(Baonghean.vn) - Sáng nay 24/6, các thí sinh bước vào môn thi cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2012-2013. Trời có mưa rải rác, thời tiết mát mẻ tạo điều kiện thuận lợi cho các em làm bài. Hai môn Ngữ Văn và Lịch sử của ngày thi hôm qua đề ra được đánh giá là sát chương trình, bao quát được kiến thức đã học.

 

Tuy nhiên, theo em Hoàng Xuân Tiến (thí sinh dự thi vào trường THPT Đô Lương I): Đề vừa tầm đối với những bạn có học lực khá, nắm vững kiến thức; đề ra có phần phân loại trình độ học sinh. Đó cũng là nhận định chung của nhiều học sinh.




Thí sinh hội đồng thi THPT Lê Viết Thuật nghiêm túc trong môn thi Toán


Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được xác định có tính chất cạnh tranh quyết liệt, qua kỳ thi nhằm sàng lọc một cách kỹ càng đối tượng đầu vào các trường THPT. Do đó, ngoài việc tiến hành nghiêm túc công tác coi thi, chấm thi, kiên quyết xử lý học sinh vi phạm qui chế thì việc ra đề phản ánh đúng năng lực, trình độ, phân loại học lực học sinh là yêu cầu cần thiết. Cơ cấu đề ra ngoài kiến thức nền chung cho tất cả học sinh thì có một câu, hoặc một ý trong câu đó đòi hỏi các em phải có học lực khá, học chắc mới có thể đạt điểm tối đa. Ông Lê Văn Ngọ - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Kỳ tuyển sinh lớp 10 phải đạt được 4 yêu cầu: Đánh giá chất lượng giáo dục bậc THCS; sàng lọc, phân loại đối tượng học sinh để phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS; tuyển đầu vào đảm bảo chất lượng cho các trường THPT và cơ sở để các trường chuyên xét tuyển. Do đó, Sở chỉ đạo các hội đồng thi siết chặt kỷ luật; tăng cường thanh tra và thực hiện chấm thi nghiêm túc, khách quan.



 

Nộp bài thi tại Hội đồng thi trường THPT Thái Lão

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay, toàn tỉnh Nghệ An có 40.392 thí sinh đăng ký dự thi/47.398 học sinh lớp 9, như vậy, nhờ làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp nên có hơn 7.000 học sinh sau khi hoàn thành chương trình THCS đã chọn cho mình con đường đi học nghề, học trung cấp hoặc kiếm việc làm. Điều đó chứng tỏ, nhận thức của phụ huynh, học sinh về việc chọn lựa cho con em một hướng đi phù hợp, không bằng mọi cách đổ xô cho con học THPT, CĐ, ĐH. Và đó cũng là một tín hiệu vui trong phân công lao động xã hội, giảm áp lực “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay.

 

Theo kế hoạch tuyển sinh của Sở GD&ĐT thì chỉ có 38.645 em (chiếm 95,68% số thí sinh) được vào lớp 10, trong đó có 759 lớp công lập với 30.325 em (chiếm 75,08% số thí sinh); 133 lớp ngoài công lập với 5.780 em (chiếm 14,31% số thí sinh); 53 lớp bổ túc văn hoá với 2.540 em (chiếm 06,29% số thí sinh). Đồng nghĩa với việc phân định rõ ràng sự cạnh tranh vào hệ công lập và các hệ khác, và thường sau khi có kết quả, rất nhiều học sinh không trúng vào nguyện vọng của mình thường chờ năm sau thi tiếp hoặc lựa chọn cho mình một hướng đi khác phù hợp hơn.



 

Thí sinh hội đồng thi THPT Nguyễn Sỹ Sách thoải mái sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Số lượng học sinh đăng ký dự thi lớp 10 ở một số địa phương giảm, nhiều em đăng ký theo học trường nghề, đó là một tín hiệu khả quan về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong các trường học hiện nay.

Thanh Phúc