(Baonghean) - Giảm mật độ tàu khai thác vùng lộng, tăng tàu khai thác vùng khơi, chuyển đổi loại nghề khai thác hải sản… đó là cách để ngư dân Quỳnh Lưu (Nghệ An) vững vàng bám biển, nâng cao năng suất, sản lượng, vừa góp phần giữ gìn môi trường sinh thái, khai thác nguồn lợi hải sản theo hướng bền vững, hiệu quả…
Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu) hiện là một trong những xã có số lượng tàu thuyền nhiều và đa dạng nghề nhất tỉnh. Trong đó có các nghề khai thác đạt hiệu quả kinh tế cao như nghề lưới lượng, lưới rê xù, bóng ghẹ… ,đặc biệt có nghề lưới hồng, đánh cá mực nang là nghề mới phát triển, có những tàu mỗi chuyến biển thu nhập tới 180-200 triệu đồng. Việc chuyển đổi nghề không chỉ giảm bớt số thuyền có công suất nhỏ làm nghề khai thác ở ven bờ và tuyến lộng mà còn phát triển nghề khai thác xa bờ. Toàn xã hiện nay có 615 tàu, thuyền với tổng công suất 35.500 CV, trong đó có trên 2/3 thuyền đánh bắt vùng khơi, có 24 thuyền được cấp giấy chứng nhận VO cho phép được khai thác ở vùng lãnh hải chung. Trong năm 2011, chính quyền xã Quỳnh Phương tổ chức cho ngư dân đi tham quan học tập mô hình đánh bắt hải sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng… , đồng thời chỉ đạo bà con phát triển thêm nghề mới cho thu nhập cao như nghề lưới cá dưa, lưới sam.
Ngư dân Quỳnh Phương chuẩn bị ra khơi
Không riêng gì ở Quỳnh Phương mà ở nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu như Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy… ngư dân đều nỗ lực nâng cấp tàu thuyền, đầu tư lắp đặt các thiết bị hàng hải đồng bộ: máy định vị, máy dò cá, bộ đàm thông tin liên lạc….để đa dạng hóa nghề khai thác hải sản với nhiều mô hình chuyển đổi, tiêu biểu như nghề vây rút chì, nghề chụp 4 cần ganh (chụp tăng gông 4 sào), nghề câu khơi áp dụng cho tàu có công suất 45-75CV, bố trí từ 8-10 lao động, cho thu nhập cao.
Là huyện có 34 km đường biển, 3 cửa lạch thuận lợi cho tàu ra vào, 12 xã vùng biển với trên 2000 tàu thuyền, chiếm 2/3 tổng số tàu thuyền của cả tỉnh tham gia đánh bắt hải sản, trong đó có gần 200 tàu được cấp phép tham gia khai thác hải sản ở vùng đánh cá chung của quốc tế. Quỳnh Lưu đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nhằm bảo vệ và khai thác tiềm năng kinh tế biển như giảm mật độ tàu thuyền vùng lộng, tăng số lượng tàu khai thác vùng khơi, đầu tư, mua sắm, đóng mới, nâng cấp tàu công suất từ 90CV trở lên được trang bị các công nghệ hiện đại, đủ điều kiện vươn khơi xa trên các ngư trường toàn quốc. Công tác đào tạo, tập huấn cho thuyền viên về ngư trường được phép khai thác, đánh bắt hải sản cũng được các cấp quan tâm thực hiện ngay từ đầu mùa đánh bắt. Huyện chỉ đạo các xã phục hồi, tái tạo nguồn lợi hải sản như thả chà xạo tạo nơi trú ẩn cho cá. Bố trí đa nghề trên tàu, chống nghề độc canh, bỏ hẳn nghề xăm, te hoạt động ven bờ, giảm dần nghề giã kéo có công suất dưới 50 CV, chụp mực. Khuyến khích phát triển nghề vây, vó khơi, chụp tăng gong 4 sào, lưới rê lượng, lưới rê thu, giã khơi, câu khơi, du nhập các nghề mới như nghề câu cá ngừ đại dương… Mục tiêu đến năm 2020 tổng sản lượng khai thác đạt 30.000 tấn/năm trong đó vùng lộng chiếm 20%, vùng giữa khơi và lộng 40-45%, vùng khơi 30-40%, sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt 45-50%.
Thu mua cá tại bến cá Quỳnh Phương.
Về lâu dài, huyện Quỳnh Lưu chủ trương tranh thủ đầu tư xây dựng bến cá Lạch Cờn, phát huy hiệu quả bến cá Lạch Quèn. Khuyến khích phát triển nhanh đội tàu dịch vụ trên biển cung ứng kịp thời xăng dầu, đá lạnh, hậu cần phục vụ ăn uổng giúp người lao động giảm chi phí trong những chuyến biển. Xây dựng các cơ sở thu mua, chế biến có qui mô lớn, các kho cấp đông để kịp thời thu mua nhanh sản phẩm và bình ổn giá nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Ông Nguyễn Xuân Dinh- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Trong quá trình sản xuất, yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh tế là đội ngũ kỹ thuật lao động nghề cá. Do đó hàng năm huyện đều có kế hoạch đào tạo nghiệp vụ quản lý kinh doanh cho đội ngũ cán bộ của các đơn vị kinh tế tập thể. Đào tạo và cấp bằng thuyền trưởng quốc gia cho các chủ phương tiện khai thác hải sản có công suất máy trên 45 CV. Hỗ trợ kinh phí cho ngư dân tham quan, học tập chuyển đổi nghề mới có giá trị kinh tế cao và các thuyền nghề chuyển nghề khai thác hải sản sang nuôi trồng, chế biến thủy sản…. Nhờ có hướng đi đúng, bà con ngư dân yên tâm bám tàu, bám biển, vươn khơi . Các chuyến tàu đánh bắt khơi xa đã mang về hàng nghìn tấn hải sản cho hiệu quả kinh tế cao, đời sống của nhân dân vùng biển ngày càng được cải thiện. Việc sử dụng các ngư cụ có kích thước, mắt lưới không đúng qui định, tình trạng dùng chất nổ đánh mìn, dùng xung điện đánh bắt, thói quen khai thác vùng lộng, ven bờ ngày càng giảm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, ngư dân các vùng biển Quỳnh Lưu đã khai thác được hơn 15 nghìn tấn hải sản các loại…