Gia đình chị Trần Thị Hà ở thôn Minh Sơn, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) trồng hơn 200 gốc đào. Còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hiện vườn đào của gia đình chị phát triển tốt, dự kiến hoa sẽ bung nở đúng dịp Tết tới.
Chị Hà cho biết, năm nay người trồng đào ở xã Tiến Thủy đang có niềm tin sẽ được mùa bởi vườn đào nhà ai cũng mới rụng hết lá cách đây khoảng 10 ngày. Trong những ngày qua, trời rét đậm đang ủng hộ việc đào sẽ nở đúng dịp Tết, nếu thời tiết này kéo dài đến gần dịp Tết thì vụ đào năm nay bà con chắc thắng.
Bén duyên với cây đào truyền thống đã hàng chục năm nay, ông Nguyễn Văn Bình ở xã Tiến Thủy phấn khởi cho biết, năm ngoái, thời tiết nắng ấm vào những ngày cuối năm khiến vườn đào của gia đình ông nở bung trước Tết khiến nguồn thu nhập giảm đáng kể. Với hơn 100 gốc đào, thời điểm này vườn đào của ông chỉ vừa mới tuốt lá xong, ông đang tích cực chăm sóc, cắt tỉa cành để tạo dáng cho cây đào được đẹp hơn trước khi bán.
“Nếu thời tiết rét đậm kéo dài từ trong khoảng 10 ngày tới thì vụ đào năm nay bà con sẽ được mùa. Trời rét khiến việc ra hoa cũng bị chậm đi, với kinh nghiệm của bản thân thì khoảng đến ngày 20 – 23 Tết, đối với những gốc đào đã hé nụ thì để nở tự nhiên, còn lại những gốc nở muộn thì gia đình sẽ kích thích ra nụ bằng cách truyền thống như tưới nước ấm, hoặc có thể phun thuốc. Trồng hoa đào, bà con chỉ sợ trời nắng ấm, còn trời rét thì có thể kích nở nhiều cách dễ dàng”, ông Bình chia sẻ.
Không riêng xã Tiến Thủy, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu hiện có rất nhiều xã trồng hoa đào như Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng, Tân Thắng... Từ năm 2015 trở lại đây, các hộ dân miền núi đã phát huy lợi thế để đưa cây đào Tết vào trồng nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình. Từ đó đến nay, nhiều gia đình đã đầu tư và học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi về chăm sóc, đưa cây đào thành cây hàng hóa.