Những nhân tố tích cực
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình gia trại với khuôn viên rộng rãi, bờ bao kiên cố hóa bằng bê tông, khu chuồng trại, vườn cây có hệ thống bơm nước rất thuận tiện, ông Tống Văn Chiến ở làng Bãi Sở, xã Tam Quang cho biết: Trước đây gia đình thuộc diện cận nghèo. Khi có chương trình hỗ trợ giảm nghèo, vào khoảng giữa năm 2011 ông được xã cho vay 3 con lợn rừng giống. Sau khi hoàn trả 3 con giống cho xã, rồi nhiều lần xuất chuồng với hàng chục con, hiện tại đàn lợn của ông có gần 20 con. Từ thành công bước đầu, tháng 6/2012, ông Chiến nuôi thêm dê, bò, hiện nay ông có gần 10 con dê, 5 con bò. Cùng với đó, tận dụng chất thải chăn nuôi, ông cải tạo diện tích đất vườn, ruộng nghèo để sản xuất rau, dưa, đào ao thả cá.
47426370_3042020.png

Đến năm 2014, ông Chiến ra tận tỉnh Vĩnh Phúc học hỏi kinh nghiệm và đưa giống thanh long ruột đỏ về trồng. Đến nay, gia đình ông đã có 700 trụ thanh long trên diện tích 5.000 m², là mô hình đầu tiên ở huyện Tương Dương. Hiện nay, mỗi kg thanh long ruột đỏ bán có giá 25.000 - 30.000 đồng, tính ra mỗi năm gia đình ông Chiến thu về trên 100 triệu đồng; chưa kể các khoản thu từ lợn, dê, bò... Từ đó, gia đình ông có tiền trang trải cho 3 đứa con học đại học, cao đẳng đã ra trường đi làm; có điều kiện sửa sang nhà cửa, mua sắm tiện nghi. Đáng nói, không chỉ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, ông Chiến đã hướng dẫn, nhân rộng thêm 30 mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho bà con trong và ngoài xã. 

Bên cạnh điển hình cá nhân, nhiều tập thể ở Tương Dương cũng phấn đấu thi đua đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, trong số đó có HTX bản Huồi Cọ (xã Nhôn Mai). Năm 2017, bản được huyện lựa chọn để thí điểm trồng chanh leo, và đã thành công ngoài mong đợi; tham gia mô hình có 26 hộ, với diện tích 16 ha. Hộ trồng nhiều đến 1.000 gốc, hộ trồng ít là 500 gốc. Các hộ dân tham gia mô hình cùng nhau vượt núi tìm khe dẫn nước về. Trên đỉnh núi Huồi Cọ, trước đây có 2 cái ao nhỏ của người dân đào nuôi cá, được bà con cải tạo thêm thành “hồ treo” trên núi. Nhờ vậy, các vườn chanh leo trên đất dốc vừa được chăm tưới, gốc cây lại không bị úng nước đúng như cán bộ kỹ thuật yêu cầu. Vụ đầu tiên đã cho sản lượng trên 40 tấn chanh leo, với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg. 

Theo ông Và Gà Sua - Giám đốc HTX bản Huồi Cọ, cũng là Bí thư Chi bộ bản Huồi Cọ: Cây chanh leo đã thực sự làm thay đổi cuộc sống của người dân ở đây; diện tích trồng không ngừng được mở rộng và hiện là 65,52 ha. Chưa kể người dân còn phát triển chăn nuôi với tổng đàn gia súc 634 con, trồng thêm nhiều diện tích dưa, gừng, khoai sọ... Từ đó mang lại thu nhập bình quân đầu người trên 20 triệu đồng/năm. Bản hiện có 53 hộ, 322 nhân khẩu, thì tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 16,9% (năm 2017 chỉ số này là trên 80%).

Nhân rộng điển hình, tạo sức lan tỏa

5 năm qua, các tầng lớp nhân dân huyện Tương Dương đã hưởng ứng sôi nổi phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực. Riêng trong lĩnh vực kinh tế có bước tăng trưởng cao: Tổng giá trị sản xuất ước đạt 5.883.354 triệu đồng, đạt 100% KH tỉnh giao; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 9,1%. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông - lâm - thủy sản ước giảm từ 40,4% năm 2015 xuống 35,8% năm 2020 (MTĐH 31%); công nghiệp - xây dựng ước tăng từ 19,9% năm 2015 lên 23,7% năm 2020 (MTĐH 14,7%); dịch vụ ước tăng từ 39,7% lên 40,6% năm 2020 (MTĐH 41%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 30,5 triệu đồng. 

Đạt được những kết quả trên, trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã phát động trong toàn huyện được nhiều phong trào thi đua với hình thức đa dạng, nội dung phong phú, sát thực. Kịp thời phát hiện, chú trọng hơn đến công tác xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Bên cạnh đó, công tác khen thưởng tiếp tục được các cấp, ngành và địa phương quan tâm thực hiện chặt chẽ hơn, đảm bảo công bằng, dân chủ, chính xác.

Trao đổi của ông Phan Đức Sơn - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Ý nghĩa lớn nhất của phong trào thi đua yêu nước mang lại đối với huyện Tương Dương chính là đã tạo sự chuyển biến lớn về nhận thức, sự đồng thuận của nhân dân để làm thay đổi diện mạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Thế nên, việc nhân rộng điển hình, tạo sức lan tỏa của phong trào ngày một sâu rộng, liên tục là cần thiết.

Đó, chính là sức mạnh để góp phần đạt được mục tiêu tổng quát mà huyện đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025, đó là phát huy nội lực, duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất hàng năm ổn định. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông - lâm - thủy sản. Tập trung xây dựng NTM, chăm lo sự nghiệp văn hóa, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.