(Baonghean) -  Với đồng bào Thái ở bản Boong (xã Lạng Khê, Con Cuông), bản hương ước là hành vi ứng xử trong cộng đồng, là sợi dây liên kết bền chặt trước biến động của cuộc sống. 

Từ trụ sở xã Lạng Khê đến bản Boong chỉ mất chừng dăm bảy phút đi xe máy dọc theo Quốc lộ 7A. Trên đường đi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Kha Văn Kiên đã kịp liên lạc với Ban quản lý bản. “Hôm nay mọi người ở nhà cả. Hình như bản đang có việc gì đó” - anh nói với tôi sau cuộc điện thoại ngắn. 

1513347574724.jpgMột góc bản Boong, xã Lạng Khê (Con Cuông). Ảnh: Đào Tuấn

“Việc gì đó” như anh Kiên thông báo chính là lúc này các thành viên Ban quản lý bản Boong đều đang tập trung ở nhà văn hóa để hướng dẫn bà con bổ sung, chỉnh sửa lại thông tin nhằm cấp lại thẻ bảo hiểm y tế.

Khi chúng tôi bước vào, sau những lời chào hỏi cởi mở dành cho khách, mọi người đều chủ động giãn ra nhường lối. Loanh quanh ngắm nghía hàng loạt bằng khen, giấy khen treo trên những bức tường của nhà văn hóa bản.

Có hai thứ khiến tôi để ý trong rất nhiều thành tích mà bản Boong từng được công nhận và vinh danh, đó là Bằng công nhận Làng Văn hóa vào năm 2001 và tấm Giấy khen vì thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống bạo lực gia đình. 

Danh hiệu làng bản văn hóa thì không nói làm gì, nhưng biểu dương về phòng chống bạo lực gia đình thì kể ra cũng hơi là lạ. Lúc này một người thanh niên người đậm, chắc, tuổi chừng 26, 27 đến gần đưa tay ra bắt, cười tươi rói nói: “Bản Boong chúng em ai cũng đoàn kết, vui vẻ nên được cấp trên tặng cái giấy khen nớ thôi”. Phó Bí thư Kiên giới thiệu: “Đây là Lô Văn Hùng - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Boong”.

Trò chuyện biết thêm trưởng bản năm nay mới bước qua tuổi 27. Lô Văn Hùng dẫn chúng tôi đi theo tuyến đường bê tông rộng rãi chạy quanh bản, rành rọt, chính xác kê ra từng con số, thậm chí từng bụi măng, gốc mét có trong cộng đồng. 

Ban quản lý bản Boong giúp người dân chỉnh sửa thông tin để cấp thẻ BHYT. Ảnh: Nhật Lân

Bản Boong có 101 hộ và 445 nhân khẩu. Người già nói rằng, dân bản đã sinh sống bên dòng khe Boong từ bao đời. Có lẽ vì thế bản lấy tên khe để gọi tên cộng đồng mình. Trước đây bà con sinh sống phía sau dãy núi, cách vị trí hiện nay chừng 2 cây số.

“Bản ta xưa nay không giàu, cũng không nghèo quá, vừa thôi. Được cái nề nếp vẫn giữ” - cụ Vi Văn Hoái, năm nay 75 tuổi, là một giáo viên tiểu học nghỉ hưu, cho hay. Cái nề nếp của bản Boong  “nổi” nhất là từ trước đến nay trong bản không có người nghiện ma túy, hút xách. Ngay cả thuốc lá, thuốc lào cũng ít người dùng. Đây có thể coi là điều khá đặc biệt đối với một bản làng vùng cao nằm sát với Quốc lộ 7.

Với diện tích tự nhiên 593ha, người bản Boong quanh năm cúc cụm cày bừa, canh nông trên 37ha lúa nước, 16ha mía và 9ha sắn. Ngoài sản xuất lương thực, người dân trong bản còn trồng 16ha keo và bình quân mỗi gia đình có 5ha rừng để trồng mét tăng thêm thu nhập.

Trưởng bản Lô Văn Hùng cho biết thêm, từ đầu năm 2017 đến nay, bà con còn khai hoang phục hóa được 12ha đất sản xuất, nương rẫy. Và điều phấn khởi với người dân bản Boong cũng không phải là mỗi nhà có vài trăm, hay vài ngàn cây mét vào mùa bán được vài chục nghìn đồng/cây. Ma túy, thói hư đã không len vào được đời sống cộng đồng, đó mới là điều mừng. Hơn thế, bà con dân bản còn yên tâm vì hương ước làng lập cách đây non ba chục năm vẫn được lớp trẻ hôm nay gìn giữ, phát huy. 

Hương ước của bản Boong. Ảnh: N.L

“...Với truyền thống lâu đời nhân dân trong thôn bản luôn sống hòa thuận, đoàn kết, luôn cần cù chăm chỉ. Hiện nay bản Boong ngày càng đổi mới giàu đẹp hơn…”. Đó là những lời mở đầu của bản hương ước.

Biết về tục làng, lệ bản vùng cao đã nhiều, hương ước thành văn cũng đã được xem, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được đọc bản hương ước với 8 chương, 27 điều, nội dung rất gần gũi và sát thực.

