(Baonghean) - Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có 104,7 ha ngao thương phẩm tập trung nuôi ở các xã vùng biển như Quỳnh Thọ, Sơn Hải, Quỳnh Thuận... Theo ước tính của các ngành chức năng, đến hết ngày 25/3,  khoảng 50 - 70% diện tích nuôi ngao thương phẩm của người dân trên địa bàn huyện bị chết với khoảng gần 2.000 tấn ngao đang chuẩn bị thu hoạch, gây thiệt hại trên 24 tỷ đồng.

Toàn xã Sơn Hải có 17 hộ gia đình nuôi ngao thương phẩm với tổng diện tích là 50,7 ha, sản lượng bình quân đạt 30 - 33 tấn/ha. Tuy nhiên, gần 1 tháng nay, bà con nuôi ngao ở đây đang phải đối mặt với cảnh “trắng tay” khi ngao sắp đến ngày thu hoạch bỗng dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Anh Thái Bá Khang là một trong những hộ nuôi ngao lớn nhất ở xã Sơn Hải cho biết, gia đình anh có khoảng 20 ha diện tích nuôi ngao thương phẩm tại vùng biển 2 xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ. Những ngày này, anh cùng với hàng chục công nhân đang thu dọn vệ sinh, đưa toàn bộ ngao chết ra khỏi khu vực khoanh nuôi. Xác ngao phủ kín một vùng rộng lớn, bốc mùi hôi. Đợt nuôi này, gia đình anh Khang thiệt hại từ 60 -70% diện tích ngao đang trong thời kỳ thu hoạch, với giá ngao bán ra thị trường thời điểm hiện tại từ 11 - 12 nghìn đồng/kg, ước tính gia đình anh sẽ thất thu 3 - 4 tỷ đồng.
 
image_127124.jpgCác cơ quan thú y và cán bộ huyện Quỳnh Lưu kiểm tra thực trạng ngao chết tại xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu)
 
Anh Trần Ngọc Hoàng ở xã Quỳnh Thuận cũng bị thiệt hại nặng nề. Gia đình anh có 40 ha nuôi ngao giống và ngao thương phẩm) tại 3 khu vực bãi bồi thuộc xã Quỳnh Thọ, Sơn Hải và Quỳnh Thuận; hiện hơn 70% diện tích nuôi ngao chết hàng loạt. “Gia đình tôi có nhiều năm kinh nghiệm nuôi ngao, nhưng chưa năm nào ngao chết nhiều như năm nay. Vụ ngao này tôi đầu tư gần 4 tỷ đồng mua giống về thả nuôi. Chỉ trong vòng 5 ngày, từ mùng 1 đến mùng 5/3/2015 ngao chết hàng loạt với tổng trọng lượng từ 600 - 800 tấn ngao, gây thiệt hại từ 5 - 6 tỷ đồng” - anh Hoàng cho hay. Sau khi ngao chết, gia đình anh Hoàng phải thuê hàng chục lao động địa phương đến thu dọn đưa toàn bộ số ngao chết ra khỏi khu vực nuôi với tiền công 150.000 đồng/ngày. Còn lại gần 30% diện tích ngao đang khỏe mạnh, anh tập trung kiểm tra, theo dõi và kịp thời thu hoạch, với mong muốn vớt vát được đồng nào hay đồng ấy.
 
Ngao chết không rõ nguyên nhân
 
Tại  xã Quỳnh Thọ, có 30 hộ nuôi ngao thương phẩm với trên 21 ha. Hộ anh Nguyễn Văn Phú ở xóm Thọ Thắng là hộ được phát hiện ngao chết đầu tiên của xã với tỷ lệ thiệt hại 60% diện tích. Sau đó, nhiều hộ nuôi ngao xung quanh cũng đều rơi vào cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Lục, Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Thọ cho biết: “ Hiện, UBND xã đang chỉ đạo bà con tập trung khắc phục hậu quả, thu dọn số lượng ngao bị chết ra khỏi vùng khoanh nuôi. Những diện tích ngao còn lại tập trung theo dõi, cùng với đó tiếp tục thả nuôi. UBND xã giao cho các thôn, xóm thống kê danh sách thiệt hại để đề nghị cấp trên có chính sách hỗ trợ người dân nuôi ngao bị thiệt hại”... 
 
Ngao chết không rõ nguyên nhân
 
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Sau khi nắm được thông tin về tình trạng ngao thương phẩm ở một số xã ven biển bị chết, UBND huyện, phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu đã về tận các hộ gia đình nuôi ngao để kiểm tra, đồng thời báo cáo lên các cơ quan cấp tỉnh có liên quan. Ngày 21/3, Cục Thú y, Chi cục Thú y tỉnh cùng đại diện huyện Quỳnh Lưu tiếp tục đến các hộ gia đình nuôi ngao bị chết để lấy mẫu đất, nước, vỏ ngao mang về kiểm tra, xét nghiệm; hiện địa phương và bà con nuôi ngao đang chờ các cơ quan chức năng đánh giá, công bố nguyên nhân dẫn đến ngao chết hàng loạt.
 
 
Việt Hùng