bna_quynh_luu_moi_ngay_xuat_ban_5000_lit_sua_boa16955298_442018.jpgHuyện Quỳnh Lưu hiện có 400 con bò sữa tập trung ở các xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu, Quỳnh Tam. Ảnh: Chu Diện

Gia đình anh Phạm Văn Đạt, xóm 2A, xã Quỳnh Châu là 1 trong 5 hộ dân tiên phong đưa bò sữa về nuôi tại địa phương. Quá trình nuôi anh vừa học hỏi, tìm hiểu thêm kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ dịch bệnh và trồng cỏ VA06 để phục vụ nguồn thức ăn tại chỗ. Khi tự tin về kiến thức, kinh nghiệm, anh tiếp tục phát triển tổng đàn từ 5 con vào năm 2015 lên đến 19 con ở thời điểm hiện nay. Trong đó, 8 con cho sữa, 5 con chuẩn bị sinh đẻ và 6 con bê con. Với 8 con bò đang cho sữa, hàng ngày anh thu hoạch được 1,8 tạ sữa tươi nguyên chất, tương đương 180 lít. Mỗi năm, từ đàn bò sữa mang lại cho anh Đạt lợi nhuận từ 350 đến 400 triệu đồng/năm.

Còn với anh Hồ Văn Chiến ở xóm 6, xã Quỳnh Tam, sau khi nhận thấy ở nhiều nơi thành công trong việc chăn nuôi bò sữa, năm 2014 đã mạnh dạn vay vốn mua 9 con bò sữa giống ở huyện Ba Vì, Hà Nội với tổng trị giá gần 500 triệu đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình nuôi, anh Chiến cho biết: Để vật nuôi khỏe mạnh, cho sữa đều đặn, thơm ngon thì chất lượng khẩu phần ăn phải bao gồm cả thức ăn xanh, khô và tinh bột. Đối với chuồng trại luôn đảm bảo khô thoáng, sạch sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch bệnh cho đàn bò. Nhờ đó, vật nuôi của gia đình anh phát triển tốt, mỗi ngày cho 100 kg sữa tươi. Từ chăn nuôi bò sữa, mỗi năm cho gia đình anh thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng.

Mỗi ngày người nuôi ở Quỳnh Lưu xuất bán ra thị trường khoảng 5.000 lít sữa. Ảnh: Việt Hùng
Tính đến thời điểm này, toàn huyện Quỳnh Lưu có 400 con bò sữa, trong đó có 250 con cho sữa thường xuyên, chủ yếu tập trung ở các xã miền núi Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu, Quỳnh Tam.

Một năm bình quân một con bò cho lấy sữa ròng trong thời gian 7 tháng. Nhờ được chăm sóc tốt, bổ sung thức ăn tinh, thô theo đúng tỷ lệ, số lượng phù hợp nên mỗi ngày đàn bò cung cấp khoảng 5.000 lít sữa, giá với bán tương đối ổn định, từ 14.000 - 15.000 đồng/lít.

Hiện nay, bò sữa là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, do vậy với địa hình, đất đai thuận lợi nên bà con đang từng bước phát triển tổng đàn, khẳng định được đây là hướng chăn nuôi bền vững. Bên cạnh đó, các xã cũng tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi với số lượng lớn cần đưa ra xa khu dân cư, xử lý phân, nước thải theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh môi trường./.