(Baonghean) - Quỳnh Lưu là huyện có thế mạnh về phát triển nuôi trồng thủy sản, trong những năm qua, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã tích cực ứng dụng KH&CN trong nuôi trồng thuỷ sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. 
 
Quỳnh Lưu là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh với hơn 800 ha nuôi tôm, 104 ha nuôi ngao. Đến nay, toàn huyện đã tạo ra những vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung có quy mô lớn tại xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Quỳnh Thanh, An Hòa… Để đạt hiệu quả cao trong nuôi trồng thủy sản, bà con áp dụng tiến bộ KHKT như nuôi trong nhà bạt, sử dụng vi sinh, quạt nước, bạt che, sục khí bằng những thiết bị hiện đại… Từ đó, góp phần để năng suất, sản lượng tăng lên, có thể đạt 20 - 30 tấn/ha/vụ. 
 
images1111246_tom_quynh_luu.jpgAnh Nguyễn Văn Sơn, xã An Hòa (Quỳnh Lưu) vui mừng được mùa tôm.
 
Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, ở thôn Tân Thịnh, xã An Hòa (Quỳnh Lưu) - một trong số hộ có diện tích nuôi trồng thủy sản nhiều nhất xã, với gần 4 ha, trong đó nuôi tôm thâm canh 2 ha, còn lại gần 2 ha nuôi cua, ghẹ và cá. Anh Sơn cho biết, sau hơn 10 năm đấu thầu đất cải tạo thành đầm nuôi trồng thủy sản, đến nay, gia đình có 4 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, bình quân mỗi ao khi thu hoạch từ 2,5- 3 tấn tôm, bán với giá 160 -170 nghìn đồng/kg, cho thu lãi ròng hàng năm từ 700 - 800 triệu đồng. Kết quả ấy là nhờ chủ động học hỏi và rút ra những kinh nghiệm quý về kỹ thuật về cải tạo môi trường ao nuôi, diệt tạp, khử trùng nước, gây màu nước trước khi thả tôm với quy trình chặt chẽ. “Trong cả 2 vụ nuôi tôm vừa rồi, gia đình có thu nhập cao hơn so với các hộ nuôi tôm xung quanh… Người nuôi tôm phải am hiểu KHKT, ví như phải biết theo dõi, kiểm tra tôm sinh trưởng nhanh hay chậm để có biện pháp xử lý kịp thời. Và nhất là theo dõi để phòng dịch bệnh thì xác suất thành công mới cao được” - anh Sơn chia sẻ. Ngoài ra, anh Sơn còn vận dụng những kinh nghiệm tích lũy được của bản thân để kiểm tra sự sinh trưởng của tôm. Theo anh, trong quá trình nuôi tôm, khoảng từ 3 - 5 ngày thì dùng chài kéo tôm lên một lần để theo dõi sự phát triển của tôm. Nếu tôm chậm phát triển mà đã ở mức 70-80 con/kg thì bán; còn tôm mới thả nuôi chậm lớn thì phải có biện pháp tăng trưởng. 
 
Không chỉ nuôi tôm công nghiệp, bà con một số xã như Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Minh, Sơn Hải… còn phát huy điều kiện tự nhiên riêng để phát triển nuôi ngao thương phẩm. Ông Thái Bá Khang ở xã Sơn Hải là một trong những hộ thành công trong mô hình nuôi ngao. Ông cho biết, lúc bắt đầu nuôi ngao chỉ 3 ha nhưng đến nay diện tích nuôi trồng được mở rộng tới 30 ha. Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên bãi ngao phát triển ổn định, đạt năng suất bình quân 30 tấn/ha. Giá ngao thương phẩm có năm tới 24.000 đồng/kg. Riêng năm 2014, doanh thu từ ngao của ông Khang đạt trên 12 tỷ đồng. Muốn nuôi ngao thành công thì phải “bám” chặt vào khoa học kỹ thuật. Trước khi thả ngao giống cần phải vệ sinh bãi; chọn giống ngao có “địa chỉ” tin cậy: bãi thả ngao phải bằng phẳng, có nền đất cát hoặc cát pha bùn, thuỷ triều lên xuống thường xuyên, chọn bãi triều cao, sóng gió êm; tránh thả ngao vào những tháng mưa như tháng 9 -10. 
 
Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Để tăng năng suất, sản lượng cho ngành nuôi trồng, hiện nay địa phương đang chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh ứng dụng KHCN về các quy trình KHCN mới, các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, sử dụng bạt che trong nuôi tôm để chống lạnh, máy cho ăn.. Đặc biệt, huyện đang xúc tiến việc lấy nước mặn từ biển vào các bãi nuôi ở xã Quỳnh Bảng để tránh ô nhiễm trong quá trình xả thải; mở rộng diện tích nuôi trồng theo quy phạm VietGAP; ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất tôm, cua, ghẹ ở quy mô trang trại nhỏ để đa dạng hóa vật nuôi”.
 
 
Việt Hùng 
Đài TT-TH Quỳnh Lưu