Kể từ sau Đại hội lần thứ III (tháng 7/2020), hoạt động của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Nghệ An đã có những sự chuyển biến tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt. Đến nay, hội có 6 chi hội, với 108 hội viên, trong đó có 86 hội viên đã được cấp thẻ hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Thời gian qua, Hội Khoa học Lịch sửtỉnh Nghệ An đã phát huy vai trò, thế mạnh của mình trong tổ chức nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử địa phương, thúc đẩy phát triển nền sử học tỉnh nhà. Một số công trình tiêu biểu như: Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An (1930 - 2020), Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh thiếu nhi Nghệ An (1925 - 2020), Lịch sử Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An (1946 - 2021), Lịch sử ngành Công Thương Nghệ An... Một số hội viên của Hội đã tham gia biên soạn công trình Hồ Chí Minh - Biểu tượng của hòa bình, tình hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới. Xuất bản sách Di sản văn hóa Nghệ An tập 2 và tập 3, Hướng dẫn bài trí thờ tự tại di tích; lập hồ sơ xếp hạng 2 di tích quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh.
Ngoài ra, hội còn triển khai thực hiện một số đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp ngành và địa phương, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án “Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại: Ví - Giặm Nghệ Tĩnh” và kế hoạch thực hiện.
Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Nghệ An tổ chức và tham gia các hội thảo khoa học cấp tỉnh, cấp quốc gia về những vấn đề lịch sử, văn hóa, giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Với kiến thức văn hóa lịch sử vững vàng, các hội viên của Hội đã phát huy thế mạnh trong tư vấn và phản biện xã hội ở các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn như: Xét duyệt hồ sơ xếp hạng di tích, danh thắng, xét duyệt hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, đặt tên đường cho thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, phản biện công trình Lịch sử ngành Tuyên giáo Nghệ An (1930 - 2020), Lịch sử công tác Dân vận Đảng bộ Nghệ An (1930 - 2020), Đảng bộ tỉnh Nghệ An qua các kỳ đại hội (1930 - 2020), Lịch sử Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An (1946 - 2021)…
Để truyền bá kiến thức và giáo dục truyền thống, hội viên của Hội Khoa học Lịch sử đã có nhiều bài viết chất lượng đăng tải trên các chuyên mục, ấn phẩm uy tín. Công tác tuyên truyền, quảng bá những hoạt động của Hội cũng được triển khai hiệu quả bằng nhiều hình thức.
Sau hơn 10 năm thành lập, BCH Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Nghệ An quyết định xuất bản ấn phẩm “Nghệ An - Xưa và Nay” làm cơ quan ngôn luận. Đây là diễn đàn tập hợp, quy tụ các nhà nghiên cứu trong và ngoài hội, là nơi chia sẻ tri thức và những kết quả nghiên cứu của hội viên, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong củng cố tổ chức, kết nối, tập hợp hội viên, liên kết trong công tác nghiên cứu, thiếu kinh phí, trụ sở, chuyên trách… nhưng những kết quả đạt được và những đóng góp của hội, chi hội, hội viên là tiền đề cho hoạt động của Hội trong năm 2022.