổi, mang quân hàm thiếu úy, cùng với 6 cá nhân và 59 đơn vị.

Công Mạnh