(Baonghean)Quỳnh Lưu những ngày thuận lợi đi biển, nhưng tại các bến, cửa lạch, không ít tàu cá của các xã Sơn Hải, Quỳnh Dị, Tiến Thủy nằm bờ. Ngoài nguyên nhân đi biển lỗ bởi giá dầu tăng cao thì luồng, lạch cạn, lâu năm không được nạo vét khiến cho nhiều chủ tàu phải bán đổ bán tháo tàu…

Ông Nguyễn Đức Xân- một thuyền trưởng lâu năm của xóm Phú Lợi 1, Quỳnh Dị - Quỳnh Lưu kể : Mỗi lần ra khơi hay về bến là cả một hành trình gian nan, vừa tốn sức, vừa hại cả tài sản. Quỳnh Dị có 2 xóm chuyên khai thác hải sản là Phú Lợi 1 và Phú Lợi 2 với 68 tàu cá xa bờ. Thế nhưng xã không có bến cá nên tàu về phải đi qua bến Quỳnh Phương, đi dưới cầu Cờn, chạy sâu vào sông Hoàng Mai. Nhưng cầu Cờn quá thấp, triều lên tàu không vào được, lại phải đợi cho nước rút xuống. Nếu đợi không đúng thời điểm, nước ròng quá lại chạm đáy sông, vướng đăng đáy của bà con. Sông Hoàng Mai cũng chẳng khác gì con lạch cạn. Thật chẳng dễ dàng mỗi lần ra khơi, về bến.

779530_small_79060.jpg

                            Lạch Thơi quá cạn, nhiều tàu cá không ra khơi được.

Ở Quỳnh Lưu, nếu như đa số các xã vùng biển đều có bến đậu thì Quỳnh Dị chưa có trong khi đất nông nghiệp ở 2 xóm Phú Lợi 1 và Phú Lợi 2 không có, bà con vẫn phải bám biển. Vất vả quá, nhiều người khuyên ông Xuân bỏ nghề, ông đã phải bán tàu một lần, chuyển về làm nước mắm. Rồi ông lại đóng tàu đi tiếp để có nguồn nguyên liệu rẻ nhất cho gia đình làm nghề, hơn nữa nghề cha truyền con nối không bỏ được. Không chỉ ông Xân, tàu anh Hoàng Đức Lực ở Quỳnh Dị cũng phải bán vì gặp nhiều khó khăn, cả về ngư trường lẫn do luồng lạch.

Xã Sơn Hải có 173 tàu đánh bắt xa bờ, tổng công suất 32.500 CV. Ngư dân Sơn Hải chủ yếu làm ăn trên biển với nghề vây và câu mực. Hôm chúng tôi có mặt tại Sơn Hải là mồng 4 tháng âm lịch, thế nhưng cả chục tàu cá nằm bờ, có tàu nằm lâu lắm rồi đã xập xệ. Lạch cạn trơ cả đáy, bên cạnh đó, diện tích nuôi ngao choán hết. Tàu của anh Nguyễn Ngọc Hà, công suất 3.200 CV do lạch cạn, ra vào khó khăn đã phải bán cho một chủ tàu ở xã Quỳnh Tiến; tàu của anh Nguyễn Văn Phước công suất 350 CV không ra khơi được phải nằm bờ; tàu của các anh: Nguyễn Ngọc Hạnh, Đặng Văn Tiến, Đồng Văn Huyền, Trần Văn Vượng, Vũ Quang Ngọ… đi một chuyến lại nằm chờ 2 chuyến.

Chủ tàu Trần Văn Vượng xóm 7, Sơn Hải  cho biết: “Tàu của tôi đã nằm bờ 2 tháng nay do nước cạn quá, công suất tàu 300 CV, cần mực nước 2,5 m mới ra vào lạch được nhưng lạch cạn quá, cồn cát nhiều, ra vào phải có tàu lai dắt rất tốn kém. Mong sao Nhà nước đầu tư nạo vét lạch chứ sau một mùa bão nữa lạch lại càng bồi lên”.

Ông Nguyễn Văn Thấy - Chủ tịch Hội Nghề cá Sơn Hải cho hay: “Năm nay đã có 3 chủ tàu khai thác bán tàu. Còn  7 tàu thu mua của Sơn Hải đã phải bán 2 chiếc, số còn lại nằm bờ hơn 6 tháng/năm. Tàu thu mua công suất chủ yếu 350, 320 CV hoạt động ngoài khơi xa, vừa cung cấp nguyên, nhiên liệu vừa thu mua hải sản cho các tàu. Tàu lớn nhưng luồng lạch quá cạn, lạch lại quá hẹp, lâu rồi không nạo vét nên ra vào toàn bị vỡ đèn do va  vào nhau, tàu đợi được nước lên thì cá cũng bị ươn cả.

Chủ tịch UBND xã Trần Văn Hùng quả quyết: Nếu tình trạng luồng lạch, thế này thì ngư dân sẽ bỏ nghề nhiều nữa. 6 tháng đầu năm 2012 đã có 6 tàu phải bán đi. Đây là dấu hiệu không tốt, trong lúc  Quỳnh Lưu là huyện địa đầu xứ Nghệ, đang rất cần bà con ra khơi bám biển.

Không chỉ ở Sơn Hải, mà  Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy, Quỳnh Long..  những xã khai thác hải sản đầu tàu của Nghệ An, tàu thuyền cũng đang tranh nhau vào bến Nam Lạch Quèn, trong khi bến này quá tải,  lại gặp đá ngầm án ngữ ngay đường vào bến, luồng, lạch mới chỉ  bảo đảm cho tàu 70 tấn, còn tàu lớn không vào được.

 Trong điều kiện luồng, lạch cạn và hẹp như vậy, nhưng không hiểu vì sao chính quyền huyện Quỳnh Lưu và một số xã  vẫn để cho bà con lấn chiếm luồng, lạch , đóng cọc, làm lều nuôi ngao? Việc quản lý vùng triều bảo  đảm an ninh trật tự cho tàu ra khơi đánh bắt đã bị buông lỏng trong những năm qua chưa được chấm dứt.


Châu Lan - Công Sáng