Morta tự động di chuyển, mang đồ uống cho khách, tránh vật cản trên đường và nói một số câu đơn giản.
Con robot có tên gọi Morta cao 1,3m và nặng 20 kg, đang là nhân viên phục vụ cho một quán cafe trên phố Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Nó có thể tự động di chuyển và mang đồ uống, bánh ngọt đến số bàn được lập trình. Hệ thống sẽ phát ra tiếng nói: "Mời quý khách lấy đồ" khi tới nơi và "Mời quý khách tránh đường" khi gặp vật cản. Nhân viên chỉ cần đặt đồ lên khay, chọn bàn và không phải tác động gì trong quá trình robot hoạt động. Sau khi chuyển đồ cho khách, Morta sẽ quay về vị trí cũ. Tốc độ di chuyển của nó chậm hơn bước đi của người thường, nhưng vẫn ở mức chấp nhận được theo ý kiến của khách hàng. Tuy nhiên, nó cần được sử dụng loại cốc riêng có chiều cao vừa phải và đế phù hợp với hai vị trí lõm trên khay để tránh rung, lắc khi di chuyển.
Morta là robot được sản xuất tại Việt Nam. Theo kỹ sư Đỗ Trung Thanh, một thành viên trong nhóm sản xuất Morta, robot gồm hai phần chính là khối vận hành và khối điều khiển. Năng lượng nuôi khối vận hành là bộ ắc quy 42V tự ghép, với mạch bảo vệ riêng, đảm bảo cho thiết bị hoạt động 15 tiếng liên tục và có thể sạc đầy sau 6-8 tiếng. Phần điều khiển là một máy tính bảng Android đã được lập trình phần mềm riêng.
Morta di chuyển bằng hai bánh đa hướng và một bánh tạo cân bằng, đều là loại chuyên dùng trong thiết kế robot. Mặt sàn của quán được vẽ các đường di chuyển bằng băng dính nhôm, giúp cảm biến từ của nó nhận biết hướng đi đúng tới từng bàn. Cảm biến siêu âm có tác dụng phát hiện vật cản. Nếu bị va chạm lệch khỏi đường đi, hệ thống sẽ điều khiển robot quay về vị trí cũ.
Phần khung của Morta ban đầu được tạo ra bằng phương pháp in 3D, tuy nhiên, do không đảm bảo độ bền nên đã chuyển sang nhựa composite. Riêng phần ngoại hình, đội thiết kế đã phải tham khảo các loại robot ở nước ngoài, mô hình đồ chơi và cả nhân vật hoạt hình sau đó tự vẽ ra sản phẩm mới. Nhóm cũng phải thử nghiệm nhiều lần để xác định chiều cao hợp lý cho robot, giúp người tới quán có thể nhìn thấy phần khuôn mặt (màn hình hiển thị) cũng như với tay lấy đồ dễ dàng khi đang ngồi.
"Phần tốn thời gian nhất là tìm phương án hình thành khuôn và chỉnh sửa, vận hành thử. Với mô hình cỡ nhỏ, chúng tôi không gặp vấn đề gì nhưng khi làm thực tế phải thay đổi, nâng cấp các cảm biến, độ liên kết giữa lập trình Android và khối vận hành, cũng như khả năng hiển thị khuôn mặt với bốn biểu cảm trên màn hình", Trung Thanh cho biết.
Morta có chi phí sản xuất khoảng hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, Thanh cho biết chi phí cao cũng vì đây là sản phẩm thử nghiệm đầu tiên, các nguyên liệu đều mua lẻ. Nếu quy mô từ vài chục tới 100, một robot như thế này sẽ có giá không quá 30 triệu đồng mỗi con.
"Ở Việt Nam, rất nhiều người có thể làm ra con robot như vậy nhưng không ai đưa vào kinh doanh. Có thể do vấn đề chi phí, khả năng hoàn thiện, thiếu ý tưởng áp dụng và thiếu tự tin", một quản lý ở đây cho biết.
Với một quán cafe thông thường, một ca trực sẽ cần từ 5-6 nhân viên. Nhưng với sự góp mặt của Morta, Robo Cafe chỉ cần 2-3 người trong một ca làm việc.
Dự kiến trong thời gian tới, Thanh và Phi sẽ cải tiến thêm chức năng mới cho Morta như sử dụng kết nối Wi-Fi thay vì Bluetooth như hiện nay. Ngoài ra, có thể thêm các khớp động để robot có thể cử động tay và đầu, lập trình để thiết bị tương tác thân thiện hơn với khách hàng, thậm chí có thể giao tiếp bằng giọng nói.
Theo VNE