(Baonghean.vn) - Qua đường dây nóng Báo Nghệ An, một số người dân thị trấn huyện Quỳ Hợp thông tin dự án bãi rác thải tại xã Thọ Hợp bị 'treo' quá lâu, dẫn đến tình trạng bãi rác tạm quá tải, gây ô nhiễm môi trường. Liên quan đến dự án này, người dân xóm Thung Khặng (Thọ Hợp) cũng có ý kiến, vì dự án 'treo' nên hệ thống đường điện qua khu dân cư nơi họ sống cũng bị 'treo'
Băn khoăn “kép”
Thung Khặng, theo người dân, trước đây là một khu vực cực kỳ khó khăn, như một vùng cô lập tách biệt với phần còn lại của xã Thọ Hợp. Để đến Thung Khặng, đường dẫn vào độc đạo lởm chởm đá núi; cư dân không điện, không nước… Còn bây giờ, khi có dự án bãi rác thải, đường dẫn vào đã được thực hiện nhưng vì vẫn chưa có điện, có nước, lại xa trường học, nên có 27/40 hộ dân đã phải ra làm nhà dọc đường 48 để ở cho con cái thuận tiện việc học hành.
Theo các cán bộ quản lý bản, như ông Trương Doạt – xóm trưởng, Đặng Đình Xuân – xóm phó, cho hay: Không có điện, nước nên đời sống của các hộ dân rất khổ. Nhất là việc không có điện, đã kìm hãm trong phát triển kinh tế, đời sống tinh thần thiếu thốn. Điều mà ông Doạt, ông Xuân băn khoăn là đường điện đã kéo, dây đã lắp nhưng do dự án rác thải ở cuối Thung Khặng chưa thực hiện nên chưa thể đấu nối điện.
“Tôi biết dự án chưa được thực hiện là do vướng trong giải phóng mặt bằng. Trước đây thì có 8 hộ, trong đó có 7 hộ là công nhân Lâm trường Quỳ Hợp. Nay thì chỉ còn vướng một hộ, là người ở dưới Nghĩa Đàn lên. Vậy mà dự án vẫn bị “treo” hết sức vô lý, làm kéo dài cái khổ cho dân Thung Khặng…”, ông Doạt nói.
Với dân khối 1 thị trấn Quỳ Hợp, việc dự án bãi rác thải bị “treo” cũng đang gây cho họ sự phiền hà không nhỏ. Bãi rác thải tạm của thị trấn nằm trong khu dân cư. Dù sống cạnh bãi rác tạm chỉ có vài hộ nhưng do quá tải nên gây ra vấn nạn ô nhiễm môi trường, phát sinh nạn ruồi nhặng, phát tán mùi hôi… cho cả khu vực.
Là một trong những hộ dân sống kề bãi rác, và kiếm sống một phần nhờ rác nhưng ông Lê Trung Đại (71 tuổi) rất lo lắng cho thế hệ tương lai của mình. Ông Đại nói: “Ở đây có 3 hộ, trong đó có người già, người tàn tật và 4 trẻ em. Có những thời điểm ô nhiễm rất nặng. Ruồi nhặng đen đặc, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Tôi già rồi chẳng nói làm gì, chỉ thương cho bọn trẻ…”.
Theo ông Nguyễn Thanh Quỳnh – Chủ tịch UBND thị trấn Quỳ Hợp, về vấn đề ô nhiễm môi trường do bãi rác thải thị trấn gây ra, đã có một số cơ quan báo chí quan tâm có ý kiến. Từ khoảng năm 2010, huyện Quỳ Hợp đã được UBND tỉnh chấp thuận phê duyệt dự án bãi rác thải ở xã Thọ Hợp để thay thế bãi rác tạm tại khối 1. Tuy nhiên, do vướng mắc GPMB nên đến nay vẫn chưa được thực hiện.
“Việc quá tải ở bãi rác thải tạm là có xẩy ra. Thị trấn biết, huyện cũng biết và đã cố gắng xử lý môi trường chứ không hề thờ ơ với công tác này. Nhưng để giải quyết dứt điểm, cần phải hoàn thành dự án bãi xử lý rác thải. Vì vậy, tại báo cáo hàng quý, hàng năm về công tác môi trường, thị trấn đều kiến nghị UBND huyện đẩy nhanh tiến độ dự án bãi rác thải tập trung…”, ông Quỳnh cho biết.
Sẽ bảo vệ thi công
Dự án đầu tư xây dựng công trình bãi xử lý rác thải thị trấn Quỳ Hợp và các xã phụ cận (có tổng diện tích 6,6 ha, tại vùng Thung Khặng, xã Thọ Hợp) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1446/QĐ.UBND-CNXD ngày 8/4/2010. Vậy nhưng cho đến nay, khu vực được xác định sẽ thực hiện dự án vẫn chưa được làm sạch mặt bằng.
