Sự việc xảy ra hôm 27/5 khi anh Milo Sutcliffe, sống ở Corpus Christi, bang Texas, và vợ Jennifer nhìn thấy một con rắn dài khoảng 1,2 m trong lúc đang làm vườn ở sân sau.
Anh Milo lúc này lấy ngay chiếc thuổng chặt đứt đầu con rắn. Tuy nhiên, khi Milo cúi xuống để nhặt xác con rắn thì chiếc đầu đã bị đứt lìa của nó lập tức cắn vào tay anh, khiến nọc độc bị truyền vào cơ thể.
Chị Jennifer lập tức gọi xe cứu thương để đưa chồng đến bệnh viện. Trên đường đi, do tình hình sức khỏe của anh Milo chuyển biến nặng nên bộ phận y tế phải gọi trực thăng tới để đưa nạn nhân đi. Vết cắn khiến anh Milo lên cơn co giật, mất thị lực và chảy máu trong, theo The Sun.
"Con rắn đã truyền toàn bộ nọc độc vào người anh ấy. Một người bình thường sẽ chỉ phải dùng khoảng hai đến bốn liều huyết thanh chống nọc độc, còn chồng tôi thì cần tới 26 liều", Jennifer nói với ABC News.
Anh Milo hiện phục hồi trong bệnh viện, tuy nhiên các bác sĩ cho biết chức năng thận của anh vẫn đang yếu.
James Murphy, giám đốc Trung tâm Phát hiện bò sát thuộc vườn thú quốc gia Smithsonian ở Washington DC, cho hay loài rắn vẫn có thể cử động khoảng một giờ sau khi chết.
"Lúc con rắn bị cụt đầu, nó đã chết và các chức năng cơ bản trong cơ thể nó đã ngừng hoạt động, tuy nhiên nó vẫn còn phản xạ. Nói cách khác, loài rắn vẫn có khả năng cắn và truyền nọc độc kể cả sau khi đầu nó đã bị chặt lìa", ông Murphy nói.
Leslie Boyer, giám đốc học viện VIPER thuộc ĐH Arizona, cho hay việc nhặt phần đầu bị đứt lìa của con rắn là "một sai lầm kinh điển".
"Chúng ta không biết rằng loài bò sát và loài vật có vú khác nhau rất nhiều. Phần đầu rắn dù đã bị chặt đứt và tuyến nọc độc của nó vẫn có thể tiếp tục hoạt động trong một thời gian dài sau đó", ông Boyer khẳng định.Bé 3 tuổi tử vong sau khi bú sữa mẹ nhiễm độc do rắn cắn