2111anh_my__saudi_arabia__018002984_21112018.jpgThái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 20/3/2018. Ảnh: AFP
Trước hàng loạt quan điểm chỉ trích, phản đối của các nghị sỹ trong nước cũng như cộng đồng quốc tế, dư luận đặt câu hỏi, liệu Tổng thống Trump có đang “đặt cược” quá nhiều vào mối quan hệ đồng minh nhiều sóng gió này?

Trước sau bất nhất

Mới chỉ 1, 2 ngày trước, dư luận còn đang phân vân liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ quyết định ra sao sau khi Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tuyên bố Thái tử nước này Mohammed bin Salman ra lệnh sát hại nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi. Cũng không khó hiểu khi thái độ của người đứng đầu nước Mỹ liên tục thay đổi thời gian qua liên quan vụ sát hại nhà báo gây chấn động này.

Nếu như mới hôm 13/10, chính ông Trump đã tuyên bố rằng, Saudi Arabia có thể đứng đằng sau sự mất tích bí ẩn của nhà báo Khashoggi, bất chấp sự phản ứng mạnh mẽ của nước này. Và rằng, nếu được xác nhận, Mỹ sẽ có sự trừng phạt nghiêm khắc. Tuyên bố này khi đó đã như một “gáo nước lạnh” dội vào mối quan hệ đồng minh vốn đang gặp nhiều sóng gió và mâu thuẫn. Đáp lại, đồng minh Saudi Arabia cũng “làm căng” với Mỹ khi liệt kê danh sách tới 30 biện pháp đáp trả nếu Mỹ quyết tâm trừng phạt.

Thế nhưng chỉ hơn 1 tháng sau, tình hình đã hoàn toàn thay đổi. Bất chấp CIA cáo buộc trực tiếp Thái tử Saudi Arabia, Tổng thống Trump đã ra tuyên bố ủng hộ duy trì mối quan hệ đồng minh với Saudi Arabia. Đáng chú ý, nội dung quan trọng nhất mà dư luận chờ đợi là liệu ông Trump có đồng ý hay không đồng ý với kết luận của CIA thì lại hoàn toàn không rõ ràng.

Thái tử Mohammad bin Salman
 

Tuyên bố có đoạn: “Vua Salman và Thái tử Mohammad bin Salman đã khẳng định không biết gì về kế hoạch sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Cơ quan tình báo Mỹ vẫn đang tiếp tục đánh giá mọi thông tin, có thể có khả năng Thái tử biết điều gì đó về vụ án mạng này nhưng cũng có thể không! Có nghĩa, chúng ta có thể không bao giờ biết được rõ ràng mọi chuyện trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Nhưng dù sao, Mỹ vẫn sẽ giữ mối quan hệ với Saudi Arabia”.

Tác giả

Với tuyên bố này, Tổng thống Trump đã thay đổi hoàn toàn thái độ, khẳng định rõ ràng thái độ ủng hộ đồng minh, bất chấp sự phản đối trong nội bộ nước Mỹ và cả cộng động đồng quốc tế.

Đằng sau “cơn bão”

Hàng loạt lý do đã được chỉ ra đằng sau sự thay đổi liên tục trong thái độ của chính quyền Mỹ đối với đồng minh Saudi Arabia. Đó là các hợp đồng kinh tế, mua bán vũ khí hay việc nước này là cầu nối giúp Mỹ thực hiện các chính sách và mục tiêu tại Trung Đông. Đây là những mối ràng buộc đã khiến cho mối quan hệ đồng minh giữa hai bên khăng khít suốt hàng chục năm qua. Tất nhiên cũng có những thời điểm quan hệ hai bên trục trặc và mâu thuẫn, nhưng không vì thế mà Mỹ lại quay lưng hoàn toàn với đồng minh Trung Đông quan trọng này.

Nhà báo Khashoggi người bị sát hại
 Đến thời điểm này cũng vậy, dầu khí, vũ khí, các lợi ích địa chính trị hay vấn đề Iran, hồ sơ Israel - Palestine vẫn là những “từ khóa” gắn kết mối quan hệ hai nước. Chẳng thế mà trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Trump đã không ngại ngần “lờ đi” vụ việc nhà báo Khashoggi mà ca ngợi những lợi ích mà Saudi Arabia mang lại cho Mỹ: “Sau chuyến thăm tới Saudi Arabia năm ngoái, nước này đã đồng ý đầu tư 450 tỉ USD cho Mỹ. Số tiền lớn kỉ lục này sẽ đem lại việc làm cho hàng trăm nghìn người cũng như tạo thêm nhiều của cải cho người dân Mỹ”. Và rằng, “Saudi Arabia là đồng minh tuyệt vời của Mỹ trong cuộc chiến chống lại Iran. Mỹ sẽ tiếp tục là đồng minh vững chắc của Saudi Arabia trong khu vực…”.

