Rau hữu cơ hiện được đánh giá là sản phẩm an toàn tuyệt đối cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Thời gian gần đây, cụm từ “rau hữu cơ” ngày càng trở nên thân quen với nhiều người tiêu dùng Hà Nội. Mặc dù giá rau hữu cơ đắt gấp 3-4 lần giá rau bán ngoài thị trường hoặc trong siêu thị nhưng vẫn hút người mua bởi chất lượng và độ an toàn cao của loại rau này.

images1554691_nhu_cau_su_dung_rau_huu_cvov_o_ngay_cang_tang_dica.jpgNhu cầu sử dụng rau hữu cơ ngày càng tăng.

Khoảng vài tháng trở lại đây, chị Đoàn Thanh Loan ở phường Trung Hòa, Cầu Giấy thường xuyên tới các cửa hàng uy tín cung cấp các loại rau, củ, quả hữu cơ. Nhận thấy nguy cơ thực phẩm bẩn tràn lan thị trường, khó kiểm soát chất lượng sản phẩm nên chị rất lo lắng cho sức khỏe những người thân cho gia đình. Qua tìm hiểu, biết được những loại rau, củ có nguồn gốc hữu cơ, (là những loại rau được chăm sóc bằng phân hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng các loại phân bón hóa học) tốt cho sức khỏe và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên chuyển qua mua các loại thực phẩm này. Giá rau đắt hơn 3-4 lần giá rau bán ngoài thị trường.

Chị Đoàn Thanh Loan nói: “Mỗi ngày, gia đình tôi mua trung bình hết 30-40 nghìn tiền rau, củ. Tiền rau khoảng 20 nghìn, mua thêm dưa chuột, cà chua, khoai tây…cũng phải 40-50 nghìn. So với rau bán ngoài thì cảm giác an toàn nên vẫn chọn mua cho gia đình. Tôi vẫn lựa chọn cả rau an toàn và rau hữu cơ nhưng nếu có điều kiện kinh tế thì tôi sẽ dùng rau hữu cơ bởi vì rau hữu cơ được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ, không dùng phân bón hóa học thì sẽ đảm bảo hơn cho sức khỏe”.

Không chỉ chị Loan mà hầu hết người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm rau hữu cơ đều cho rằng, những sản phẩm này an toàn, chất lượng thơm ngon hơn các loại rau bán ngoài chợ, siêu thị.

Qua khảo sát tại các cửa hàng bán rau hữu cơ, giá được niêm yết đắt hơn ngoài thị trường gấp nhiều lần. Cụ thể, rau cải ngọt, bắp cải, mồng tơi, rau muống đều có mức giá 32.000 đồng/kg, khoai sọ: 70.000 đồng/kg, thịt lợn đen 175.000 đồng/kg, dưa lưới vàng 66.000 đồng/kg, mãng cầu xiêm 64.000 đồng/kg, dâu tây Đà Lạt 240.000 đồng/kg…

Rau hữu cơ hiện được đánh giá là sản phẩm an toàn tuyệt đối cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Hầu hết các quận của Hà Nội đều có cửa hàng bán loại rau này, đồng thời nhận đưa hàng tới tận nhà nếu khách hàng có nhu cầu đặt mua qua mạng hoặc qua điện thoại. Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi cửa hàng rau hữu cơ Bác Tôm cho biết, trồng rau hữu cơ cần có giấy chứng nhận tiêu chuẩn PGS (sau 6 tháng trồng rau mới được công nhận là sản phẩm rau hữu cơ). Giá rau đắt do nhiều yếu tố như năng suất thấp, thời gian từ khi gieo trồng đến thu hoạch kéo dài hơn nhiều so với rau sử dụng phân bón hóa học...:

Ông Chiến nói: “Rau hữu cơ đắt bởi nó hoàn toàn không được sử dụng chất hóa học nào, kể cả phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, vật liệu biến đổi gen, thuốc diệt cỏ và các chất kích thích tăng trưởng. Nguyên tắc của trồng rau hữu cơ là sử dụng các biện pháp sinh học, canh tác không sử dụng phân bón hóa học mà chỉ sử dụng phân hữu cơ, khoai mục đúng quy trình để đảm bảo có các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây rau, không có tồn dư về hóa học trong sản phẩm, rất an toàn cho sức khỏe”.

Quy trình trồng rau hữu cơ được kiểm soát nghiêm ngặt ở xã Thanh Xuân, Sóc Sơn.

Trước nhu cầu lớn về rau sạch của thị trường, vài năm trở lại đây, nhiều vùng trồng rau của Hà Nội đã chuyển đổi sang trồng rau hữu cơ. Xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn là một trong những vùng rau hữu cơ đầu tiên của Hà Nội. Hiện, diện tích sản xuất rau hữu cơ của xã mở rộng lên 24 hecta, cung cấp cho thị trường 30 đến 35 tấn rau củ mỗi ngày. Thời gian tới, xã dự định tăng thêm 10 hecta sản xuất. Với đặc trưng của khí hậu miền Bắc 4 mùa rõ rệt, “mùa nào thức đó” , xã Thanh Xuân có thể cung cấp đa dạng hơn 40 loại rau, củ khác nhau. Mô hình đã góp phần bảo đảm thu nhập ổn định cho người trồng rau. Bên cạnh đó, việc trồng rau hữu cơ giúp cải thiện môi trường đất, nước, môi trường làm việc của chính người nông dân.

Ông Lê Minh Quyền, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Thanh Xuân cho biết, rau hữu cơ Sóc Sơn đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể và đang ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường. Quy trình trồng rau được giám sát nghiêm ngặt, thường xuyên có 70 thanh tra viên kiểm tra đột xuất các hộ trồng rau. Những nông dân làm sai quy định sẽ không được cấp chứng nhận rau hữu cơ:

“Trong mô hình sản xuất rau hữu cơ của chúng tôi, bà con nông dân còn thiếu nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất. Để đảm bảo cho cây trồng phát triển tốt cũng như đưa công nghiệp hóa vào sản xuất vào để tăng năng suất diện tích rau này thì bà con rất cần nguồn vốn từ các dự án, từ các cấp để đầu tư cho nhà lưới, nhà kính hoặc máy làm đất đa năng để người nông dân giải phóng một phần nào lao động bằng chân tay”, ông Quyền cho biết

Theo kế hoạch năm nay, thành phố Hà Nội sẽ mở rộng diện tích trồng rau hữu cơ lên 50 hecta. Tuy nhiên, sản phẩm rau hữu cơ có chất lượng, mức đầu tư lớn nhưng đầu ra chưa ổn định,còn qua nhiều khâu phân phối trung gian. Trong khi đó, một bộ phận người dân chưa biết đến sản phẩm rau hữu cơ, còn lo ngại trà trộn rau đại trà tại cửa hàng rau sạch. Rõ ràng, mô hình trồng rau hữu cơ được nhân rộng thì ngày càng nhiều người dân được sử dụng các sản phẩm an toàn, đảm bảo tốt sức khỏe. /.

Theo VOV