Robot quân sự Uran-9 của Nga là một dạng xe tăng thu nhỏ, không người lái, có thể giúp giảm thiểu tổn thất tính mạng binh sĩ trong khi chiến đấu trên mặt đất, theo trang tin Politrussia ngày 2.10.

Về kích thước, Uran-9 khá lớn, cao 2,3 m, dài 5,2 m, rộng 2,5 m. Nặng 10 tấn, có động cơ 260 mã lực, Uran-9 có thể đạt vận tốc tối đa 35 km/giờ. Cỗ máy này có thể được trang bị vũ khí một cách linh hoạt. Ngoài pháo chống tăng cỡ nòng 30 mm (có thể diệt xe tăng hạng nhẹ và xe bọc thép đối phương) và súng máy cỡ nòng 7,62 mm để tiêu diệt bộ binh địch (hai loại vũ khí này được gắn cố định), Uran-9 còn có thể được trang bị thêm tên lửa chống tăng có điều khiển Ataka với nhiều loại đầu đạn khác nhau, tùy thuộc từng nhiệm vụ - phá hủy xe tăng ở khoảng cách 8 km hoặc tiêu diệt ổ đề kháng của đối phương.

Trên Uran-9 có thể đặt súng phun lửa Shmel cực mạnh hoặc tên lửa phòng không loại nhỏ để chống lại trực thăng của đối phương. Tùy vào yêu cầu của từng sứ mệnh, các loại vũ khí nói trên được cài đặt riêng biệt hay kết hợp trên Uran-9.

Khoảng cách thu nhận tín hiệu điều khiển từ xa của loại robot này là 3 km. Tuy nhiên, do một trung tâm điều khiển có thể phụ trách tới 4 robot, vì vậy khoảng cách điều khiển có thể lên đến 12 km nếu cho chúng di chuyển theo đội hình hàng dọc. 12 km là khoảng cách an toàn khá tốt trong công tác trinh sát trên thực tế chiến trường.

uran-9-2_wspu.jpg?width=485

Uran-9 được trang bị 4 camera, quan sát được toàn cảnh 360 độ địa hình và tình hình chiến sự xung quanh.

Nếu gặp mìn chống tăng, Uran-9 sẽ an toàn tuyệt đối nếu phối hợp với robot phá mìn Uran-6 hoạt động ở đằng trước. Uran-6 có thể phá nổ tất cả các loại mìn mà bản thân nó vẫn không hề hấn gì.

Hiện nay, các công trình sư thiết kế chế tạo vẫn chưa có quyết định cuối cùng về chiều dày lớp vỏ thép bảo vệ tối ưu của Uran-9. Nếu tính đến chức năng hỗ trợ bộ binh trong chiến đấu với bộ binh đối phương, Uran-9 ít nhất phải chịu được đạn của súng phóng lựu chống tăng cầm tay (B41, đời sau của súng chống tăng B40, mạnh hơn và có tính năng không giật).

Theo tính toán, với sức mạnh hiện tại của động cơ (260 mã lực), có thể bổ sung 4-5 tấn thép để tăng bề dày lớp vỏ bọc của Uran-9 mà khả năng cơ động chỉ giảm đi không đáng kể. Nếu tăng thêm sức mạnh của động cơ thì lớp vỏ bọc còn có thể tăng cường hơn hơn nữa.

Uran-9 đang ở giai đoạn hoàn thiện cuối cùng và sau khi trải qua thử nghiệm cấp quốc gia sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt cho quân đội.

Tên lửa hành trình, hỏa lực pháo binh, xe tăng, thiết giáp… có thể hỗ trợ nhưng không thể thay thế bộ binh. Vì thế, các chuyên gia vũ khí Nga đã tập trung vào chương trình thiết kế, chế tạo các loại hình robot chiến đấu. Dĩ nhiên robot cũng không thể thay thế con người, nhưng ít nhất là giúp giảm thiểu tổn thất sinh mạng và trong trường hợp chẳng đặng đừng thì có thể thay thế mạng người.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các robot chiến đấu chính là lính tiên phong và là những chiến hữu trung thành và đắc lực của bộ binh. Với hỏa lực mạnh và khả năng khó bị tiêu diệt, Uran-9 góp phần rất lớn trong việc bảo vệ tính mạng cho bộ binh ở phía sau.

Theo TNO

TIN LIÊN QUAN