1.Rà soát chính sách tăng cường cán bộ trí thức trẻ về 61 huyện nghèo

14877996_3032018.jpgViệc luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc 61 huyện nghèo để giúp đồng bào thoát nghèo một cách bền vững. (Ảnh minh họa - nguồn chinhphu.vn).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg ngày 27/4/2009; đồng thời, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung trong tháng 5/2018.

Ngày 27/4/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg về chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc 61 huyện nghèo và chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.

Chính sách này được thực hiện từ ngày 12/6/2009. Đây là chủ trương lớn của Chính phủ, khi thực hiện song song cùng với những đề án khác sẽ giúp 61 huyện nghèo trong cả nước thoát nghèo, xóa bỏ khoảng cách khá xa về nhận thức, kinh tế giữa người dân ở miền núi và người dân ở đồng bằng, đô thị. Đưa trí thức về với đồng bào còn khó khăn cũng chính là giúp đồng bào thoát nghèo một cách bền vững.

2. Triển khai thi hành Luật Thủy lợi

Ảnh minh họa
Theo Kế hoạch, các Bộ, ngành liên quan sẽ tổ chức phổ biến pháp luật về thủy lợi. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì biên soạn nội dung tuyên truyền, các chuyên đề, bài viết, hỏi - đáp pháp luật đăng trên các phương tiện truyền thông, Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt nội dung cơ bản, các điểm mới của Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình, tài liệu phổ biến, tuyên truyền Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan chủ quản báo chí Trung ương, địa phương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng chương trình, chuyên mục, trang phổ biến, tuyên truyền nội dung của Luật Thủy lợi, có tin bài phản ánh kịp thời về tình hình triển khai thi hành Luật Thủy lợi trên phạm vi cả nước.

3. Tổ chức lại thị trường nông sản trong nước

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu tổ chức lại thị trường nông sản trong nước, giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống gắn với việc tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới.

Về Báo cáo kịch bản tăng trưởng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2018, Phó Thủ tướng cơ bản nhất trí và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương và cơ quan chức năng tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra; kiểm soát quá trình sản xuất, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường, khắc phục tình trạng đầu tư phát triển sản xuất theo phong trào dẫn đến dư thừa nguồn cung gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân; tăng cường chế biến sâu, kiểm soát bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

4. Gìn giữ, phát huy những tài liệu lưu trữ quý giá

Ảnh minh họa
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Thông báo kết luận nêu rõ, khối lượng tài liệu mà Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) được giao nhiệm vụ gìn giữ, bảo quản rất lớn và có nhiều tài liệu rất có giá trị về nội dung và ý nghĩa lịch sử, văn hóa.

Những tài liệu này phản ánh đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cũng như kiến thức, kinh nghiệm và bài học của quá khứ từ đầu thế kỷ XIX đến nay, trong đó có những tài liệu quý giá là những bằng chứng khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của quốc gia.

Nhiều tài liệu đã trở thành những di sản quý báu như: Tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới; tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1945 - 1946 đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phải chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu các tài liệu lưu trữ và các tài liệu đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới để nâng cao nhận thức cho người dân, giới thiệu với bạn bè quốc tế về khối di sản có giá trị đặc biệt này.

5. Thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP tại 7 địa phương

Ảnh minh họa
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về việc thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn của 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Nghị quyết nêu rõ, thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn của 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai trên cơ sở sử dụng đội ngũ công chức, viên chức hiện có, không làm tăng biên chế.

Phạm vi thí điểm không quá 25% số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 7 tỉnh, thành phố và không quá 20% số đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện được lựa chọn thí điểm. Thời gian thí điểm là 1 năm.

Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP.

Công chức, viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện, cấp xã có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về ATTP; được trang bị trang phục riêng và được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.