(Baonghean) - Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg quy định về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững chính thức có hiệu lực thi hành từ 5/9/2015. Đến nay, sau 2 tháng triển khai thực hiện Quyết định, tại Nghệ An đã có những phản ứng tích cực từ nhiều phía...

Theo số liệu tổng hợp từ Ngân hàng CSXH tỉnh, nhờ sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt từ nhiều phía, đến ngày 30/9/2015 Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân được 29 tỷ đồng trong tổng số 50 tỷ đồng nguồn vốn Trung ương cấp để triển khai thực hiện Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg. Tính đến ngày 5/11, tròn 2 tháng Quyết định này đi vào thực tế, tổng số tiền đã giải ngân trên toàn tỉnh là 89 tỷ đồng, ngoài nguồn vốn do Trung ương cấp đợt 1 cho chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, còn có các nguồn nhàn rỗi từ các chương trình tín dụng khác chuyển qua.

Ảnh minh họa (Internet)
Ảnh minh họa (Internet)

Sự phối hợp chặt chẽ 

Thực tế từ khi Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg được ban hành ngày 21/7/2015, tại nhiều địa phương trong tỉnh đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp, ngành để chung tay sớm đưa quyết định mới này vào triển khai và đem lại niềm vui cho những hộ thuộc diện mới thoát nghèo. Nam Đàn là một trong những huyện triển khai sớm nhất Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg. Theo ông Nguyễn Sỹ Hải, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nam Đàn: Nhờ có sự phối kết hợp giữa các cấp từ cơ sở, am hiểu sâu sát tình hình cụ thể ở địa phương, nên đã có sự tham mưu chính xác, kịp thời, nắm rõ các đối tượng được phép vay vốn để nhanh chóng triển khai theo đúng tinh thần của Quyết định.

Qua quá trình rà soát, đối chiếu và bình xét công bằng, minh bạch, danh sách mà ngân hàng nhận được đa phần đáp ứng yêu cầu, và đã được giải ngân theo đúng quy định. Một số trường hợp cần thẩm định lại, ngân hàng cử cán bộ xuống tận nơi để thực hiện quy trình kiểm tra trước khi cho vay. Với cách tiếp cận chủ động và tích cực, ngày 7/9, tức chỉ 2 ngày sau khi Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg có hiệu lực, những khoản vốn đầu tiên đã được giải ngân cho các xã ở Nam Đàn, như Nam Cường và Nam Thanh được giải ngân 600 triệu đồng. Tính đến 30/10, Nam Đàn đã giải ngân 7,185 tỷ đồng/205 hộ mới thoát nghèo vay. Trong tháng 11, Ngân hàng CSXH huyện phấn đấu giải ngân cho toàn bộ 24/24 xã, tiếp tục tiếp nhận hồ sơ vay vốn và tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi từ chính sách cho vay dành riêng cho học sinh, sinh viên để mang lại thêm nhiều niềm vui cho các hộ mới thoát nghèo khác. 

Chăn nuôi gà ở Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu

Tại huyện Nghi Lộc, tính đến 3/11, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân và cho vay 3,995 tỷ đồng theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg, bước đầu “thử nghiệm” hướng đi mới mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho những hộ mới thoát nghèo tại địa phương. Ông Lê Xuân Hiếu - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nghi Lộc cho biết: “Trên thực tế, ngân hàng căn cứ vào mục đích sử dụng vốn của người dân để thỏa thuận và cấp mức vốn vay hợp lý, vừa đủ, tránh lãng phí đồng vốn hoặc sử dụng không hiệu quả, sai mục đích, gây tình trạng nợ xấu. Tại Nghi Lộc, các đối tượng chủ yếu vay vốn để mua gia súc, gia cầm về chăn nuôi (bò sinh sản, lợn nái, lợn thịt, gà, dê,…), mua ngư, lưới cụ đánh bắt thủy, hải sản, buôn bán nhỏ,…

