(Baonghean) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có chuyến công du đến 2 nước châu Phi Zimbabwe và Nam Phi. Đây là lần thứ 2 ông Tập Cận Bình đến khu vực giàu tài nguyên này kể từ khi nhậm chức năm 2012. 60 tỷ USD cam kết hỗ trợ và một thỏa thuận về việc xây dựng căn cứ hải quân đầu tiên của Trung Quốc tại khu vực này cho thấy những tham vọng của Bắc Kinh tại châu Phi đang ngày càng mở rộng.

Kinh tế vẫn là trọng tâm

Từ năm 2009, Trung Quốc luôn là đối tác đầu tư số một của châu Phi, đồng thời cũng là nước nhập khẩu nhiên liệu lớn nhất. 

Trung Quốc đã tăng gấp đôi kim ngạch thương mại hằng năm với châu Phi trong vòng 4 năm qua lên 222 tỷ USD, gấp 3 lần mức 73 tỷ USD của Mỹ. Theo số liệu dự tính, nguồn đầu tư khổng lồ của Trung Quốc tại châu Phi sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2025. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ở giữa bên trái) xem màn biểu diễn của các vũ công truyền thống và nắm tay Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe (ở giữa bên phải) khi đến Zimbabwe hôm 1/12. Ảnh: AFP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ở giữa bên trái) xem màn biểu diễn của các vũ công truyền thống và nắm tay Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe (ở giữa bên phải) khi đến Zimbabwe hôm 1/12. Ảnh: AFP

Với Zimbabwe, hiện Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất và bạn hàng thương mại lớn thứ 4 với kim ngạch buôn bán song phương đạt gần 700 triệu USD trong năm 2014. Tiếp đà này, lãnh đạo hai nước trong chuyến thăm vừa qua đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực quan trọng như sản xuất nông nghiệp, năng lượng, khai khoáng, tài chính, giáo dục, văn hóa, du lịch... 

Còn Nam Phi là một trong những đối tác quan trọng nhất hiện nay của Trung Quốc, đặc biệt trong khuôn khổ nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, cũng là cửa ngõ vào châu Phi của Bắc Kinh. 

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) vừa mới diễn ra tại Nam Phi. Kết quả nổi bật nhất là Trung Quốc cam kết hỗ trợ 60 tỷ USD cho các quốc châu Phi phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề xuất nâng quan hệ Đối tác chiến lược Trung Quốc - châu Phi lên thành Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. 

Ông Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẽ triển khai 10 chương trình lớn nhằm tăng cường hợp tác với châu Phi trong 3 năm tới trên nhiều lĩnh vực như: công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, tăng trưởng xanh, dịch vụ tài chính, thương mại - đầu tư, giảm nghèo và an sinh xã hội, y tế… Như vậy, Trung Quốc duy trì cách tiếp cận châu Phi thông qua đầu tư trực tiếp và viện trợ những khoản tài chính khổng lồ; đặc biệt là không có bất kỳ điều kiện chính trị ràng buộc nào. 

Với một bên rất cần nguồn tiền để đầu tư phát triển như châu Phi, và một bên là nền kinh tế phát triển nóng cần nguồn nguyên, nhiên liệu khổng lồ như Trung Quốc, ngân sách chính là gạch nối hiệu quả nhất để gắn kết giữa hai bên. Dù vậy, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang có nhiều dấu hiệu giảm tốc, “tiền” sẽ khó có thể là vũ khí lâu dài của Bắc Kinh tại khu vực này.

Vũ khí mới của Trung Quốc?

Khi biện pháp tài chính giảm nhiệt thì Trung Quốc có dấu hiệu chuyển hướng mở rộng sang các lĩnh vực khác như chống khủng bố, đảm bảo an ninh để vừa trấn an các đối tác châu Phi, vừa giữ vững ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực. Bởi châu Phi vốn là nơi tồn tại nhiều tay súng Hồi giáo cực đoan như Boko Haram hay al-Shabab ở Nigeria, Somalia, Kenya. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Hợp tác châu Phi - Trung Quốc tại Johannesburg, Nam Phi ngày 4/12/2015. Ảnh: AFP

Về lâu dài, tham gia chống khủng bố ở châu Phi cũng là một cách để Trung Quốc phòng vệ cho mình. Có thể viện dẫn động thái triển khai 700 binh sĩ gìn giữ hòa bình đến Nam Sudan vào đầu năm nay như là minh chứng cho giải pháp tiếp cận mới của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Djibouti Mahamoud Ali Youssouf vừa qua thông báo nước này và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận xây dựng căn cứ hải quân đầu tiên của Bắc Kinh tại Djibouti cũng như toàn châu Phi trong vòng 10 năm tới. Dù không lớn nhưng Djibouti lại giữ vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng, khi eo biển Bab al-Mandeb đi qua nước này là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới. 

Khi hoàn thiện, căn cứ này sẽ giúp Bắc Kinh giảm chi phí trong việc duy trì hoạt động tàu thuyền ra vào các cảng biển ở Djibouti để tiến hành các hoạt động tuần tra hải quân. Căn cứ này cũng có thể hoạt động như một trung tâm hậu cần vận chuyển, hỗ trợ và duy trì hoạt động của lực lượng quân đội và cho phép cải thiện khả năng thu thập tình báo. 

Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Djibouti đang gặp khúc mắc, đầu tư mạnh vào địa bàn chiến lược này có thể là một nước cờ khôn ngoan. 

Trước việc Trung Quốc ngày càng củng cố vị trí đối tác hàng đầu của khu vực châu Phi, các quốc gia khác như Mỹ, châu Âu hay Ấn Độ, Nhật Bản sẽ không dễ gì để Bắc Kinh “qua mặt”. Dự báo sẽ nổ ra một cuộc chạy đua mạnh mẽ đến châu Phi trong thời gian ngắn tới đây.

Khang Duy

TIN LIÊN QUAN