(Baonghean) - Trong một tuần trở lại đây, rét đậm rét hại tăng cường tại Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Ở tỉnh ta, tại các vùng đồng bằng, nhiệt độ ngoài trời ban ngày có lúc xuống dưới 120C. Thời tiết buốt giá đã khiến rất nhiều người phải nhập viện cấp cứu, phần đông trong số đó là người già và trẻ nhỏ. Các bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ là hô hấp, tiêu hóa, ở người già là bệnh khớp, tim và thần kinh. Lời khuyên của bác sỹ là mọi người cần giữ ấm, ăn uống đủ chất, hợp vệ sinh…
Đầu giờ ngày 18/12, khu vực sảnh Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tập trung rất đông người dân từ nhiều địa phương trong tỉnh về đây chờ khám, chữa bệnh cho con cháu của mình. Những đứa bé được cha mẹ, ông bà quấn chặt chăn mền ủ ấm. Các y, bác sỹ thì bận luôn tay. Chị Nguyễn Thị Hiền, mẹ cháu Trần Văn Hiệp, 2 tuổi rưỡi, ở Thành phố Vinh lo lắng: “Cháu sốt cao 2 ngày nay, ho hen, biếng ăn. Chắc là do bố mẹ đi làm, gửi cháu ở nhà trẻ, nhà trẻ lại trống gió quá. Vào đây mới biết nhiều trẻ bị, không biết có phải dịch sốt gì không?”
Rất đông bệnh nhân phải nhập viện điều trị ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An do thời tiết rét đậm.
Kể từ khi rét đậm xuất hiện, một tuần qua, mỗi ngày, Bệnh viện Sản Nhi phải thực hiện khám, chữa bệnh cho khoảng 650 - 700 trẻ; số bệnh nhân bệnh viện tiếp nhận là 4.978 lượt, tăng 25% so với thời điểm bình thường. Đến 9 giờ sáng, theo thống kê của khoa Khám bệnh, đã có 173 cháu đến đăng ký khám, chữa bệnh. 2/3 số cháu được khám, có biểu hiện mắc các bệnh về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, tiêu hóa cấp tính.
Ở khoa hô hấp, tình trạng quá tải bệnh nhân cũng diễn ra tương tự. Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng khoa cho biết: Khoa có 50 giường bệnh nhưng hiện có tới 65 bệnh nhân. Hiện tại không phải là cao điểm, 2 ngày trước khoa tiếp nhận tới 170 cháu cần điều trị… Để ứng phó với tình trạng bệnh nhân nhập viện tăng đột biến như hiện tại, bệnh viện đã phải chuyển một số bệnh nhân từ khoa này sang khoa khác để tránh nằm đôi, đồng thời phải thực hiện đề phòng lây nhiễm chéo. Một số cháu ở gần thì bệnh viện cho phép điều trị, chuyền dịch ngoại trú, cho đơn cấp thuốc và hẹn khám lại.
Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi khuyến cáo: “Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính và tiêu hóa cấp tính là bệnh thường gặp trong điều kiện thời tiết lạnh, cần được chữa trị kịp thời. Để phòng bệnh, người chăm sóc trẻ phải thực hiện giữ ấm cho trẻ. Nhưng tránh tình trạng mặc quá nhiều quần áo sẽ khiến các cháu vã mồ hôi nhiều, thấm trở lại gây viêm phổi. Về ăn uống, cần cho các cháu ăn chín uống sôi, ăn đủ chất tăng sức đề kháng, tránh ăn đồ lạnh, thực hiện giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, hạn chế đi lại ngoài trời giá lạnh. Bên cạnh đó, cần tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ. Ngoài ra các phụ huynh lưu ý, khi nhiệt độ dưới 100C không nên cho trẻ ra ngoài. Vào ban đêm, khi ngủ, nhiều trẻ có thói quen đạp chăn ra ngoài nên các bậc phụ huynh cần lưu ý đắp chăn ấm cho các em. Nếu gia đình có điều kiện nên sử dụng điều hòa ấm với chế độ hợp lý. Nếu trẻ bị ho, sốt cao hay các triệu chứng bệnh khác cần phải đưa đi bệnh viện để khám, chữa bệnh.
Tại khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị Nghệ An hiện đang có 128 bệnh nhân điều trị. Với số lượng bệnh nhân này, quá tải so với số giường bệnh của khoa. Thời tiết rét buốt không khiến số bệnh nhân ở khoa tăng đột biến nhưng lại gia tăng mức độ trầm trọng của bệnh. Cụ thể trong ngày 17/12, đã có 12 bệnh nhân vào khoa điều trị, trong đó có 8 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, 5 người trong tình trạng nguy kịch. Bà Nguyễn Thị Hường, con gái ông Nguyễn Văn Khang, ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn cho biết: “Sáng 17, ông dậy sớm nấu nước chè, rồi gục xuống, hôn mê đến giờ vẫn chưa tỉnh. Bệnh trạng của ông được bác sỹ cho hay là bị tai biến do thời tiết”.
Bác sỹ Nguyễn Văn Long, Phó trưởng khoa Thần kinh cho biết: Thời tiết lạnh kích thích hệ thần kinh trung ương, làm tăng co mạch, từ đó, dẫn đến dễ bị tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đau các khớp xương. Phần lớn bệnh nhân cao tuổi nhập viện đều có bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, hen phế quản… do thời tiết lạnh làm bệnh tái phát. Những bệnh nhân bị tăng huyết áp bắt buộc phải uống thuốc huyết áp hằng ngày theo chỉ định của bác sỹ. Huyết áp thường tăng cao vào lúc 4-5 giờ sáng, vì vậy, người già không nên dậy quá sớm, không thay đổi tư thế đột ngột, tránh gió lùa. Đặc biệt, không nên tắm và gội cùng lúc. Trong những ngày trời rét đậm, nếu người cao tuổi có triệu chứng như tê bì chân tay, nói ngọng, yếu, cần phải được gia đình đưa đi khám ngay để tránh bệnh diễn biến nặng, dẫn tới tai biến mạch máu não…
Thành Chung