(Baonghean.vn) - Trong những ngày qua, tại vùng nuôi ngao thương phẩm huyện Quỳnh Lưu, hàng chục hộ dân đang tập trung nhân lực xuống bãi để nhặt vỏ ngao, xử lý môi trường sau khi nhiều diện tích nuôi ngao chết hàng loạt, nổi trắng trên bờ.

Có mặt tại vùng nuôi ngao xã Sơn Hải, một trong địa phương có diện tích nuôi ngao lớn nhất huyện, khá nhiều người tập trung thu dọn vỏ ngao đã chết, nổi trắng trên bãi. Ông Đồng Như Nguyên - một trong số hộ dân có diện tích ngao nuôi bị chết đang cùng với công nhân xuống bãi nhặt từng vỏ ngao để đưa lên bờ. Gần 2,3 ha ngao thương phẩm của gia đình chuẩn bị thu hoạch bỗng dưng chết hàng loạt.

Nhặt từng vỏ ngao bị chết, ông Nguyên vô cùng xót xa bởi bao nhiêu công sức, vốn liếng đều dồn vào bãi nuôi ngao này.

Ông Nguyên cho biết: Ngày 1/7, tôi phát hiện ngao nổi trên mặt cát, sau đó bung vỏ rồi chết dần dần. Đến ngày 3/7, toàn bộ diện tích ngao thương phẩm và ngao giống chết hàng loạt, nỗi trắng trên bãi cát. Ước tính thiệt hại khoảng 700-800 triệu đồng.

Một số lao động được trả công 13 nghìn đồng/giờ thuê nhặt vỏ ngao.

Sau khi ngao chết nằm dày khắp bãi cát, để sớm khắc phục hậu quả, ông đã thuê 6 người xuống bãi để nhặt vỏ ngao, vệ sinh bãi nuôi, bỏ vôi xử lý ô nhiễm để tiếp tục tái sản xuất. "Để khắc phục hậu quả do ngao bị chết, tôi đã thuê 6 lao động nhặt vỏ, dùng máy đánh sục chất cặn bã nằm sâu trong bãi, các chất tẩy uế cho sạch bãi để tiếp tục thả giống tiếp. Đây là lần đầu tiên sau 12 năm nuôi ngao xảy ra hiện tượng này. Đầu năm nay, gia đình tôi cũng bị thiệt hại một lần rồi với số tiền trên 500 triệu, lần thứ 2 này thiệt hại nặng nề hơn. Gia đình giờ phải vay mượn tiền để sản xuất lại từ đầu.. Mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người dân tái sản xuất" - ông Nguyên chia sẻ.

 Người dân đổ ngao chết vào bao để vận chuyển lên bờ.

Tại xã Sơn Hải đang còn rất nhiều hộ khác cũng chung cảnh ngộ như gia đình ông Đồng Như Nguyên. Toàn xã hiện có 15 hộ nuôi ngao với tổng diện tích trên 70 ha. Nhiều hộ dân rơi vào cảnh trắng tay khi bao nhiêu công sức, vốn liếng bỏ ra để chờ ngày thu hoạch thì nay lại mất trắng. Theo ước tính, 1 ha ngao sẽ cho thu hoạch từ 30-40 tấn/ha, với giá bán ngoài thị trường hiện nay 15-20 nghìn đồng/kg thì 1 ha sẽ thu về từ 400-600 triệu. Do đó, trong đợt này, toàn xã thiệt hại khoảng trên 3,5 tỷ đồng.

Vận chuyển ngao chết ra khỏi bãi để xử lý môi trường.

Ngay sau khi nắm bắt được thông tin về ngao nuôi tại địa phương bị chết, cán bộ địa chính nông nghiệp của xã cùng ban ngành liên quan xuống bãi nuôi ngao của các hộ dân để nắm tình hình, đồng thời thống kê thiệt hại để báo cáo lên cấp trên. Ngoài ra, địa phương động viên các hộ nuôi ngao cần ổn định tâm lý để khắc phục hậu quả, thu dọn vỏ ngao, vệ sinh bãi nuôi.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh - Phó chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: "Do thời tiết nắng nóng kéo dài, sau đó gặp trận mưa to khiến ngao bị sốc nhiệt gây chết hàng loạt. Chúng tôi đã thành lập đoàn đi kiểm tra, xử lý ngao chết để tránh ô nhiễm".

Theo thống kê từ Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu, toàn huyện có khoảng trên 104 ha ngao bị chết tập trung ở các vùng nuôi ngao lớn như Sơn Hải, Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận, An Hòa. Trong đó địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất là xã Sơn Hải, Quỳnh Thọ. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngao chết hàng loạt được xác định là do thời tiết nắng nóng kéo dài. Trước tình hình trên, huyện Quỳnh Lưu cùng với chính quyền địa phương các xã đã kịp thời động viên bà con sớm khắc phục hậu quả, thu dọn vỏ ngao, xử lý môi trường để tiếp tục tái sản xuất. Các hộ nuôi ngao mong muốn Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

Việt Hùng

Đài TT-TH Quỳnh Lưu