Tìm hiểu, hộ gia đình cuối cùng còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dự án bãi xử lý rác thải là gia đình ông Ngô Sỹ Toản, xóm Thung Khặng, xã Thọ Hợp. Theo đại diện Hội đồng BTGPMB huyện Quỳ Hợp, những vướng mắc đối với trường hợp ông Ngô Sỹ Toản liên quan tới diện tích đất rộng hơn 3,7ha, đang có các loại cây trồng như cà phê, dầu trẩu, keo nằm trong vùng thực hiện dự án.
Diện tích đất này, theo Lâm trường Quỳ Hợp xác định, là đất thuộc quản lý của lâm trường, giao khoán cho ông Ngô Sỹ Toản năm 1993. Hồ sơ của lâm trường lưu giữ thể hiện rõ điều này nhưng ông Ngô Sỹ Toản cho rằng quyền sử dụng đất thuộc về mình; không chấp nhận giá trị bồi thường mà Hội đồng BTGPMB huyện thực hiện theo quy định, mà đòi được bồi thường theo giá trị bồi thường đất đất nông nghiệp.
Dù phương án bồi thường đã được xây dựng đảm bảo quy định, chính quyền huyện, xã đã giải thích, vận động nhưng ông Toản vẫn không chấp nhận. Chính vì vậy, dự án chưa thể thực hiện; ngay cả đường điện phục vụ dự án đã kéo đến cuối tuyến cũng không thể đấu nối dẫn đến việc một số người dân khu vực Thung Khặng bức xúc.
Theo hồ sơ Hội đồng BTGPMB huyện Quỳ Hợp cung cấp, vào ngày 20/7/1993, Lâm trường Quỳ Hợp lập Hợp đồng số 04 khoán thầu bảo vệ, chăm sóc, thu hoạch trẩu, cà phê thuộc khu kinh tế mới Tiểu khu 289 đối với ông Ngô Sỹ Toản (chức vụ công nhân). Hợp đồng có thời hạn 10 năm. Trong các điều khoản tại hợp đồng có nêu rõ “Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước lấy đất hoặc rừng để phục vụ mục đích khác thì A và B gặp nhau giải quyết hậu quả để chấm dứt hợp đồng”.
Khi tiến hành công tác giải phóng mặt bằng, UBND huyện Quỳ Hợp đã đề nghị Lâm trường Quỳ Hợp cho xác định về nguồn gốc sự dụng đất, ngày 12/5/2012, Lâm trường Quỳ Hợp đã có Công văn số 98/CV-LT hồi đáp. Tại đây nêu rõ, diện tích đất thực hiện dự án bãi xử lý rác thải là do Lâm trường Quỳ Hợp quản lý, đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận QSD đất; phần tài sản trên đất, về loại cây Tếch là do lâm trường quản lý trực tiếp, với cây trẩu và cà phê là do lâm trường trồng và hiện còn năm trong hợp đồng khoán thầu bảo vệ, chăm sóc, thu hoạch của lâm trường với ông Ngô Sỹ Toản được thực hiện ký kết năm 1999 (năm 1999, theo đề nghị của ông Toản, Lâm trường Quỳ Hợp ký tiếp phụ lục hợp đồng kéo dài đến năm 2010. Có hồ sơ lưu trữ đầy đủ).
Với những thông tin này, nguồn gốc sử dụng đất đai đã xác định rõ ràng. Đặt ra câu hỏi, tại sao huyện Quỳ Hợp không kiên quyết trong GPMB, dẫn đến tình trạng dự án bị chậm tiến độ khiến người dân trên địa bàn có những bức xúc?
Theo ông Quán Vi Giang – Phó phòng TN&MT, thành viên Hội đồng BTGPMB huyện Quỳ Hợp, với trường hợp của ông Ngô Sỹ Toản, hội đồng đã thực hiện kiểm tra rà soát rất kỹ về thực địa và hồ sơ tài liệu liên quan. Hiện đã lên phương án bồi thường tài sản trên đất; hỗ trợ về đất và hỗ trợ khó khăn về thu nhập về thu nhập do khó khăn về thiếu đất sản xuất với tổng giá trị gần 1,1 tỷ đồng. Phương án này đã được công khai tại xã Thọ Hợp ngày 14/11/2016; và ngày 16/11/2016, đã giao tận tay cá nhân ông Ngô Sỹ Toản.
Vừa qua, ông Ngô Sỹ Toản tiếp tục có đơn với nội dung không đồng tình phương án bồi thường, hỗ trợ; tiếp tục đòi được bồi thường theo đất nông nghiệp. Sau khi tiếp nhận đơn, một mặt lãnh đạo huyện cho rà soát lại hồ sơ lần cuối, một mặt đã chuẩn bị phương án để bảo vệ thi công. Ông Quán Vi Giang nói: “Huyện Quỳ Hợp thấy rằng phương án bồi thường, hỗ trợ đã đảm bảo đúng quy định nên quyết tâm thực hiện, không để dự án xây dựng bãi xử lý rác thải bị định trệ thêm nữa…”.
Hà Giang