Giới quan sát quốc tế còn bình luận, những thay đổi liên tục trong thái độ của Tổng thống Trump liên hệ mật thiết đến những chuyến viếng thăm cũng như các cuộc trao đổi điện thoại thời gian gần đây giữa Mỹ và Saudi Arabia. Rất có thể, những “mặc cả” giữa hai bên về nhiều lĩnh vực - đặc biệt là kinh tế đã được lãnh đạo hai nước “thương thảo” êm xuôi. Rõ ràng, với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump, khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra. Trong khi đó, Saudi Arabia trong “cơn lốc Khashoggi” chắc hẳn phải cần đến sự ủng hộ của đồng minh Mỹ hơn bao giờ hết.

Không chỉ khẳng định về sự bền chặt trong mối quan hệ với Saudi Arabia, Tổng thống Trump cũng không giấu giếm sự lo ngại nếu quan hệ nay trục trặc, sẽ chỉ khiến các đối trọng như Nga hay Trung Quốc hưởng lợi. Đây rõ ràng là điều mà ông Trump không hề mong muốn, khi Nga vốn vẫn đang chiếm nhiều ưu thế tại khu vực địa chiến lược Trung Đông.

Lợi hay hại?

Lợi ích về kinh tế, đầu tư hay vũ khí chắc chắn không khỏi bàn cãi khi Mỹ duy trì quan hệ với Saudi Arabia. Nổi bật như thỏa thuận nhập khẩu vũ khí ký kết hồi năm ngoái trị giá 350 tỷ USD hay kế hoạch đầu tư hàng chục tỷ USD vào cơ sở hạ tầng của Mỹ. Về địa chính trị, Mỹ vốn có nhiều căn cứ quân sự nhất tại Saudi Arabia ở Trung Đông, hai nước cũng đứng cùng mặt trận trong cuộc chiến với Iran hay cùng quan điểm trong vấn đề Israel - Palestine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Saudi Arabia ngày 21/5/2017. Ảnh: Reuters
Thế nhưng, quan hệ hai bên thời gian qua đã vấp phải không ít trục trặc và mâu thuẫn, như việc Saudi Arabia dẫn đầu liên minh can thiệp vào cuộc chiến ở Yemen năm 2015 và cuộc khủng hoảng vùng Vịnh khi Saudi Arabia cùng các đồng minh cô lập Qatar về mặt kinh tế và ngoại giao năm 2017. Đặc biệt với vụ sát hại nhà báo Khashoggi, giới chức Mỹ đã đặt dấu chấm hỏi cho mối quan hệ đồng minh Mỹ - Saudi Arabia. Rằng, liệu Mỹ có nên đánh cược cả uy tín và tiếng nói của mình để bảo vệ các hợp đồng kinh tế và vũ khí với đồng minh nhiều tai tiếng này.
Không những thế, các hợp đồng giữa hai nước lớn là vậy nhưng thực tế lại không hoàn toàn như mong muốn. Giọt nước tràn ly khi các nghị sỹ tại cả lưỡng viện đã lên tiếng chỉ trích quan điểm ủng hộ Saudi Arabia của Tổng thống Donald Trump. Mới nhất, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker và thành viên ủy ban Bob Menendez đã gửi thư tới Tổng thống, yêu cầu cần phải “có quyết định rõ ràng” về việc liệu Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman có dính líu đến cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi hay không.

Không chỉ vậy, chắc chắn Tổng thống Trump cũng sẽ vấp phải không ít phản ứng của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả các đồng minh châu Âu như Đức hay Pháp. Sự việc sẽ càng khiến cho Mỹ cô lập hơn, sau hàng loạt chính sách gây tranh cãi của nước này tại khu vực Trung Đông như rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay chuyển Đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem.

Rõ ràng, lợi ích không nhỏ nhưng hậu quả cũng là không ít khi Tổng thống Trump quyết tâm ủng hộ Saudi Arabia. Vấn đề hiện nay là đằng sau tất cả những tuyên bố công khai, ông Trump có tạo được sức ép để Saudi Arabia thay đổi chính sách và thái độ theo hướng ôn hòa hơn thời gian tới hay không. Điều này sẽ khiến cho Mỹ vừa đạt được lợi ích kinh tế với Saudi Arabia, đồng thời xoa dịu được dư luận cả trong nước và quốc tế vốn sẽ không dễ dàng bỏ qua sự việc chấn động này!