Trong cái rét thấu vào da thịt, ngay từ sáng sớm, trên những cánh đồng các xã Long Sơn, Khai Sơn… bà con vẫn tất bật xuống đồng cấy lúa vụ xuân.

Theo chị Hà Thị Dần ở thôn 11, xã Hoa Sơn chia sẻ, do gia đình ít ruộng, lại có lịch thời vụ sớm hơn các xã lân cận, nên năm nào chị cũng tranh thủ đi cấy thuê. Công việc cấy lúa khá vất vả vì cả ngày phải cúi lưng, ngâm tay chân trong bùn, đặc biệt là những ngày nhiệt độ xuống thấp, nhưng bù lại tiền công khá cao, được 200.000 đồng/ngày; sau vụ cấy chị Dần cũng có khoản tiền kha khá để lo cho gia đình.

bna_tho_cay_xuong_dong_trong_gia_ret_anh_thai_hien_12518255_1220186030386_122018.jpgNhững ngày này, thời tiết rét đậm, nhưng nhiều nông dân vẫn tranh thủ đi cấy thuê để có thêm thu nhập. Ảnh: Thái Hiền
Có đến tận ruộng mới thấy hết cảnh lam lũ, vất vả của người dân đi cấy thuê trong thời tiết giá rét này. Trên những thửa ruộng, các chị vẫn ngâm mình trong nước lạnh với đôi tay run rẩy, tím tái. Bà Lương Thị Thủy cho biết, nhiều năm nay, vụ cấy nào bà cũng tranh thủ làm ruộng của nhà cho nhanh để đi cấy thuê tại các xã trong huyện.

Tổ cấy của bà Thủy có 7 người trong thôn, thường thì các chủ ruộng đã quen nên tới mùa vụ là gọi điện, hẹn ngày đến cấy. Người nọ giới thiệu cho người kia, những ngày cao điểm tổ cấy làm không hết việc. Mùa vụ cấy thuê chỉ diễn ra trong thời gian ngắn từ 15 - 20 ngày nhưng tiền công khá cao, xong vụ cấy mỗi người kiếm một khoản tiền để lo Tết đang cận kề. 

Hiện tiền công cấy thuê được khoảng 200.000 đồng/ngày. Ảnh: Thái Hiền
Chị Nguyễn Thị Toàn ở thôn 1/5, xã Cẩm Sơn cho hay, vụ này chị trồng 5 sào lúa. Nhà neo người nên chị phải thuê 4 người cấy cho kịp thời vụ; tính ra xong vụ cũng mất khoảng gần 1 triệu đồng tiền công.

Vào mùa cấy ở Anh Sơn, có hàng trăm người đi làm nghề cấy thuê. Dù  vất vả, nhất là vào những ngày giá rét nhưng lại không phải đi đâu xa, việc cấy thuê giúp thợ cấy có thêm nguồn thu trang trải cuộc sống.