(Baonghean.vn) - Trước phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiều cử tri gửi gắm trăn trở, nguyện vọng quanh vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Cử tri Nguyễn Xuân Phượng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp kinh tế - công nghiệp, thủ công nghiệp Nghệ An: “Thiếu cơ chế thu hút giảng viên giỏi”.
Những năm gần đây, số lượng và chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực trạng vẫn còn một số hạn chế, có những trường hợp tay nghề giỏi nhưng chỉ đứng lớp được một thời gian ngắn rồi bỏ ra ngoài làm vì mức thu nhập cao hơn, tức chúng ta đang rất thiếu cơ chế để thu hút người tài về làm giảng viên cho các trường nghề.
Bất cập khác cần khắc phục là về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy. Các trường nghề phải có cơ sở vật chất ít nhất bằng các doanh nghiệp bên ngoài đang làm, hoặc phải hiện đại hơn. Nhưng thực tế hiện nay cơ sở vật chất, máy móc trong các trường nghề còn lạc hậu hơn nhiều so với môi trường doanh nghiệp, do đó lao động học nghề ra trường phải cập nhật, bồi dưỡng thêm, khó đáp ứng chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cần xác định nghề trọng điểm của từng địa phương, từ đó ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất để đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trên địa bàn.
Cử tri Vũ Đức Luyện - Giám đốc Trung tâm dạy nghề Nghĩa Đàn: “Cần phân bổ ngân sách đào tạo nghề cho các huyện nhiều hơn”.
Nhu cầu đào tạo nghề tại Nghĩa Đàn trong những năm qua rất lớn, chủ yếu là các nghề nông nghiệp như chăn nuôi, trồng cây ăn quả,… Tuy nhiên, sản phẩm làm ra sau đào tạo tương đối khó tiêu thụ trên địa bàn do nhu cầu thị trường thấp. Vì thế, học nghề xong bà con chỉ mới dừng ở những mô hình vừa phải, chưa dám tổ chức sản xuất quy mô lớn vì còn phân vân đầu ra chưa đảm bảo. Do đó, tôi đề nghị các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện giải quyết vấn đề đầu ra cho người dân. Ngoài ra, đề nghị tỉnh phân bổ ngân sách đào tạo nghề cho các huyện nhiều hơn, nhất là các huyện miền núi như Nghĩa Đàn, bởi mức hiện nay còn quá ít, không đủ đáp ứng nhu cầu lớn về học nghề và hành nghề của nhân dân.
Cử tri Dương Xuân Phúc - Phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An: “Nhiều người lao độngchưa đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng”.
6 tháng đầu năm 2017, trung tâm tuyển dụng được 1.045 lao động. Tỷ lệ lao động được tuyển dụng đạt 24%, chủ yếu từ sàn giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Trong khi đó, số lao động được tuyển qua sàn giao dịch việc làm cố định còn một số hạn chế, nguyên nhân chủ yếu do công tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, kinh phí cấp cho tuyên truyền thấp.
Không những thế, sự mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn cao, nhiều người lao động, học sinh, sinh viên mới ra trường chưa đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Tình trạng “nhảy việc” ở người lao động còn nhiều, dẫn đến tình trạng chủ sử dụng lao động e dè với người lao động ở Nghệ An.
Cử tri Nguyễn Sỹ Chương - Chủ tịch Hội Nông dân Yên Thành: “Hợp tác xã là cầu nối cho nông dân sau đào tạo nghề và bao tiêu sản phẩm”.
Thiết nghĩ chính quyền các cấp cần rà soát nhu cầu lao động nông thôn để có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Để thực hiện có hiệu quả hơn cần có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay cần phát huy vai trò của các hợp tác xã, đây được xem như là “bà đỡ”, cầu nối cho các hộ nông dân sau đào tạo nghề và bao tiêu sản phẩm từ nghề. Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng, chính quyền phải có những chuyên đề cụ thể, xem trong công tác đào tạo nghề nhằm vừa giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, vừa tạo nguồn nhân lực lao động cho công ty, doang nghiệp, nhà máy. Đặc biệt, các đơn vị đào tạo nghề phải có năng lực thực sự, thực tế hiện nay có một số giảng viên chưa kinh qua thực tiễn, do đó việc truyền đạt nghề còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả không cao.
Cử tri Lê Tiến Sáu - Lao động phổ thông, thị xã Hoàng Mai: “Chú trọng đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng cho lao động trẻ”.
Lao động làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề ngoại ngữ, kỹ năng làm việc, khả năng chịu áp lực về thời gian… Vì thế, tôi cho rằng những người chuẩn bị gia nhập thị trường lao động cần trang bị cho bản thân vốn ngoại ngữ chắc chắn, rèn luyện thêm và làm quen với áp lực công việc.
Các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng nên chú trọng tạo môi trường học tập, rèn luyện cho lao động trẻ để phá bỏ rào cản về ngôn ngữ, kỹ năng trong môi trường làm việc áp lực hiện nay./.
Nhóm PV - CTV