(Baonghean.vn) - Bà con xã Nghi Ân, TP Vinh (Nghệ An) với truyền thống và lòng tự tôn luôn sản xuất và cung cấp cho thị trường những sản phẩm rau sạch nổi tiếng, như: rau cải xút, rau cải kẹp, bầu bí, rau lang, bắp cải, ớt...
Thừa hưởng những cánh đồng đất cát cát pha thịt nhẹ, xa các bãi rác, các điểm ô nhiễm môi trường, cuộc sống của người dân Nghi Ân (thành phố Vinh) chủ yếu sống dựa vào nghề trồng rau và cây cảnh. Nghi Ân hiện có 2 xóm chuyên nghề sản xuất rau sạch nổi tiềng là làng Kim Bình và Kim Trung.
Mùa nào thức ấy, người dân thành phố Vinh đã quen với các sản phẩm rau sạch của Nghi Ân như: xa lách, bầu bí, rau lang, cải ( mùa xuân) cải kẹp, cải dưa,cải xút (mùa hè)... Người dân nơi đây chuyên trồng rau theo truyền thống, dùng phân chuồng và các loại phân hữu cơ do trạm bảo vệ thực vật thành phố Vinh hướng dẫn.
Một trong những sản phẩm rau sạch của xóm Kim Trung và Kim Bình là rau cải. Giống cải củ địa phương được giữ gìn và nhân hàng năm, gieo khoảng 10-12 ngày là thu hoạch bán làm cải xút ( ăn sống). Sau đó để lại một ít làm cải kẹp, cải canh rồi cải dưa, cuối cùng là cải củ, để giống.
Người dân trồng cải xút ăn sống, gieo hạt rồi phủ rơm lên, thân cải mập và có mùi vị đặc trưng của giống địa phương, khác hẳn với cải xút giống phía bắc nên được thị trường thành phố cực kỳ ưa chuộng. Giá bán tai vườn là 15-20 ngàn đồng/ kg.
Cải kẹp một bó 3.000 đồng, một sào trong một tháng cũng cho lãi 10 triệu đồng gấp 4-5 lần trồng lúa. Cứ vậy một sào rau thu hoạch thành 3 lứa, mà sản phẩm nào cũng hấp dẫn và bán chạy. Nhìn vào bó cải kẹp, cải dưa của người dân Nghi Ân rất dễ nhận ra đó là bó cải hơn cằn. Người dân tuyệt đối không phun thuốc bảo vệ thực vật nên cải mới như vậy. Gia đình chị Phạm Thị Phương xóm 8 Nghi Ân trồng 4 sào rau luân canh, một vụ thu nhập trên 40 triệu đồng. Còn gia đình anh Phạm Văn Trường, nhà có 1 sào mướp ra quả trong 2 tháng liền thu lãi 13 triệu đồng/ vụ.
Chị Lương Thị Nhung ở Quang Trung , TP Vinh thi thoảng lại ghé chợ Nghi Ân mua rau về nhà ăn dần và để biểu bạn bè, họ hàng.
Còn đối với người dân Nghi Ân, cây nhà lá vườn là mồ hôi công sức của mình làm ra, lại thanh cao và an toàn cho sức khỏe, vì thế càng ra sức giữ gìn cách sản xuất sạch. Đó là cách xây dựng thương hiệu và đem lại thu nhập cho gia đình. Cứ thề nghề trồng rai được "cha truyền con nối".
Toàn xã Nghi Ân có khoảng 30 ha đất sản xuất rau, thu nhập mang về cho người dân trồng rau khoảng 200 - 250 triệu đồng/ ha/ năm.
Bà con Nghi Ân mong rằng sản phẩm sạch của bà con được thành phố, doanh nghiệp quan tâm, đồng hành trong tiêu thụ.
Trân Châu