Hiệu ứng tích cực

Gia đình chị Dương Thị Lý là 1 trong 2 hộ đầu tiên của xóm 4, xã Nghi Phương  (Nghi Lộc) có hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện và đã được Ngân hàng CSXH giải ngân đợt này. Chị Lý cho hay: “Trước đây gia đình thuộc diện nghèo nhất xã, thậm chí không có nhà để ở, nhưng năm 2012, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, gia đình tôi được hỗ trợ một phần và cho vay một phần để xây dựng nhà ở cấp 4 theo chương trình xóa nhà tranh tre. Sau đó gia đình còn được vay vốn đối với hộ nghèo và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, năm 2014 gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo...”. Như nhiều hộ khác, sau thoát nghèo, gia đình chị Lý mong muốn nhận được thêm sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành để có vốn làm ăn, thoát khỏi nỗi lo tái nghèo. Do đó, 30 triệu đồng được giải ngân theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg là động lực tiếp sức cho những kế hoạch sắp tới của gia đình chị nhằm mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi, dần ổn định thu nhập và cuộc sống. Nhìn vào khu chăn nuôi được quy hoạch hợp vệ sinh với đàn gà lên tới hàng trăm con, 2 con lợn nái đang chờ ngày sinh sản… và những dự định của chị, tin rằng gia đình chị sẽ thoát nghèo bền vững.

Cũng như gia đình chị Lý, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoàn và anh Nguyễn Duy Nhàn ở xóm 7A, xã Nam Thanh (Nam Đàn) đã bắt đầu tính toán để sử dụng hiệu quả số tiền mới được Ngân hàng CSXH giải quyết cho vay. Thoát nghèo năm 2013, đến nay, gia đình anh chị vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khi 2 con đang trong độ tuổi ăn học. Chị Hoàn chia sẻ: “Với số vốn 50 triệu đồng vay từ Ngân hàng CSXH trong thời hạn 36 tháng, lãi suất 0,6875%/tháng, vợ chồng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình làm ăn. Ngay sau khi nhận được vốn vay, gia đình mua thêm 1 con bò sinh sản, 12 con lợn,… cùng với đó là sửa sang chuồng trại. Gia đình rất phấn khởi, và sẽ lấy đó làm cơ sở để phấn đấu làm ăn, tích lũy, sớm hoàn trả số vốn mà gia đình đã vay...

Cần quyết liệt triển khai hơn nữa

Có thể nói, nhu cầu vay vốn của các hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Những kết quả đạt được trong quá trình triển khai Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg thời gian qua mới chỉ là thành công bước đầu, đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người dân và phần nào bộc lộ những thiếu sót, cứng nhắc trong quá trình triển khai Quyết định để các địa phương nhanh chóng khắc phục và rút ra bài học kinh nghiệm. 

Ông Hoàng Sơn Lam,Trưởng phòng Nghiệp vụ tín dụng Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết, một số địa phương vẫn chậm triển khai Quyết định này. Tại cuộc họp Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cuối tháng 9 vừa qua, vẫn còn 6 huyện chưa gửi danh sách hộ mới thoát nghèo lên Ngân hàng CSXH tỉnh, mà nguyên nhân chủ yếu do công tác rà soát còn chậm, cứng nhắc và chưa khoa học. Lý giải tình trạng trên, ông Lam nói: “Những đơn vị còn chậm chủ yếu do cách làm. Nếu việc rà soát danh sách các hộ mới thoát nghèo trong vòng 3 năm mất quá nhiều thời gian, thì phải tiến hành rà soát theo từng năm. Cần tránh cách làm việc cứng nhắc, gây lãng phí nguồn lực cấp trên và gây khó khăn cho Ngân hàng CSXH tỉnh trong thống kê, cân đối để xin ngân sách bổ sung từ Trung ương. Quan trọng hơn, việc triển khai chậm trễ gây nhiều thiệt thòi cho chính những hộ có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh để thoát nghèo bền vững”.

Cảnh Nam - Thu Giang

TIN LIÊN QUAN