Có những chi tiết tưởng chừng như giản đơn với người miền xuôi nhưng lại rất thiết thực với đồng bào miền núi. Ví như nội dung chăm sóc, giáo dục bà mẹ và trẻ em được quy định trong Điều 8, Chương III là: “Người mẹ trong thời kỳ mang thai cần đi khám thai ít nhất 3 lần, phải được tiêm phòng uốn ván và uống viên sắt đầy đủ. Khi sinh con nên đến cơ sở y tế. Trường hợp sinh con ở nhà phải mời bà đỡ đã được đào tạo hoặc nhân viên y tế thôn bản để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con…”. 

Hương ước bản Boong cũng đưa ra “chế tài xử lý vi phạm và thu lệ phí trong bản”. Theo đó, có nhiều nội dung  quy định xử lý các vi phạm về an ninh trật tự do người dân trong bản gây ra hoặc xử lý các gia đình để trâu, bò phá hoại hoa màu, cây cối. Chẳng hạn như với hành vi uống rượu say làm mất an ninh trật tự, nếu vi phạm lần thứ nhất cảnh cáo trước toàn bản, lần thứ hai phạt 100.000 đồng.


Tương tự, hành vi bạo lực gia đình: lần thứ nhất cảnh cáo trước toàn bản, tái phạm phạt 100.000 đồng, nếu không khắc phục sẽ báo cấp trên xử lý. Hành vi trộm cắp măng mét bị xử phạt 50.000 đồng/búp; trộm mía phạt 20.000 đồng/cây. Nếu ai đánh cá bằng chất nổ bị phạt 500.000 đồng/người/vụ; sử dụng kích điện phạt 200.000 đồng/người/vụ… Người nào để trâu, bò ăn măng thì phải chịu mức phạt: 15.000 đồng/búp; mía là 5.000 đồng/cây. Với các loại cây lương thực như ngô, lúa và hoa màu khác, tùy theo chu kỳ sinh trưởng của cây, người chủ có gia súc phá hại sẽ phải chịu mức phạt từ 1.000 - 4.000 đồng/gốc…

Chúng tôi đem những quy định trong bản hương ước hỏi chuyện bà con trong bản. Bà con đều khẳng định làm như thế là đúng lắm! Chị Lương Thị Niệm (SN 1978)  quả quyết “phải làm rứa bản mới được yên bình”. Chị kể, hôm chị em trong bản tổ chức ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, mọi người đang ca hát vui vẻ thì tiếng kẻng “giới nghiêm” vang lên, mọi người đang lúc được dịp vui nhưng cũng phải tắt nhạc, cất “míc”.

Ở bản Boong giờ “giới nghiêm” được xác định: mùa hè là 22h30 và mùa đông là 22h. Sau giờ đó nếu ai làm ồn, gây mất trật tự sẽ bị tổ an ninh đến tận nhà nhắc nhở. Lúc này nếu ai đi xe máy về muộn thì đến đầu bản phải xuống xe dắt bộ, cố ý vi phạm sẽ bị phạt 50.000 đồng/lần. Tất cả các khoản tiền phạt sẽ được xung vào quỹ khuyến học và phục vụ cộng đồng. 

Tất cả mọi hoạt động, sinh hoạt trong bản đều phải tuân thủ hương ước (Trong ảnh: Anh Vi Văn Vĩnh nâng cấp nhà ở sau khi được hương ước bản thông qua). Ảnh: Đào Tuấn

Nhưng điều này khiến chúng tôi thích thú hơn cả là thanh niên bản Boong không được phép nhuộm tóc xanh, tóc đỏ. Bà Lô Thị Hương, một phụ nữ trong bản cho hay: “Trước đây có 2 thanh niên đi làm ăn ở ngoài, về bản tóc tai làm màu khó coi lắm. Người ở bản không cho vào. Rồi 2 đứa cũng phải chạy đi nhuộm lại tóc đen mới được về nhà”. Bà con còn cho hay, những thanh niên bản mà nhuộm tóc thì mọi người quyết không chơi, không cho đi cùng.  Vậy nên nay không có ai dám nhuộm tóc nữa… 

Liệu hương ước của bản Boong có quá khắt khe? Chúng tôi vẫn hơi day dứt về điều này khi rảo bước và ngắm nhìn cuộc sống của người dân trong bản.

“Cái hương ước ni tất cả người dân trong bản đồng tình mà. Ít năm lại bổ sung cho phù hợp nữa. Ai cũng như ai hết. Muốn cây măng, cây mét được tốt thì phải giữ con trâu. Giữ con trâu tốt thì hắn cũng đỡ ốm đau, bệnh tật. Nhà có măng cũng không lo, nhà nuôi trâu cũng phải chăm cho béo” - bà Lô Thị Hương tỏ bày.

Sự đoàn kết, thống nhất trên dưới một lòng là những gì chúng tôi nhìn thấy và cảm nhận được ở bản Boong. Với đồng bào Thái nơi đây, bản hương ước không phải là  sự đáng sợ về những đồng tiền nộp phạt. Trên hết là hành vi ứng xử trong cộng đồng, là sợi dây liên kết bền chặt trước biến động của cuộc sống. 

Trước khi chia tay, Lô Văn Hùng cho chúng tôi biết, anh đang theo học ngành Luật, thuộc hệ đào tạo từ xa của Trường Đại học Vinh. Nghĩ Hùng học để chuẩn bị chuyển hướng công việc, nhưng theo anh thì “học để làm trưởng bản” vì bản Boong hiện nay có đến 27 đảng viên, ai cũng có trình độ, trong bản lại có hơn 10 người đã và đang học các trường cao đẳng, đại học.

Đào Tuấn - Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN