(Baonghean.vn) – Mục tiêu của đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở ngành, huyện thị DDCI chính là tạo sự cạnh tranh về chất lượng điều hành kinh tế, khả năng cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp của cấp sở, ngành, huyện, thị.

Sáng 25/8, UBND tỉnh phối hợp với phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI tổ chức Hội thảo cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và thúc đẩy sáng kiến xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, huyện, thị (DDCI). Tham dự có đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, các địa phương. Về phía Văn phòng VCCI có ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban pháp chế, giám đốc dự án PCI.

Đề án cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được ban hành hành theo Quyết định số 2595/QĐ-UBND của UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu nâng cao điểm số và thứ hạng PCI so với cả nước và Khu vực Bắc Trung Bộ.

Sau 05 năm triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đề ra, kết quả chỉ số PCI từ năm 2012 đến nay liên tục được cải thiện. Năm 2016 là một năm thành công khi chỉ số PCI của Nghệ An đạt 59,45 điểm cao nhất từ trước đến nay, xếp thứ 25/63 cả nước, tăng 5,09 điểm và tăng 21 bậc so với năm 2012; xếp thứ 2/6 trong Khu vực Bắc Trung Bộ.

images1986023_3.jpgToàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thu Huyền

Xét trong mối tương quan với các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, giai đoạn 2012-2016, thứ hạng PCI của Nghệ An đã có sự chuyển biến tích cực. Năm 2016, thứ hạng PCI của Nghệ An tăng 4 bậc so với năm 2012, từ vị trí thứ 6/6 khu vực Bắc Trung Bộ (năm 2012) lên vị trí thứ 2/6 (năm 2016), đứng sau Thừa thiên Huế.

Các chỉ số xếp vị trí cao trong khu vực gồm: Đào tạo lao động, Cạnh tranh bình đẳng, Gia nhập thị trường, Tính minh bạch.

Các chỉ số xếp vị trí thấp trong khu vực, gồm: Tiếp cận đất đai, Chi phí không chính thức, Thiết chế pháp lý, Chi phí thời gian, Hỗ trợ doanh nghiệp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa phát biểu. Ảnh: Thu Huyền

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Ngọc Hoa cho biết: Năm 2016, là một năm môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh thành công. Đây là kết quả rất đáng phấn khởi, ghi nhận nỗ lực phấn đấu sau nhiều năm của tỉnh, phản ánh việc thực hiện hiệu quả, đồng bộ, nhiều chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện từng chỉ số thành phần PCI của cả hệ thống chính quyền trong thời gian qua.

Kết quả thu hút đầu tư của tỉnh là một minh chứng cụ thể cho những nhận định trên: năm 2016, toàn tỉnh đã cấp mới 141 dự án, với tổng vốn đầu tư 35.441 tỷ đồng, tính đến tháng 5 năm 2017, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 68 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 9.064,5 tỷ đồng; điều chỉnh cho 05 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng 544,89 tỷ đồng. Nhiều dự án lớn, sử dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động có hiệu quả, tạo được nhiều việc làm và nộp ngân sách lớn.

Tuy nhiên, sự cải thiện không ổn định, nhiều chỉ số còn thấp như chi phí không chính thức Nghệ An xếp 60/63 tỉnh thành; tiếp cận đất đai xếp 52/63- đây là những rào cản ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Bảng so sánh chỉ số PCI các tỉnh Duyên hải miền Trung năm 2014 và 2015. Ảnh: PV

“Một trong những sáng kiến cải thiện chỉ số PCI chính là xây dựng, áp dụng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành, huyện, thị (DDCI).

Mục tiêu của DDCI chính là tạo sự cạnh tranh về chất lượng điều hành kinh tế, khả năng cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp của cấp sở, ngành, huyện, thị. Việc xây dựng và áp dụng được DDCI sẽ đưa các cơ quan, đơn vị của tỉnh vào phong trào chung trong cải cách, rút ngắn thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà; đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua ý kiến khảo sát của mình đóng góp tiếng nói vào các hoạt động điều hành kinh tế của địa phương.” – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa nhấn mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban pháp chế, Giám đốc dự án PCI chia sẻ giải pháp cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI. Ảnh: Thu Huyền

Trao đổi về giải pháp cải thiện chỉ số PCI, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI cho rằng, một trong những giải pháp cải thiện chỉ số PCI là làm cho doanh nghiệp đang hoạt động cảm thấy hài lòng, phải xây dựng một nền hành chính phục vụ. Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hài lòng với môi trường kinh doanh là cách xúc tiến đầu tư hiệu quả nhất.

"Nghệ An xuất phát điểm không thuận lợi so với các tỉnh thành khác, do đó, nếu không có nỗ lực mạnh mẽ sẽ có nguy cơ tụt hậu. Một số chỉ số của tỉnh đã có bước tiến nhưng so với các tỉnh khác Nghệ An còn thua. Để cải thiện chỉ số PCI, ngoài sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, cần sự chuyển biến mạnh mẽ của cấp sở ngành, huyện thị"- Giám đốc PCI lo lắng.

Đoàn công tác tỉnh Nghệ An thăm dây chuyền sản xuất chè sạch theo công nghệ Nhật Bản tại xã Hùng Sơn, Anh Sơn. Ảnh: Thu Huyền

Cũng tại hội thảo, các đại biểu được nghe kinh nghiệm thực hiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành năm 2016 của tỉnh Bắc Ninh do ông Nguyễn Phương Bắc – Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế tỉnh Bắc Ninh trình bày; chia sẻ của ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam về tăng cường tham vấn doanh nghiệp, trao quyền cho hiệp hội cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh thông qua triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP; tham luận của các sở ngành, Hội doanh nghiệp tiêu biểu.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN