(Baonghean) - Sau hơn hai tháng ồn ã tiếng thị phi, nỗi hàm oan của người làm nghề nuôi lươn đã chính thức được giải. Dù vậy, vẫn day dứt một điều: đến bao giờ “Lươn đồng xứ Nghệ” mới lấy lại được thương hiệu trước đây?

Liên quan đến việc một số tờ báo đăng tin bài phản ánh người nuôi lươn ở Nghệ An dùng thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi để cho lươn phòng bệnh, tăng trưởng nhanh, ngày 19/10/2015, UBND tỉnh có Công văn 7221/UBND.NN giao Sở NN&PTNT phối hợp Sở Y tế và các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh.

images1453554_a_1.gifĐặc sản cháo "Lươn đồng xứ Nghệ".

Và mới đây, ngày 12/1/2016, từ kết quả kiểm tra xác minh của các cơ quan liên quan, UBND tỉnh có Công văn số 194/UBND công bố thông tin: “Các hộ nuôi lươn thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, từ khâu chuẩn bị bể nuôi đến khâu thu hoạch theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Nguồn nước được các hộ nuôi sử dụng trong quá trình nuôi lươn là nguồn nước sạch (nước giếng), được xử lý qua bể lắng lọc trước khi đưa vào sử dụng trong quá trình nuôi lươn; Các vật tư sử dụng (thức ăn, hóa chất, thuốc, chế phẩm sinh học, men bổ sung) được sử dụng tại các hộ nuôi lươn đều nằm trong Danh mục được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; Các hộ nuôi lươn không sử dụng các loại thuốc, kháng sinh thuộc Danh mục cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản và thú y vào quá trình nuôi lươn; Các hộ gia đình nuôi lươn không sử dụng thuốc tránh thai của người vào quá trình nuôi lươn”.

Đồng thời cũng tại Công văn 194, UBND tỉnh khẳng định: “Thông tin “Vỗ béo lươn bằng thuốc tránh thai” ở Nghệ An là không có cơ sở, thông tin này làm người tiêu dùng sản phẩm lo ngại, từ đó gây thiệt hại rất lớn cho nhiều hộ nông dân làm nghề nuôi lươn và kinh doanh sản phẩm từ lươn; ảnh hưởng xấu đến thương hiệu “Lươn đồng xứ Nghệ” và niềm tin của nhân dân vào báo chí”.

Như vậy là sau hơn hai tháng ồn ã tiếng thị phi, nỗi hàm oan của người làm nghề nuôi lươn đã chính thức được giải. Dù vậy, vẫn day dứt một điều: đến bao giờ “Lươn đồng xứ Nghệ” mới lấy lại được thương hiệu trước đây?

"Lươn đồng xứ Nghệ" được chế biến tù nguồn lươn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhắc đến điều này lại nhớ chuyện bưởi Nam Bộ từng bị hàm oan khi một số cơ quan báo chí đăng tin ăn bưởi có nguy cơ bị ung thư. Dịp đó vào năm 2007. Trước những thông tin này, người nông dân Nam Bộ nước mắt chảy dài, cay đắng nhìn những trái bưởi héo dần héo mòn vì người tiêu dùng chẳng còn ai để ý; trong khi thương lái chèn ép đánh tụt giá hàng chục lần.

Sau đó, dù các chuyên gia, nhà khoa học đã vào cuộc, đưa ra những thông tin chính thống khẳng định bưởi là loại quả có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể con người, còn thông tin ăn bưởi bị ung thư là thiếu cơ sở. Và, dù các cơ quan báo chí liên quan đã phải cải chính, nhưng sự đã rồi, thiệt hại người nông dân đã phải gánh chịu. Và, mất một khoảng thời gian khá dài, người tiêu dùng mới trở lại “mặn mòi” với bưởi.

Ai cũng hiểu để tạo được thương hiệu cho một sản phẩm bất kỳ đều không chỉ trong một sớm một chiều. Đối với dòng sản phẩm chế biết từ lươn ở với sự tham gia của đông đảo người dân, việc tạo dựng được thương hiệu càng vô cùng khó khăn. Có được thương hiệu “Lươn đồng xứ Nghệ”, là cả một khoảng thời gian dài không chỉ tính theo năm. Thế nên, hậu quả từ thông tin sai lệch thật là đáng ngại. Và, kết luận “ảnh hưởng xấu đến thương hiệu “Lươn đồng xứ Nghệ” và niềm tin của nhân dân vào báo chí” của UBND tỉnh là chẳng hề sai.

Thiết nghĩ, cũng như vụ việc bưởi Nam bộ năm 2007, các cơ quan báo chí nói chung cần cộng đồng trách nhiệm rửa nỗi oan cho “Lươn đồng xứ Nghệ”. Bởi làm như vậy, mới thể hiện đúng được trách nhiệm của báo chí với xã hội; và qua đó, lấy lại niềm tin của nhân dân!

                                                                                                                                                                         Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN

.