(Baonghean) - Việc xây dựng Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện đang ở giai đoạn nước rút. Bởi lẽ, chỉ còn khoảng hai năm nữa, cụ thể là sau 2015 là thời điểm ngành Giáo dục phải đổi mới toàn diện chương trình, sách giáo khoa phổ thông theo Nghị quyết của Quốc hội năm 2000. Và càng về chặng cuối, càng có nhiều ý kiến đóng góp, bàn luận và cả phản biện.

Mới đây nhất, trên các diễn đàn đã xuất hiện các ý kiến tranh luận là thời lượng giáo dục phổ thông nên ở mức độ nào, 10 năm, 11 năm hay 12 năm? Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, hệ thống giáo dục của chúng ta nên là 10,11 năm, luồng ý kiến thứ hai là 12 năm. Về ý kiến 10, 11 năm, thì có ưu điểm là cắt giảm thời gian học từ một đến hai năm  học, đồng nghĩa với việc đầu tư của Nhà nước và của các bậc phụ huynh sẽ giảm. Như vậy, sẽ giảm được một phần gánh nặng cho vấn đề giáo dục.

Thứ hai, nếu cắt thời gian học phổ thông sẽ tạo điều kiện cho học sinh vào học đại học sớm hơn. Phương án này có thể thực hiện được nếu chương trình học đủ sức giúp học sinh có đủ kiến thức cơ bản. Còn luồng ý kiến giữ nguyên 12 năm như hiện nay thì cho rằng, phải có ngần ấy thời gian mới đủ để giúp học sinh có được tri thức cần thiết, tiệm cận với giáo dục ở bậc cao đẳng, đại học. Hai năm cuối ở bậc giáo dục phổ thông thì bên cạnh bổ sung thêm các kiến thức cơ bản cho học sinh, cần phải thực hiện thêm vấn đề hướng nghiệp cho học sinh, trên cơ sở đó học sinh có thể biết được năng lực của mình như thế nào để phân luồng vào học nghề, học trung cấp chuyên nghiệp hoặc học cao đẳng, đại học. Tóm lại, luồng ý kiến nào cũng có những điểm hợp lý.

Có luồng ý kiến khác mang tầm vóc vĩ mô là cho rằng cần xây dựng được một triết lý giáo dục rõ ràng. Vì đến hôm nay, chúng ta vẫn chưa có được một triết lý giáo dục phù hợp, lấy đó làm kim chỉ nam để thực hiện về lâu về dài. Nghe cũng có vẻ thuyết phục. Nhưng soi rọi vào tình hình giáo dục ở bậc phổ thông và cả ở cấp bậc cao đẳng, đại học hiện nay, có thể khẳng định rằng: cách giáo dục hiện nay của chúng ta nặng tính rập khuôn, máy móc, không kích thích được tư duy sáng tạo, phát triển của người học. Sở dĩ nói như vậy là vì, ngay từ cấp bậc tiểu học, trẻ em của chúng ta đã buộc phải làm quen và tuân thủ cách giáo dục rập khuôn và hết sức máy móc. Cụ thể là các em phải học thuộc các bài văn mẫu, toán mẫu do giáo viên đưa ra mà không được có thêm bất cứ một sự sáng tạo nào. Giở vở ra,  đọc các bài làm văn của các em sẽ thấy rất rõ sự rập khuôn, máy móc đó. Như khi nói về một bác sĩ, kết thúc bài viết, các em đều viết: "Em mơ ước sau này lớn lên em là bác sĩ". Khi miêu tả về cô công nhân, câu kết thúc bài viết của các em cũng vẫn là "Em mơ ước sau này trở thành cô công nhân quét rác". Thậm chí, khi tả bà ngoại, kết thúc cũng vẫn là: “Em mơ ước sau này trở thành bà ngoại”...

Tóm lại, qua ba, bốn bài văn thì thấy khi miêu tả bất cứ một nghề nghiệp nào các em đều có câu kết luận y chang nhau theo kiểu vậy. Bởi vì, theo lời các em thì “cô giáo bảo phải làm như thế. Cứ học thuộc lòng, gặp đề nào thì cứ thế mà làm”. Từ bé, các em học sinh đã phải tiếp cận với lối học hành như thế thì khi lớn lên, tư duy của các em rất khó thoát ra khỏi cái “vòng kim cô” đó.

Do vậy, giáo dục kéo dài 10, 11 năm hay 12 năm; xây dựng triết lý giáo dục như thế nào là những vấn đề rất cần được bàn luận thấu đáo. Nhưng quan trọng hơn cả là phải xác định ngay từ đầu là lựa chọn hướng giáo dục rập khuôn, máy móc hay theo chiều hướng sáng tạo để định hướng việc xây dựng sách giáo khoa và định hình phong cách giảng dạy của giáo viên. Thực tiễn hiện nay cho thấy, những nước phát triển đứng ở hàng đầu thế giới đều là những nước có nền giáo dục kích thích cao độ óc tưởng tượng và trí sáng tạo của người học.

Vậy nền giáo dục của chúng ta nên đi theo hướng rập khuôn, máy móc hay sáng tạo?

Duy Hương